Loading ...
Công tác giáo dục
Lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh vùng cao
T3, 09/08/2022 - 09:08
Lớp được Đoàn xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) kết hợp lớp học Cầu vồng tổ chức trong những ngày hè tại Trường Tiểu học Cán Cấu. Đây không chỉ là cơ hội để học sinh dân tộc nâng cao tiếng Anh giao tiếp mà còn được tham gia hoạt động trải nghiệm, phương pháp học tập hấp dẫn.

Học sinh trong lớp được tình nguyện viên nhận xét "sáng dạ"

 

Lớp học ý nghĩa cho học sinh dân tộc
Chị Đỗ Thị Lan Hương, phụ trách các lớp học vùng cao của lớp học Cầu Vồng cho biết: 3 tháng nay lớp học tiếng Anh giao tiếp miễn phí được mở tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Cấu thu hút 20 học sinh dân tộc trong xã học tập đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Hầu hết học viên của lớp là học sinh tiểu học lớp 4, lớp 5, một số ít học sinh lớp 1, 2, lớp 6 cùng học tập.
Các buổi học diễn ra từ 14h-17h. Giáo viên đứng lớp là tình nguyện viên, sinh viên các trường Đại học, các bạn trẻ hoạt động trong môi trường quốc tế, có chuyên môn ngoại ngữ tốt và đến từ khắp mọi miền tổ quốc. Để được tham gia giảng dạy họ đều phải đăng ký trước và đáp ứng được các tiêu chí đặc biệt yêu cầu về chuyên môn vòng tuyển chọn mà Ban tổ chức lớp học Cầu vồng đặt ra.
Về lý do mở lớp với đối tượng là học sinh dân tộc, vùng cao Si Ma Cai, chị Hương chia sẻ: Học sinh dân tộc vùng khó ít có điều kiện tiếp cận “sân chơi” kiến thức, kĩ năng giao tiếp Tiếng Anh trong hè. Điều kiện kinh tế các gia đình khó khăn cũng khó để “đầu tư” cho các em dù bổ ích.
Mặt khác, xã Cán Cấu huyện Si Ma Cai có tiềm năng và đang dần phát triển ngành du lịch... Như vậy, nếu học sinh từ nhỏ được tăng cường ngoại ngữ, kĩ năng giao tiếp không chỉ tốt cho việc học tập khi vào năm học mà trong tương lai sẽ tăng cơ hội tìm và thích nghi việc làm tại địa phương, có cơ hội phát triển bản thân. Dự tính, lớp học tiếng Anh giao tiếp miễn phí cho học sinh dân tộc không chỉ mở tại huyện Si Ma Cai mà sẽ tiếp tục triển khai tại 2 huyện Sa Pa và Y Tý (Lào Cai) – nơi có những đặc thù và điều kiện tương tự.

 

Tình nguyện viên Nguyễn Phúc Sơn (áo trắng) hướng dẫn học sinh hoạt động ngoài trời

 

Tình nguyện viên Nguyễn Phúc Sơn, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đang giảng dạy lớp tiếng Anh giao tiếp xã Cán Cấu chia sẻ: Lớp có 20 học sinh tham gia song sĩ số các buổi học có thể giao động từ 15-20 em/buổi bởi không ít học sinh dù nghỉ hè vẫn phải hỗ trợ gia đình nương rẫy, lao động. Hoặc có em nhà xa, bố mẹ không thể đưa tới lớp thì phải tạm vắng.
Để đảm bảo buổi dạy học cho học sinh đạt hiệu quả, các tình nguyện viên phải đầu tư chuyên môn, tâm sức không nhỏ, tuân thủ nghiêm những quy tắc về soạn giáo án, tổ chức hoạt động, báo cáo hàng ngày về tình hình học tập của học sinh… Song bù lại, dù là học sinh dân tộc, vùng khó nhưng các em đều “sáng dạ”, tiếp thu bài và nhớ từ mới khá nhanh.
Cô Nguyễn Thị Kim Sơn, tình nguyện viên đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng tham và hoạt động trong một số môi trường quốc tế cũng bày tỏ sự ngạc nhiên bởi nhiều học sinh có kiến thức tiếng Anh vững vàng.
Lớp học có nhiều học sinh trình độ khác nhau, cô Sơn thường chia theo nhóm để học sinh có cùng khả năng học chung với nhau. Đôi khi lại lồng ghép cả học sinh học tốt và học chậm hơn để các em kèm lẫn nhau, tạo thêm cơ hội để cùng ôn lại kiến thức.
Em Giàng Xuân Long, chia sẻ: Tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí nhưng em và các bạn vẫn được học nhiều thầy cô với nhiều phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học, hoạt động trải nghiệm thú vị. Em thấy dễ hiểu, nhớ từ mới, tăng cường kĩ năng giao tiếp. Qua lớp học em đã mạnh dạn hơn khi trao đổi bằng Tiếng Anh với bạn và thầy cô. Em mong muốn lớp học sẽ kéo dài thời gian tổ chức để chúng em được học và nâng cao kiến thức, bổ trợ cho việc học tập trên lớp thêm hiệu quả…
Nhận xét chung của các tình nguyện viên sau khi tham gia lớp học đó là, nhiều học sinh đã không còn tự ti, e dè, thậm chí mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh với thầy cô và các bạn trong lớp sau một thời gian học tập. Sự tích cực ấy góp phần tạo thành động lực, cảm hứng cho những tình nguyện viên nỗ lực hết sức, mang tới phương pháp giảng dạy thú vị, phù hợp; Không những thế sáng tạo hơn để tạo ra môi trường trải nghiệm qua nhiều trò chơi, hoạt động tiếng Anh bổ ích, vui vẻ… giúp học sinh thêm yêu thích môn Tiếng Anh.
Đến với lớp học tiếng Anh giao tiếp miễn phí, học sinh còn được uống 1-2 cốc sữa/mỗi buổi của nhà tài trợ cho Lớp học Cầu vồng
Tăng trải nghiệm và giá trị sống
Chị Đỗ Thị Lan Hương, phụ trách lớp học vùng cao cho biết: Lớp học Cầu vồng đã hoạt động nhiều năm nay và tổ chức các lớp học hoàn toàn miễn phí về Tiếng Anh, lớp kĩ năng sống, giao tiếp… ở nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng. Lớp tổ chức miễn phí cho đối tượng trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng cao do đó các tình nguyện viên đứng lớp cũng phi lợi nhuận. Tất cả đều nhận thấy, học sinh dân tộc vùng cao chịu thiệt thòi trong cuộc sống, học tập; cần được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ trao cơ hội để có thể thay đổi cuộc đời.
Nguyễn Phúc Sơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lại chia sẻ lý do tham gia vào lớp học Cầu Vồng đó là: Em đang là sinh viên Sư phạm tiếng Anh, tham gia vào lớp học Cầu Vồng sẽ được thực hành cho nghề nghiệp, được làm quen với nhiều đối tượng học sinh để rút ra kinh nghiệm dạy học sâu sát hơn sau này. Đặc biệt, bản thân được đóng góp kiến thức, tâm huyết cùng xã hội.
Dạy các lớp học vùng cao em cảm nhận bản thân trưởng thành hơn, có trách nhiệm cùng xã hội. Do đó, mùa hè năm sau em sẽ thu xếp thời gian để tham gia lớp học Cầu vồng dài hơi hơn. Năm nay Sơn mới chỉ dành ra được 2 tuần để dạy học lớp tiếng Anh miễn phí cho học sinh dân tộc tại Si Ma Cai và sau đó lên Sa Pa...

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website