Qua 6 tháng tham gia lớp học, những phụ nữ Pa Kô - Vân Kiều nơi biên giới Quảng Trị không chỉ biết đọc, biết viết, làm các phép tính cơ bản, mà còn biết xem các thủ tục hồ sơ, giấy tờ để phục vụ công việc làm ăn, trao đổi hàng hóa, tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Ngày lên nương, tối đi 'tìm chữ'
Xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thuộc địa bàn biên giới, chủ yếu là đồng bào Pa Kô – Vân Kiều sinh sống, dựa vào làm nương rẫy, trồng sắn...
Ngoài những người trong độ tuổi đến trường, đa số bà con học chữ đã lâu, lại ít sử dụng trong thời gian dài nên lúc nhớ, lúc quên. Trong số đó, tỉ lệ phụ nữ “quên chữ” rất lớn, cũng có người mới nhập quốc tịch chưa từng tiếp xúc với tiếng Việt.
Nắm bắt nhu cầu của nhiều chị em, Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị) chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã A Dơi, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) mở lớp “xóa tái mù chữ”, nhằm giúp chị em trên địa bàn biết đọc, biết viết. Lớp học triển khai vào các ngày thứ 3, 5 và 7. Đồn Biên phòng Ba Tầng cử 3 cán bộ phối hợp với hội viên Hội LHPN 2 xã làm giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp tham gia lên lớp tại các điểm trường.
Trời vừa nhá nhem tối, chị em Pa Kô - Vân Kiều lại gọi nhau đến lớp. Tiếng cười nói vang lên khắp các ngả đường, khiến bản làng trở nên nhộn nhịp. Sau mấy chục năm chỉ biết quần quật làm nương, làm rẫy, lo cho gia đình, nay được lên lớp học chữ, được cầm bảng đen, phấn trắng viết những con chữ và tên mình, bàn tay các mẹ, các chị cứ run run. Từ ngày lớp học được mở ra, chị em không bỏ sót buổi học nào.
Chị Hồ Thị Ơn (38 tuổi, trú tại thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) cho biết: “Hai vợ chồng có 5 đứa con, cuộc sống khó khăn, phải lo cơm ăn, áo mặc nên không có điều kiện học chữ. Ban ngày thì lên rẫy thu hoạch sắn, trỉa bắp, tối về lại tranh thủ nấu ăn, rồi đi học chữ. Được đi học chữ cũng vui lắm”.
Nắn nót từng nét chữ, hạnh phúc khi tự tay viết tên của mình, chị Hồ Thị Mun (41 tuổi, xã A Dơi) hồ hởi: “Từ ngày đi học chữ, mình tập đọc, tập làm quen với chữ cái và tập viết. Trước đây, mình không biết chữ nên chỉ lăn dấu tay. Bây giờ, lên xã làm giấy tờ mình có thể tự tin ký tên vào các văn bản”.
Sinh ra và lớn lên ở bản Hong Tun, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào), 4 năm trước, chị Hồ Thị Thoong lấy chồng ở bản A Dơi Đớ rồi nhập quốc tịch Việt Nam. Ở tuổi 25, quanh năm với nương rẫy, làm việc nhà lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt khiến chị Thoong phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Ngày lớp học xóa tái mù chữ dành cho các mẹ, các chị ở bản được tổ chức, ước mơ cầm cuốn sách để đọc, cầm cây bút viết chữ của Hồ Thị Thoong cũng như nhiều phụ nữ ở nơi biên giới xa xôi này đã dần trở thành hiện thực.
Chị Hồ Thị Thoong cho biết, may mắn được Nhà nước quan tâm, cho nhập Quốc tịch và được hưởng các chính sách để ổn định cuộc sống. “Tôi rất muốn được đi học để biết đọc và viết chữ Việt, biết được văn hóa, lối sống của địa phương, biết chữ để ký vào các giấy tờ. Mặt khác, biết chữ cũng sẽ có ích trong việc nuôi dạy con cái”, chị Thoong nói.
Vào mỗi tiết học, tiếng cán bộ biên phòng dạy học, tiếng ê a đánh vần ngượng nghịu của chị em vang lên nơi bản nghèo đã mang đến sự rộn ràng, niềm vui và kỳ vọng vươn tới cuộc sống văn minh, no đủ hơn của người dân.
