Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình, có đoạn: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta... Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta".
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã rút ra chân lý: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản".
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và suốt đời vun đắp cho tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Việt Nam với bè bạn năm châu. Hoạt động không mệt mỏi của Người cho sự đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc đã có hiệu quả thiết thực. Từ rất sớm, Người đã được coi như một biểu tượng cao đẹp của đoàn kết quốc tế.
Trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, số 39, nhà văn, nhà báo Liên Xô Ô xít Manđenxtam, trong bài Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Từ gương mặt Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị, từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa. Không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh cao và trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau khi long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm công bố chính sách đối ngoại nhất quán của nhà nước Việt Nam: “ làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với ai...”
Cảm phục cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh cho dân tộc, nhân loại, và tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, nhân dân ta và bạn bè trên thế giới đã dùng những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi Người. D.Orvill, Phó Tổng giám đốc UNESCO nói: “Câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh ‘Không có gì quý hơn độc lập tự do’ có giá trị toàn cầu”. Còn theo Thủ tướng Ấn Độ Nehru, “Xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là hai nhà lãnh đạo đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Năm nay, nhân dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc là văn kiện cuối cùng khép lại cuộc đời hoạt động oanh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versaills năm 1919 đòi quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam, Di chúc đã đề cập vấn đề lớn nhất của ngày hôm nay: Quyền con người, quyền mưu cầu hạnh phúc và cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của mỗi con người.
Những điều đó là lý tưởng mà Hồ Chí Minh suốt đời theo đuổi. Đây cũng thể hiện Hồ Chí Minh là một tâm hồn lớn, một nhà văn hóa lớn không những của dân tộc Việt Nam mà là của toàn nhân loại.
Đồng cảm với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Nhật Bản M. Haxeegaoa đã đánh giá: "Những lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên quả đất”.
Niki ta Khơ rút xốp, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong hồi kí của mình đã coi Hồ Chí Minh là “vị Thánh cách mạng, vị thánh của Chủ nghĩa cộng sản”. Ông giải thích: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Không ai có thể chống lại nổi ông vì niềm tin của ông mãnh liệt, tin ở nhân dân mình và tất cả các dân tộc cũng như ở sự nghiệp cao cả”.
Nhà nghiên cứu, nhà văn Helene Tourmaire trong cuốn sách Trở thành người Bác như thế nào? xuất bản tại Berlin, Đức, đánh giá: “Hồ Chí Minh là hình ảnh sự khôn ngoan của Đức Phật, lòng nhân từ của Chúa, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lênin, sự ung dung của một người chủ dân tộc. Tất cả được kết hợp hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên”.
Một đoàn đại biểu đến từ Úc vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch năm 1974, đã ghi vào Sổ cảm tưởng những dòng rất sâu sắc: “Rất ít người đã hoặc sẽ làm được như Người, nhưng ai cũng có thể học được ở Người... để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”.
Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
50 năm - nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chí Minh từ biệt thế giới này để trở về với cõi vĩnh hằng, nhưng Người còn sống mãi trong trái tim nhân loại, sống mãi với dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế, bởi vì cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại.
Ðúng như lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra: "Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao".
- Kết quả thực hiện đi cơ sở theo chủ trương “1+2” của cán bộ Cơ quan chuyên trách Đoàn Khối năm 2024
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TRAO ĐỔI, CHIA SẺ NGHIÊN CỨU VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- SEMINAR VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO THÍCH ỨNG CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”
- Đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM