Loading ...
Theo dấu chân Bác
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhà giáo
T6, 20/11/2020 - 10:11
Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nguồn lực và sức mạnh quan trọng đối với sự phát triển của Đất nước. Để giáo dục xứng đáng với kỳ vọng của xã hội, những người làm công tác giáo dục, hay chúng ta vẫn hay gọi là những Nhà giáo có vai trò rất quan trọng. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm tới những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là các thầy, cô giáo trực tiếp truyền bá kiến thức, kỹ năng và đạo đức cho học sinh. Đánh giá rất cao những người làm công tác giáo dục, Người đã khẳng định một chân lý: “Vì lợi ích mười năm trồng cây; Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu trong sự phát triển của Đất nước (hình minh họa).

Nhà giáo dục học người Séc (Tiệp Khắc) Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Bởi vậy, có thể nói rằng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà giáo nói riêng và về giáo dục nói chung xứng đáng được coi là kim chỉ nam cho các thế hệ những người làm công tác “trồng người”.

Trong truyền thống của Dân tộc Việt Nam, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí  Minh từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội”. Nhà giáo là nghề có sự cống hiến rất thầm lặng nhưng rất mực vẻ vang. Vì thế, Người dạy: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Để làm được điều đó cần hội tụ ít nhất hai điều kiện là kiến thức và lòng yêu nghề. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Trong tư tưởng của Người, chúng ta luôn tìm thấy những trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ những người thầy trong xã hội. Người cho rằng, đội ngũ giáo viên luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Họ chính là những  người đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục. “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, câu nói đó của Người khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên trong sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Họ là người có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Muốn thực hiện được nhiệm vụ ấy, bản thân các thầy, cô giáo phải trở thành một lực lượng mạnh mẽ. Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài, có đức cho xã hội.

Trong sự nghiệp giáo dục, đội ngũ giáo viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức. Người nhắc nhở: “Các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc”. Tấm gương của người thầy đối với học sinh trong mọi xã hội là rất quan trọng, Người nói: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ, vì vậy sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà”. Do đó, người thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Người có tài mà không có đức thì là người vô dụng, nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đối với đội ngũ nhà giáo, tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn của người thầy, đức là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với các em học sinh. Vì vậy, Người luôn nhắc các nhà giáo: Dạy cũng như học đều phải biết chú trọng cả tài và đức. Đặc biệt với xã hội ngày này thì tư tưởng đó cần được quan triệt hơn.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra bản chất ưu việt của nền giáo dục trong xã hội mới là hoàn toàn khác với giáo dục trong xã hội cũ: “Động cơ của người làm nghề thầy giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà là động cơ giáo dục gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người”. Ngoài ra, Người còn chỉ rõ, người làm thầy giáo phải luôn là tấm gương không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện. Người thầy giáo phải luôn gương mẫu trong học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, tri thức khoa học, phải là tấm gương tự học với quan niệm “Sự học không bao giờ cùng” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trước những yêu cầu của thời đại mới. Đặc biệt là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì tấm gương tự học của người thầy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Người thầy giáo luôn tự rèn luyện và trở thành tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho người học nói riêng và mọi người nói chung noi theo. Hình ảnh người thầy giáo luôn được xã hội xem là biểu tượng của văn hóa, là đại diện cho văn minh thời đại. Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại. Tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có. Người nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”.

Không chỉ nhấn mạnh việc xây dựng năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tương trợ. Người luôn tâm niệm, là người giáo viên cần phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ, đó là mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò, cần đoàn kết toàn thể nhà trường thành một khối, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, tạo nên sức mạnh, phát huy tính năng động, sáng tạo và đổi mới trong giáo dục. Người nói: “Trong trường cần có dân chủ, đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có vấn đề gì đều thật thà phát biểu, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt, dân chủ nhưng trò phải phải kính thầy, thầy phải quý trò”.

Trong quan niệm của Bác, đã là nhà giáo phải yêu người, yêu nghề, yêu trường, yêu lớp, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”. Yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh như con, em ruột của mình, không thiên tư, thiên vị. Chỉ như vậy, các thầy, cô giáo mới đi tới sự đoàn kết thực sự, chung sức chung lòng, vì tương lai của con em ta, dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy, một nhà giáo dục vĩ đại. Cả cuộc đời, Người đã giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ cán bộ quản lý, lãnh đạo, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng. Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà được hình thành, củng cố và phát triển.

Có thể thấy rằng, những tư tưởng mà Người nêu ra mang tầm ý nghĩa thời đại. Sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chứng minh kiểm nghiệm, những lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy càng rất quan trọng và cùng với nó là yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt.

Hiện nay cả nước đang tổ chức thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngành Giáo dục trong đó có đội ngũ giáo viên đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào thiết thực này bằng việc thi đua dạy tốt, học tốt, đó là đòn bẩy cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Người thầy cần phải thường xuyên thi đua trong mọi lĩnh vực của công tác giáo dục, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những thời điểm khó khăn, để các thầy cô giáo có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đạt được mục tiêu cao cả mà nền giáo dục đã đề ra nhằm hướng tới xây dựng một xã hội “Công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Nguồn: vanhien.vn
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website