Được phân công phụ trách lớp dạy chữ cho bà con tại thôn A Dơi Đớ, Thượng úy Hồ Văn Hữu - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ba Tầng) luôn tận tâm làm tròn trách nhiệm của mình.
Theo Thượng úy Hữu, đa số học viên là phụ nữ đã lớn tuổi, không thông thạo tiếng phổ thông nên cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng Hội LHPN xã A Dơi phải kết hợp giữa tiếng địa phương và tiếng phổ thông để giảng bài. Quá trình học trên lớp, các chị đã lớn tuổi nên tay không dẻo, cầm bút viết khó khăn.
Hơn nữa, khi về nhà không có thời gian ôn bài nên dễ quên chữ. Mặt khác, do độ tuổi học viên không đồng đều nên khả năng tiếp thu cũng chênh lệch. Người trẻ học nhanh hơn, còn người già tay cứng nên các anh phải cầm tay hướng dẫn viết từng chữ và phải lặp lại nhiều lần.
Hai lớp học đầu tiên được tổ chức tại thôn Prin Thành và thôn A Dơi Đớ, với khoảng 65 học viên đăng ký tham gia. Trong đó, lớp ở thôn A Dơi Đớ có 10 chị em nhập tịch. Mỗi lớp có 2 giáo viên đứng lớp, gồm một cán bộ biên phòng và một hội viên phụ nữ.
Việc mở lớp dạy chữ cho chị em Pa Kô - Vân Kiều nhằm góp phần thúc đẩy sự bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phát triển kinh tế - xã hội. “Trước đây, các chị chưa đi học, chưa biết chữ, không biết tính toán thì hầu hết mọi việc đều giao cho chồng. Nay các chị biết quản lý trong gia đình, lo toan cho cuộc sống”, chị Nữ cho hay.
Trong thời gian mở lớp, mặc dù có những thời điểm cuối năm trời rất lạnh, nhưng các chị vẫn thu xếp thời gian, công việc và đến lớp học chuyên cần. Chị Y Theo – Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Tầng cho biết, được tham gia lớp học, các chị em đều rất phấn khởi.
Hiện địa phương có 2 lớp; trong đó, lớp học nhiều nhất có đến 60 học viên. Các chị tham gia lớp học trong độ tuổi từ 18 - 55. Nhiều chị có con nhỏ trong độ tuổi đi học cũng đến lớp học chữ.
“Sau vài tháng đến lớp, các chị đã đọc và viết được tiếng Việt. Từ đó, các chị ứng dụng trong đời sống, biết tính toán chi tiêu và đặc biệt là biết trao đổi hàng hóa, cây trái, nông sản do mình làm ra đúng với giá trị của nó”, chị Y Theo chia sẻ.
Trung tá Trần Đức Tứ - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) cho biết, tháng 10/2021, qua công tác nắm tình hình địa bàn, nhận thấy rằng số lượng chị em là hội viên Hội LHPN xã A Dơi và Ba Tầng chưa biết chữ, tái mù chữ rất lớn.
Đặc biệt, phụ nữ là người Lào, mới nhập quốc tịch Việt Nam từ đầu năm 2019. Vì vậy, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Hội LHPN 2 xã tiến hành khảo sát, lập danh sách và vận động chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia lớp học “xóa tái mù chữ”.
Mục tiêu đặt ra là khi kết thúc khóa học, chị em có thể vận dụng kiến thức phục vụ việc làm ăn, giao thương, trao đổi hàng hóa và tự tin hơn trong giao tiếp.
Những lớp học đặc biệt này cũng thể hiện trách nhiệm của người lính mang quân hàm xanh và nỗ lực vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của phụ nữ người dân tộc nơi biên giới.
"Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bộ đội cùng sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại, các học viên có sự tiến bộ rõ rệt. Kết quả sau khi bế giảng 2 lớp tại xã A Dơi, số chị em tham gia lớp học đã biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính cơ bản. Một số chị em đã biết đọc các thủ tục hồ sơ, giấy tờ để phục vụ công việc đi làm ăn."
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Vai trò của Truyền thông trong Kỷ nguyên Số