Luật số 12/2007/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 02/6/2017 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Có thể nói, Bộ luật hình sự là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta. Trong số những quy định mới tại Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, đáng chú ý có những quy định liên quan đến đối tượng người chưa thành niên phạm tội.
Bạn đọc Đàm Văn Thái (Định Quán, Đồng Nai) hỏi: Cháu tôi mới 14 tuổi bị các bạn rủ rê hiếp dâm một bé gái nhưng vì sợ, cháu chỉ đứng trông chừng cho các bạn hiếp bé gái kia thì có phạm tội không? Cháu tôi có bị xử lý hình sự không?
TS. Trần Văn Dũng: Theo quy định tại Khoản 2, Bộ Luật Hình sự 2015,người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tôi, trong đó có tội hiếp dâm trẻ em.
Câu hỏi của ông đưa ra chưa xác định rõ bé gái bao nhiêu tuổi. Nên tùy từng trường hợp có thể bị xử về tội hiếp dâm, hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Giả thiết nạn nhân dưới 13 tuổi thì là trường hợp này xử lý rất nặng, có mức phạt từ 7 năm đến 15 năm.
Trường hợp cháu ông mới đủ 14 tuổi không cùng các bạn hiếp dâm mà đứng trông chừng cho các bạn thì hành vi đó vẫn xử lý về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và thuộc trường hợp đồng phạm. Tuy nhiên, cần xác định rõ, cháu ông đã tròn 14 tuổi chưa, nếu chưa sẽ áp dụng các biện pháp khác. Còn nếu 14 tuổi cơ quan điều tra sẽ cân nhắc tính chất hành vi vi phạm, nhân thân của cháu ông và các điều kiện có thể giám sát giáo dục các cháu ngoài cộng đồng mà quyết định có truy tố cháu ông hay không. Đây cũng là một chính sách rất mới của Bộ Luật hình sự 2015.
Bạn đọc Vũ Hòa Bình (Lương Sơn, Hòa Bình) hỏi: Trước khi bước sang tuổi 14 khoảng 2 ngày, con tôi có tham gia đánh một học sinh trong lớp khiến cậu học sinh kia chấn thương đầu, bị giảm thị lực, gẫy chân. Xin hỏi con tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu bị xử lý thì sẽ bị xử phạt thế nào?
TS. Trần Văn Dũng: Theo quy định tại Điều 12 của Bộ Luật hình sự 2015, người tròn 14 tuổi là độ tuổi thấp nhất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cháu ông chưa tròn 16 tuổi nên không bị xử lý hình sự trong trường hợp này.
Tuy nhiên bản thân ông và gia đình cần có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục để các cháu không tái phạm. Đồng thời nếu nạn nhân phải đi chữa bệnh, có những thiệt hại thì ông và gia đình phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Trường hợp cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 167 năm 2013 về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bạn đọc Giang Trung Kiên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Trẻ vị thành niên phạm tội bị xử lý hình sự có thể được bảo lãnh miễn tù giam không? Nếu có thì xin cho biết các quy định và thủ tục để thực hiện bảo lãnh. Xin cảm ơn.
TS. Trần Văn Dũng: Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành có quy định cho phép trong một số trường hợp được bảo lãnh tại ngoại. Cũng cần lưu ý là bảo lãnh tại ngoại khác với bảo lãnh miễn tù giam như ông hỏi. Theo đó tùy từng loại tội và từng đối tượng, đặc biệt là nhân thân của họ mà cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu biện pháp đặt tiền để bảo lãnh tại ngoại. Ông nên liên hệ với cơ quan đang thụ lý vụ án này để được tư vấn, giải thích xem trường hợp của cháu ông có được áp dụng biện pháp này không.
Bạn đọc Trần Quốc Thái (Nam Định) hỏi: Nhà tôi thường xuyên bị mất trộm vặt. Gần đây nhất vợ tôi mất một điện thoại di động trị giá hơn 2 triệu đồng và tôi bắt quả tang kẻ trộm là con trai nhà hàng xóm, đang học lớp 11. Tôi đã báo công an và công an chỉ nhắc nhở, để hai gia đình hòa giải với nhau. Nhưng sau đó, con trai hàng xóm đánh con trai tôi chảy máu mồm. Xin hỏi hành vi của con trai nhà hàng xóm có phạm tội hình sự không? Nếu có thì tôi cần tố giác thế nào?
TS. Trần Văn Dũng: Theo nội dung của ông hỏi thì cậu học sinh tình nghi phạm tội học lớp 11 nhưng chưa cụ thể là bao nhiêu tuổi. Nếu cậu này ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Bộ luật hình sự 2015 sẽ không bị xử lý hình sự vìđiều luật quy định chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều 173 Bộ luật hình sự 2015 thì trường hợp trộm cắp điện thoại trị giá 2 triệu đồng là trường hợp ít nghiêm trọng.
Nếu cậu học sinh hàng xóm nhà ông đã đủ 16 tuổi và có đủ cơ sở để khẳng định cậu này lấy trộm điện thoại thì có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1 điều 12 và khoản 1 điều 173 BLHS. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng việc xử lý hình sự với các cháu độ tuổi này cần cân nhắc hết sức thận trọng.
Theo tôi, trong trường hợp này hành vi không nhất thiết bị xử lý vì chỉ là hành vi trộm cắp vặt. Các đối tượng này chỉ áp dụng biện pháp nhắc nhở và giáo dục tại xã phường là đủ.
Cũng theo câu hỏi của ông cậu con hàng xóm đánh con trai ông chảy máu mồm mà không rõ nguyên nhân dẫn đến xô xát là gì do đó cần xác định thêm động cơ và nguyên nhân hành động đó. Trong trường hợp cần thiết, ông có thể báo cáo với UBND xã, công an xã và các đoàn thể quần chúng kết hợp với nhà trường để giáo dục các cháu.
Bạn đọc Châu Thành (Thái Bình) hỏi: Con trai tôi sắp 16 tuổi, mới đây cháu có lấy xe máy của gia đình tham gia giao thông bị cảnh sát giao thông chặn lại và lập biên bản xử phạt trực tiếp. Vậy xin hỏi việc xử phạt con trai tôi như vậy là đúng hay sai?
TS. Hồ Quang Huy: Việc CSGT chặn lại do cháu có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ là đúng với quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề này đã được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT đường bộ. Kết hợp với quy định của Bộ luật dân sự thì người đại điện pháp luật là cha mẹ của cháu phải nộp phạt do hành vi vi phạm pháp luật mà cháu gây ra.
Bạn đọc Lưu Thanh Hoà, ở Đà Nẵng gửi câu hỏi tới ông Hồ Quang Huy: Bối cảnh thực tế hiện nay đang đặt đối tượng người chưa thành niên trong đó có đoàn viên thanh niên đứng trước rất nhiều thách thức. Ông có thể chia sẻ thêm về những nguy cơ, thách thức có thể dẫn dắt người chưa thành niên đứng trước nguy cơ thực hiện hành vi phạm tội được không?
Ts. Hồ Quang Huy: Thực tế hiện nay, tôi nhận thấy có rất nhiều thách thức dẫn đến hành vi phạm tội. Có 4 yếu tố chính:
1. Xuất phát từ tâm sinh lý đối tượng
Trong quá trình hoàn thiện hình thành nhân cách, trẻ vị thành nên dễ bị kích động, lôi kéo dẫn đến việc vi phạm. Thiếu định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến phạm tội ở trẻ vị thành niên
2. Bên cạnh việc nỗ lực chung, tạo môi trường học tập, bố mẹ, người thân chưa chú trọng đào tạo giúp đỡ và theo dõi con cái. Gia đình buông lỏng dẫn đến sự hư hỏng, phạm tội, hình thành thói quen thích hưởng thụ, thực hiện hành vi sai trái.
3. Môi trường giáo dục của nhà trường. Theo đó, nhiều nhà trưởng đã làm tốt việc truyên truyền đối với trẻ vị thành niên ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, bên canh đó vẫn có nhiều nhà trường chưa thật sự giáo dục tốt, chưa sâu sắc để hình thành nhân cách tốt. Nhiều nhà trường chạy theo hình thức, thành tích mà lơ là việc giáo dục cho các em về kỹ năng sống và bản lĩnh.
4. Môi trường cùng sự phát triển dẫn đến thay đổi, kết cấu xã hội lỏng lẻo, sự quan tâm giúp đỡ ở xã hội không có, tác động tiêu cực đó dẫn đến lối sống thực dụng và thích hưởng thụ, ko hình thành nên nhân cách rõ ràng
4 điều trên anh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về nhan cách của trẻ. Cần có những quản lý chặt chẽ hơn từ phía nhà trường và gia đình đối với các em.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hải ở Ba Đình, Hà Nội hỏi: Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội liên quan đến người chưa thành niên, cùng với các gia đình, nhà trường, xã hội, Đoàn thanh niên có một vai trò rất quan trọng. Từ góc độ của tổ chức Đoàn thanh niên, theo ông, tổ chức đoàn các cấp cần phải làm gì để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên?
TS. Hồ Quang Huy: theo tôi, để làm được điều này, có 1 số việc mà Đoàn Thanh niên cần phải triển khai. Cụ thể:
Thứ 1: Đoàn thanh niên cần có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật hình sự. Đặc biệt liên quan đến chế định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ 2: Thông qua các chương trình, kế hoạch, hoạt động của đoàn cần phải kết hợp chặt chẽ với các thiết chế có liên quan cũng như với gia đình và nhà trường để tạo ra môi trường xã hội tốt, giúp trẻ dưới 18 tuổi tránh xa tác động tiêu cực từ phía môi trường xã hội.
Thứ 3: Các cấp bộ đoàn cần xây dựng đội ngũ tư vấn, tuyên truyền viên pháp luật để tham gia tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp thanh thiếu niên phạm tội.
Thứ 4: Thường xuyên tổng hợp, phản ánh kịp thời mong muốn, nguyện vọng của thanh thiếu niên để từ đó kịp thời tư vấn, kiến nghị với các cấp chính quyền trong việc hoạch định chính sách tạo môi trường tốt cho đoàn viên, thanh thiếu niên được lao động, hoạt động cống hiến.
Độc giả Hồng Yến (Quảng Trị) hỏi: Người chưa thành niên phạm tội có thể chịu các hình phạt nào?
TS. Hồ Quang Huy: Theo quy định của điều 91-BLHS thì không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi. Như vậy, nếu thoả mãn các điều kiện cấu thành tội phạm thì người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng một trong các hình phạt sau đối với mỗi tội phạm:
Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn.
Bạn đọc Nguyễn Thúy Liên – Cà Mau: Xin hỏi người chưa thành niên phạm tội thì có bắt buộc phải thuê luật sư hay không, hay được nhà nước phân công luật sư bào chữa miễn phí?
Ông Trần Xuân Thành, Giám đốc công ty luật Vũ Trần: Theo quy định, đối với các trường hợp người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội thì không nhất thiết phải thuê luật sư mà cơ quan tiến hành tố tụng ở từng giai đoạn sẽ phải có văn bản đề nghị đoàn luật sư cử luật sư bào chữa miễn phí.
Về bản chất, người chưa thành niên được quyền thuê luật sư. nếu không thuê luật sư thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử. Như vậy, dù không thuê luật sư thì trong mọi trường hợp, người dưới 18 tuổi bị truy tố đều có luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Bạn đọc Chu Thuý Hoà ở Đắk Lắk hỏi: Trường hợp nào thì trẻ em phạm tội được đưa vào trường giáo dưỡng, trường hợp nào thì phải đi tù?
Luật sư Trần Xuân Thành: Điều này được quy định tại khoản 6 Điều 91 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình thức, và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Từ đó cho thấy, chỉ đối với những trường hợp người dưới 18 tuổi phạm những tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và tính chất của hành vi là rất nguy hiểm cho xã hội thì tòa án mới cân nhắc để áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Còn lại, trên tinh thần sẽ áp dụng những biện pháp tư pháp, đưa vào cơ sở giáo dưỡng, trường giáo dưỡng.
