Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về Tòa án và hoạt động tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, trong đó Tòa án có vai trò trung tâm.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hiến pháp năm 1946. Người chỉ rõ nhiệm vụ của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn này là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Bởi vì, một Nhà nước dân chủ phải là một nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở của Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, thiết kế xây dựng một bộ máy nhà nước pháp quyền, thực sự dân chủ và có hiệu lực. Trong đó, Tòa án với vị trí là cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải đảm bảo sự độc lập trong hoạt động của mình, không bị chi phối, lệ thuộc vào các nhánh quyền lực khác.
Sắc lệnh 13 ngày 24/1/1946 quy định: Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính. Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”. Điều 63 Hiến pháp 1946 quy định: “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao; Các tòa án phúc thẩm; Các tòa án đề nhị cấp và sơ cấp”…
Theo Hiến pháp năm 1946 và các sắc lệnh đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân thì Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước. Tòa án có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ Nhà nước, chế độ xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; bảo vệ công lý và công bằng xã hội.
Vai trò quan trọng của Tòa án còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, tháng 2/1948: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”.
Để phát huy vai trò của Tòa án trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm thuận lợi cho nhân dân, Sắc lệnh 13 quy định trách nhiệm của các Tòa án là: “Thẩm phán sơ cấp có thể ngày nào cũng xử kiện, dù là ngày chủ nhật hay là ngày lễ cũng được. Lại có thể, nếu cần đến, mở phiên toà ngoài trụ sở ngoài toà án, ở các nơi xa cách Tòa”.
Tại Hội nghị học tập của ngành cán bộ tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch…”. Người cũng yêu cầu đặc biệt thực hiện nghiêm minh trong thưởng, phạt: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”, “Nếu không thưởng thì không có khuyến khích, nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật”, “Chớ ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt”.
Cần xét xử nghiêm minh để nhân dân tin vào chính quyền, vào Đảng. Cần kết hợp giữa phòng và chống, lấy ngăn ngừa, răn đe, giáo dục làm chính; xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Trong hoạt động xét xử, công tác hòa giải ở địa phương giữ vai trò quan trọng. Việc phân tích, giải thích, thuyết phục, động viên… có tác dụng giải quyết mâu thuẫn, các tranh chấp nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với đạo lý và truyền thống người Việt Nam.
Đối với đội ngũ cán bộ làm tư pháp, Người yêu cầu phải cần - kiệm - liêm - chính, bởi đó vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là chuẩn mực pháp lý. Cán bộ tư pháp phải vô tư, không thiên vị, không tư thù, tư oán, không được cho mình đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Việc xét xử phải kịp thời, công minh, đúng người, đúng tội.
Sắc lệnh số 13 là văn bản pháp lý có nhiều quy định thể hiện vị trí và trách nhiệm của Thẩm phán. Quan điểm Hồ Chí Minh về bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án được thể hiện trong các quy định về nguyên tắc hoạt động của Tòa án: “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”; “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”.
Sắc lệnh còn dành riêng một mục gồm 6 điều quy định về nghĩa vụ về chức nghiệp của các Thẩm phán bao gồm các nghĩa vụ như: không được từ chối xét xử một vụ việc nào (trừ các trường hợp cáo tị và hồi tị), không được tự đặt ra luật lệ mà xử đoán, không thể bào chữa các việc bằng miệng hay bằng giấy (trừ trường hợp là việc của mình, của vợ con, của thân thuộc, thích thuộc về trực hệ của mình, hay của một đứa trẻ vị thành niên mà mình làm giám hộ), xét xử nhanh chóng và công minh, phải cư xử đúng mực và biết tự trọng để giữ thanh danh và phẩm cách của một vị quan tòa, tôn trọng Chính phủ và trung thành với Chính thể dân chủ cộng hòa.
Người coi cán bộ tư pháp là “bậc trí thức” có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, phải làm gương cho dân trong mọi việc. Cán bộ tư pháp là phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Trong Thư gửi tới Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948, Người căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Theo Hồ Chủ tịch, xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Với những quan điểm đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác nói: Cần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc...
Quan điểm Hồ Chí Minh về Tòa án là kết quả của việc kết hợp giữa truyền thống đạo lý, pháp lý của dân tộc với những giá trị tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về tòa án và hoạt động tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, trong đó Tòa án có vai trò trung tâm.
Bằng việc quy định "TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp", Hiến pháp 2013 xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò của TAND trong bộ máy cơ quan nhà nước. Hiến pháp quy định nhiệm vụ của TAND, đó là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Đảng ta đã khẳng định: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm” và mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Chiến lược là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý”.
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 49, Việt Nam đã từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, trong đó Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và văn minh, bảo đảm nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, đã và đang trở thành biểu tượng của công lý, là chỗ dựa, nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TRAO ĐỔI, CHIA SẺ NGHIÊN CỨU VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- SEMINAR VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO THÍCH ỨNG CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024