Đoàn khốiTheo dấu chân Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh và câu chuyện kỷ cương, phép nước
T4, 03/03/2021 - 10:03
Là người thực sự tôn trọng nhân dân và thượng tôn pháp luật, nên ngay sau khi giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới việc thiết lập kỷ cương phép nước. Bản thân Người luôn gương mẫu thực hiện, từ sinh hoạt hàng ngày đến việc chấp hành điều lệ, nghị quyết. Nhờ vậy, đã tạo dựng được đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới cơ sở, hết lòng vì sự nghiệp chung, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Dĩ công vi thượng
Ngay từ khi còn hoạt động ở châu Âu, Người đã viết trên tạp chí rằng, “người phương Đông chuộng những gì cụ thể, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, suốt cuộc đời Bác luôn lấy mình làm gương thực hiện những điều mình yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện. Bởi Người hiểu rõ rằng, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Lãnh đạo nói đi đôi với làm, chắc chắn ở dưới không thể có sự tùy tiện, vô tổ chức.
Một việc nhỏ người lãnh đạo hay mắc phải là nể nang, gia đình chủ nghĩa, nhưng câu chuyện Bác tiếp chị gái để lại nhiều suy nghĩ. Tháng 11/1946, khi Bác Hồ ở Pháp về, bà Nguyễn Thị Thanh từ Nghệ An ra thăm, đi cùng với hai người cháu là Nguyễn Sinh Thọ và Hồ Quang Chính. Ba người đến Phủ Chủ tịch, trình giấy tờ, Bác cho thư ký ra đón, đưa vào phòng khách. Chờ đến nửa tiếng, bà Thanh đi lại tỏ ra rất sốt ruột. Lúc đó Bác mới ra, câu đầu tiên là xin lỗi chị, bảo biết chị đến nhưng đang tiếp đoàn cán bộ miền Nam, không dứt ra được. Mặc dù từ ngày ra đi tìm đường cứu nước đến lúc đó hai chị em mới gặp nhau và Bác biết rõ chị gái rất kỹ tính, nhưng tình riêng vẫn phải tôn trọng việc chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” tại Hà Nội, ngày 27/7/1963
Chuyện để chị gái chờ nửa tiếng không lớn, nhưng nó thể hiện Bác lúc nào cũng đặt việc công lên trên hết. Đây cũng chính là điều Người dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Dĩ công vi thượng. Hay Bác dặn đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha công an Trung ương: Làm công việc an ninh, liên quan đến con người thì chú phải nhớ câu: Thiết diện vô tư. Tức là luôn đặt kỷ cương phép nước lên trên, không lấy tình riêng để giải quyết công việc. Khi đất nước cực kỳ khó khăn, Bác kêu gọi tiết kiệm, và chính Người thực hiện tự giác và tự nhiên, không khiên cưỡng. Chiếc áo kaki của Bác sờn cả cổ, vai, gấu, anh em định bỏ đi nhưng Bác không cho. Bác giơ lên ngắm nghía bảo: “Sờn nhưng cũng vá mạng được, sao lại bỏ? Chủ tịch Nước mà mặc áo vá là cái phúc cho dân tộc đấy các chú ạ!”. Nói thế không có nghĩa là Bác muốn mọi người phải mặc áo vá, mà trong hoàn cảnh chiến tranh, nhân dân sống tằn tiện, thì Chủ tịch Nước là người đầu tiên cần gương mẫu. Có lần đi công tác ở Hà Nội, đến ngã tư đèn đỏ bật sáng, anh em cảnh vệ định đề nghị công an giao thông bật đèn xanh vì sợ mọi người biết Bác ngồi trong xe sẽ ùa đến chào hỏi, gây tắc đường, nhưng Bác bảo: Không được làm thế! Chủ tịch Nước cũng phải tuân thủ quy tắc giao thông, không được tạo đặc quyền. Khi người cao nhất nghiêm chỉnh như vậy, đương nhiên cấp dưới cũng thực hiện răm rắp, không ai có quyền và dám cho phép mình vượt lên mọi quy định của Đảng, Nhà nước, không có chuyện “phá lệ” hay “xé rào”. Ngay cả các cán bộ ở Phủ Chủ tịch, không ai sử dụng quyền lực của cơ quan giúp việc Bác Hồ để lo việc cho cá nhân Bác hay cho chính gia đình mình. Nhờ vậy, thời đó, cán bộ từ lãnh đạo Đảng, mặt trận Việt Minh đến chính quyền cơ sở đều cơ bản giữ gìn kỷ cương phép nước. Chính điều đó đã làm nên sức mạnh cho chúng ta chiến đấu và chiến thắng. “Thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt” Không chỉ lấy đức trị để giáo dục, răn đe, động viên mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng ban hành các quy định pháp luật để xử lý các hành vi sai lệch. Một tháng sau ngày lập nước, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ 6 căn bệnh cần đề phòng là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người phê bình: “Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?... Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”. Ngày 27/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội Đưa và nhận hối lộ. Ngày 26/1/1946, Người ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào hình phạt tử hình. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”. Người rất kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật và trừng trị nghiêm khắc dù kẻ phạm tội ở cương vị nào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác từng y án tử hình đại tá quân nhu Trần Dụ Châu vì tội Tham ô, lợi dụng xương máu của anh em chiến sĩ để lo việc cá nhân. Đến năm 1964, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng vì có bồ bịch mà đầu độc vợ, Bác đã quyết định y án tử hình, vì “Thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt”. Kỷ cương phép nước nghiêm được như vậy là do con người hay do pháp luật? Thực ra là cả hai, nhưng trước tiên do con người. Những ngày đầu giành chính quyền, mới chỉ có Hiến pháp chứ chưa được cụ thể hóa bằng luật pháp, ở các làng quê vẫn dùng hương ước là chính. Nhưng con người từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, họ trân trọng quyền làm chủ của mình, sau đó, họ nhìn vào gương cán bộ để làm theo. Có thể nói, thời kỳ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng được hệ thống cán bộ từ Trung ương đến cơ sở đều gương mẫu, hết lòng vì sự nghiệp chung. Trong chiến đấu, những cán bộ cấp cơ sở như đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng… luôn nêu cao tinh thần “hy sinh trước, hưởng thụ sau”. Có những người như thế thì làm sao chúng ta không làm nên chiến thắng? Kỷ cương đã được chuyển hóa thành sự tin tưởng giữa cấp trên với cấp dưới, giữa nhân dân với chính quyền. Nếu chúng ta còn sự tin yêu đó, chúng ta sẽ chiến thắng, mất cái đó sẽ gặp khó khăn. Đó không phải triết lý cao siêu, nhưng phải đến khi thành người lính, tham gia kháng chiến chống Mỹ, tôi mới hiểu được. Đơn giản nhưng cực kỳ khó làm. Thời buổi hội nhập, công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chuyện bé bằng móng tay cũng có thể lan ra toàn thế giới ngay lập tức. Một việc tốt không sợ người ta không biết, ngược lại, một việc làm khuất tất cũng không thể dùng bàn tay che nổi mặt trời. Vì thế, người đứng đầu phải là tấm gương, sống mẫu mực, liêm chính. Uy tín hay không là ở đó chứ không phải chức quyền đang nắm giữ.Tiến sỹ Chu Đức Tính Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
CÁC TIN TỨC KHÁC
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TRAO ĐỔI, CHIA SẺ NGHIÊN CỨU VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- SEMINAR VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO THÍCH ỨNG CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
VIDEO SỰ KIỆN
MUSIC
Tiện ích
Liên kết website