Luật sư Trần Xuân Thành: Với tư cách luật sư, tôi đã bào chữa cho nhiều người phạm tội dưới 18 tuổi. Qua đó, thấy diễn tiến tình hình tội phạm trong những năm gần đây rất phức tạp, có xu hướng gia tăng về số lượng vụ án, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cũng tăng.
Tuy nhiên,các loại tội phạm do các đối tượng ở lứa tuổi này gây ra chất thường mang tính tự phát. không mang tính chuyên nghiệp, hành vi phạm tội do bối cảnh cuộc sống, thiếu sự giáo dục của gia đình, xã hội, phạm tội do nhận thức hạn chế, dễ bị sa ngã. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta hội nhập sâu, mạng xã hội, sự phát triển của thông tin ẩn chứa nhiều nguy cơ vì các em ở lứa tuổi này nhận thức còn hạn chế, chưa có khả năng sàng lọc thông tin, dễ bị sa ngã.
Bạn đọc Hoàng Thị Lan ở Kiên Giang hỏi: Với nghề nghiệp luật sư, nắm chắc vấn đề này, theo ông trách nhiệm của xã hội và bản thân luật sư đối với việc đưa các quy định này vào cuộc sống, ngăn chặn tội phạm lứa tuổi vị thành niên?
Luật sư Trần Xuân Thành: Cá nhân tôi thấy rằng để Bộ luật đi vào thực tiễn bắt buộc phải tuyên truyền, tuyên truyền làm sao để nó đi vào đời sống của người dân, để người dân biết thế nào là phạm tội Thực tế có nhiều người khi làm rồi họ mới bảo: Biết là phạm tội họ không làm. Phải tuyên truyền đúng, đến được với người cần tuyên truyền, không phải cứ hô hào, nhưng tuyên truyền không triệt để phải tuyên truyền đến tận xóm làng, cả nước phải bắt tay bà.
Liên đoàn luật sư thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, trong thực tiễn,cũng tuyên truyền cho người dân biết. Chúng tôi thông qua các bài viết, những chia sẻ về các quy định mới trên mạng xã hội để người dân hiểu được.
Chúng tôi cũng tổ chức những buổi tư vấn miễn phí cho người dân
Bạn đọc Nguyễn Nam Em, ở Bình Định hỏi: Theo ông, những quy định mới trong Luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống pháp luật và việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội nói chung việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên nói riêng?
Luật sư Trần Xuân Thành: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đến 1/1/2018 mới có hiệu lực, nhưng đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Trước hết tôi khẳng định nó có ý nghĩa rất lớn.
Hiến pháp 2013 đã có giá trị trong thực tế, Luật hình sự 2017 góp phần cụ thể hóa, phù hợp hiến pháp và các đạo luật khác đã được ban hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, luật Hôn nhân gia đình, luật Đầu tư... Điều này thể hiện sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự thể hiện trình độ, kỹ thuật lập pháp, đảm bảo sự thống nhất, với các đạo luật khác và trong chính nội tại bộ luật này.
Ngoài ra, VN đang hội nhập sâu rộng, Bộ luật Hình sự 2017 đã cụ thể hóa, nội luật hóa được nhiều điều ước quốc tế, như về tội phạm xuyên quốc gia, công ước về quyền trẻ em... Như vậy không chỉ đồng bộ với luật trong nước mà còn minh bạch, hội nhập quốc tế, nâng tầm Việt Nam.
Thông qua bộ luật này, còn góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là với người dưới 18 tuổi.
Hiện bộ luật đã thể hiện quan điểm rõ: bảo đảm tốt nhất về quyền lợi của người dưới 18 tuổi. Nhiều quy định mới, chi tiết nhằm bảo vệ tối đa cho người chưa thành niên, phù hợp với công ước về quyền trẻ em, góp phần bảo vệ trẻ em, tuyên truyền phòng chống tội phạm.
Trong khoảng thời gian từ 14h đến 15h30 ngày 7/11, các chuyên gia, khách mời của Chương trình đối thoại trực tuyến đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc, câu hỏi của độc giả về những quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến ngưười chưa thành niên phạm tội, góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn một số quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến đối tượng là người chưa thành niên phạm tội.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV