22 năm qua, lớp học tình thương ở xóm lao động nép mình trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng (khóm 3, phường 5, TP Sóc Trăng, Sóc Trăng) do cô Trần Thị Mươn giảng dạy. Lớp học không có lương cho giáo viên nhưng đầy ắp tình thương cho học trò.
Hàng ngày, có vài chục đứa trẻ, đa phần là con em người dân tộc Khmer nghèo đến tập đọc ê a những chữ cái đầu đời.
Lớp học này có nhiều điểm khác biệt bởi nó nằm ở hiên nhà, có vài chục cái ghế nhựa cùng 1 chiếc bảng đen và vài viên phấn trắng. Điểm đặc biệt nữa là cô giáo đã 64 tuổi, học trò thì nhiều lứa tuổi khác nhau. Các em có nhiều hoàn cảnh như quá tuổi đến trường, không có giấy khai sinh hoặc gia đình thiếu thốn.
Cô Mươn vốn là giáo viên mầm non, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô tạm ngưng việc dạy để đi làm thuê, cắt lúa mướn, chạy xe ôm… để có tiền lo cho 3 con ăn học. Năm 2000, cô giáo người Khmer này được một nhà thờ gần nhà mời về dạy cho các em nhỏ khó khăn.
Cũng thời điểm này, cô thấy nhiều trẻ con gần nhà không biết chữ, hàng ngày chạy long nhong ngoài đường rất đáng thương nên mở lớp tại nhà dạy học miễn phí cho các em. "Lúc đó, tôi tự hỏi, mình từng là giáo viên, mình còn sức khỏe, tại sao lại không giúp các em biết đọc, biết chữ”, cô Mươn tâm sự.
Kể từ đó, từ thứ 2 đến thứ 6, buổi sáng cô dạy tại trường (do nhà thờ mời đến dạy, với tiền lương hơn 2 triệu đồng/tháng), từ 13h đến 15h chiều, cô dạy lớp tình thương tại nhà.
Lớp học tại nhà cô Mươn bắt đầu từ 13h nhưng từ 11h trưa, đám trẻ đã đến dần, có đứa tự đi bộ, có đứa được mẹ, cha chở đến, trên xe treo lủng lẳng những bịch bánh snack. Tất cả chúng khi thấy cô Mươn đều khoanh tay, cúi đầu lễ phép: "Con chào cô".
Hơn 20 năm qua, cô Mươn không chỉ dạy cho cả nghìn đứa trẻ biết đọc, biết viết, biết làm toán mà còn dạy cho chúng biết dạ thưa lễ phép, biết ứng xử trong cuộc sống.
Không có cha, mẹ đi làm xa ở Bình Dương, em Triều Đăng ở với bà ngoại. Dù đã 10 tuổi nhưng Đăng vẫn chưa có giấy khai sinh. "Trước con không biết chữ. Nhờ học cô Mươn, con đã biết đọc, viết, làm toán”, Đăng lí nhí nói.
Ở lớp học tình thương này, gia cảnh em nào cũng khó khăn nên cô Mươn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em rồi tặng tập, viết. Không chỉ dạy chữ cho các em, cô còn tặng gạo, mì.
Cô Mươn đi vận động quyên góp sách giáo khoa cũ, bút viết cho các em... "Nhiều người biết đến lớp học, biết hoàn cảnh của các em khó khăn nên tặng gạo, mì”, cô Mươn nói.
Thạch Thị Như Ý (12 tuổi) thật thà chia sẻ: “Từ ngày được cô Mươn dạy học miễn phí con rất vui vì mình biết đọc, biết tính toán. Đứa em của con cũng đang được cô Mươn dạy. Cô dạy miễn phí còn cho tụi con tập, viết, gạo. Cô là người hiền, thường giúp đỡ người khác”.
“Nhiều học trò cũ sau 20 năm đến thăm, ôm tôi nói "nhờ cô mà con biết đọc, biết viết”, nghe vui lắm. Dạy các em tôi chỉ cần như vậy là vui rồi. Tiền làm ra rồi cũng xài hết, tôi chỉ mong việc dạy học tình thương của mình giúp các cháu biết đọc, biết viết là cảm thấy hạnh phúc rồi" cô Mươn chia sẻ và nói, “tôi sẽ dạy đến khi nào không còn dạy nổi nữa thì nghỉ”.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Vai trò của Truyền thông trong Kỷ nguyên Số