Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn những giá trị tốt đẹp, những thành quả to lớn mà cha ông ta đã ra sức xây dựng. Vì vậy, chính sách đối với người có công là chính sách vô cùng quan trọng. Làm tốt chính sách đối với người có công sẽ góp phần vào sự ổn định xã hội, giữ vững thể chế và ngược lại.
Ảnh: Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Trong suốt 70 năm qua kể từ khi Bác Hồ lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ và được cụ thể hóa bằng các quan điểm của Đại hội Đảng qua các thời kỳ, bằng các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước về các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã được ban hành và triển khai. Theo đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Những phong trào đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cuộc sống của gia đình người có công dần được cải thiện. Năm 2002, 17% gia đình người có công với cách mạng có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú thì năm 2016 chỉ còn 3%. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân…
Ảnh: Đ/c Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan TW phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan TW cho biết, qua 10 năm xây dựng và phát triển, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương luôn xác định việc tham gia thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng là một trong những hoạt động phong trào trọng tâm của các cấp bộ đoàn, của mỗi đoàn viên, thanh niên. Công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đối với người có công với cách mạng; về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Ngày Thương binh - Liệt sỹ, của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” thông qua các diễn đàn, tọa đàm, hội nghị, giao lưu, gặp mặt trao đổi về những vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, bộ đội xuất ngũ, thân nhân gia đình liệt sỹ, nạn nhân chất độc màu da cam… thường xuyên được các cấp bộ đoàn quan tâm tổ chức. Nhiều hoạt động được Đoàn Khối tổ chức với quy mô lớn như: Chương trình giao lưu “Khát vọng hòa bình”; “Những trái tim Ba sẵn sàng”; “Vang mãi bản hùng ca”; các chương trình Tọa đàm “Con đường khát vọng”; “Hành trình đi tìm công lý”; các chương trình nghệ thuật như: “Bài ca dựng nước”; “Hành trình tri ân”; “Sáng mãi ngọn lửa Ba sẵn sàng”; “Bài ca không quên”; “Màu hoa đỏ”; “Khát vọng hòa bình”…đã thể hiện được phẩm chất trí tuệ trong việc tham vấn, góp ý vào quá trình thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng của tuổi trẻ Khối; đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, ghi nhớ công ơn của các bậc cha anh đã cống hiến và hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Ảnh: Phó Cục trưởng Cục Người có công Đỗ Thị Hồng Hà trình bày tham luận tại Diễn đàn
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” đã được Đoàn Khối cụ thể hóa bằng nhiều cách làm sáng tạo và mô hình khác nhau như: “Hành trình tri ân - Hành trình tình nguyện”; “Hành trình về nguồn”; “Hành trình đỏ”; “Hành trình theo bước chân những người Anh hùng”; “Thắp nến tri ân các anh hùng Liệt sỹ”; xây dựng nhà tình nghĩa, thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc hóa học…đã được các cấp bộ đoàn tổ chức thường xuyên và được trải dài trên khắp mọi miền đất nước.
Ảnh: Đ/c Nguyễn Thanh Vân, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Bộ LĐ-TBXH phát biểu tại Diễn đàn
Theo số liệu tổng hợp trong giai đoạn 2012 – 2017, toàn Đoàn Khối đã huy động các nguồn lực xã hội, cũng như đóng góp từ đoàn viên, thanh niên xây dựng và tham gia đóng góp xây dựng được trên 350 căn nhà tình nghĩa; trên 13 ngàn suất quà và trên 500 sổ tiết kiệm tặng người có công với cách mạng; gần 10 ngàn ngọn nến đã được thắp sáng tại các nghĩa trang trên khắp mọi miền Tổ quốc…với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Hòa cùng với các hoạt động lớn của tuổi trẻ cả nước và Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, từ ngày 20 - 22/7/2017 Đoàn Khối sẽ tổ chức Chương trình “Hành trình tri ân - Đền ơn đáp nghĩa” tại tỉnh Quảng Trị với 5 hoạt động trọng tâm: Dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị và các nghĩa trang lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng quà; khám, chữa bệnh và phát thuốc cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam… trên địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Hoạt động tri ân của Đoàn Khối đã được triển khai rộng khắp, đến được với nhiều đối tượng người có công với cách mạng, có điểm nhấn, có chiều sâu, bài bản, hiệu quả và thiết thực. Những công trình, phần việc tri ân của tuổi trẻ Khối trong những năm qua đã và đang góp phần tích cực chung tay cùng hệ thống chính trị, cùng tuổi trẻ cả nước chăm lo và làm tốt hơn chính sách đối với người có công với cách mạng.
Ảnh: Đ/c Lê Văn Hoạt, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ phát biểu tại Diễn đàn
Diễn đàn được tổ chức với mong muốn phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ Khối trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, tham vấn, hoàn thiện chính sách người có công với đất nước; đồng thời trao đổi những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” của tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương trong giai đoạn hiện nay.
Tại Diễn đàn, đồng chí Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TBXH đã khái quát khái quát về các cơ chế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã ban hành, những khó khăn, bất cập và hạn chế trong việc thực thi chính sách và định hướng thời gian tới. Diễn đàn cũng được lắng nghe các ý kiến của các cơ quan liên quan (Bộ Nội vụ, Ban thanh niên xung phong Trung ương Đoàn, Bộ Xây dựng,…) trong việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách; giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc xác nhận và thực hiện các chế độ ưu đãi, trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Đồng thời tạo cơ hội trao đổi, thảo luận cho những nhà nghiên cứu trẻ, cán bộ trẻ của các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu hoàn thiện chính sách, cũng như chia sẻ những công việc, những hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực tri ân người có công với cách mạng; các giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức xã hội, nêu cao ý thức, giáo dục lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với người có công; tham gia giám sát trong quá trình xây dựng và thi hành chính sách người có công, kiến nghị với cấp ủy và các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng…
Ảnh: Các đoàn viên hưởng ứng Chương trình nhắn tin "Tri ân liệt sỹ"
Cũng tại Diễn đàn, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phát động đoàn viên hưởng ứng tham gia Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sỹ” tại Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) với Cú pháp nhắn tin: TALS gửi 1405 (20.000 đ/sms) do Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì tổ chức, nhằm vận động gây quỹ, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có nhu cầu giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, giúp đỡ những gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Vai trò của Truyền thông trong Kỷ nguyên Số