Loading ...
Công tác giáo dục
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nước ta và bước đầu xây dựng hệ thống thông tin phản bác
T2, 13/06/2022 - 09:06

Mở đầu

Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, vấn đề dân tộc trở thành “điểm nóng” ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những quốc gia có đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo, đa biên giới, trong đó có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về nguồn gốc lịch sử và quá trình tộc người, quan hệ dân tộc, biên giới quốc gia,… Đặc biệt, các yếu tố mâu thuẫn và xung đột dân tộc, phong trào tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ảnh hưởng của chính sách chia rẽ để cai trị của Chủ nghĩa đế quốc trước đây…, đã dẫn đến tư tưởng và hoạt động ly khai, tự trị có xu hướng tăng lên, lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam thời gian qua, vấn đề dân tộc có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương và một số tộc người, trở thành các điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự xã hội, như: một bộ phận người dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên đòi lập “Nhà nước Đề ga”, một bộ phận người Hmông ở miền núi phía Bắc hoài niệm về “Vương quốc Hmông” trong truyền thuyết, một bộ phận người Khơ-me vùng Tây Nam Bộ có nhận thức chưa đúng về “Nhà nước Khơ-me Krom”, một bộ phận người Chăm vẫn còn tư tưởng về “Vương quốc Champa” xưa,...

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nảy sinh các vấn đề dân tộc nêu trên ở nước ta là tác động của quá trình chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực dân tộc, mà mục tiêu là làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân các tộc người đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tính thống nhất của quốc gia Việt Nam. Để thực hiện âm mưu này, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng những vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc, tộc người nhằm xuyên tạc, lôi kéo, kích động tạo ra sự bất ổn định chính trị, gây biến động xã hội, làm rối loạn tư tưởng nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo; các vấn đề phức tạp, nhạy cảm ở hai bên biên giới và xuyên quốc gia; giữa người dân các dân tộc với quốc gia; giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc đa số; giữa các tổ chức và tín đồ tôn giáo... để làm nảy sinh nhiều vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo bức xúc…; trên cơ sở đó kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi tự trị, ly khai,... Cách thức chủ yếu của các thế lực thù địch thực hiện là khai thác tối đa những vấn đề dân tộc, tôn giáo gắn với dân chủ, nhân quyền để kích động ở trong nước, tấn công và thâm nhập từ bên ngoài vào đất nước ta, nhất là vùng các dân tộc thiểu số, khu vực biên giới... nhằm xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, gây phương hại tới mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc, nhóm dân cư, nhóm xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu cần thực sự quan tâm thoả đáng hơn công tác nghiên cứu về âm mưu, chiến lược, kế hoạch, cách thức và nội dung thực hiện của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng những vấn đề dân tộc để chống phá đất nước ta. Trên cơ sở đó, góp phần nắm bắt, hiểu biết thấu đáo nền tảng cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn mà họ sử dụng trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, để nghiên cứu xây dựng được một hệ thống lý luận và thực tiễn phù hợp nhằm góp phần phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, cách thức chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời thực hiện tốt chính sách dân tộc và chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

1. Một số vấn đề lý luận về dân tộc các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nước ta      

1.1. "Chủ nghĩa dân tộc (tộc người) xuyên quốc gia", "Chủ nghĩa giải lãnh thổ", luận thuyết về "Lãnh thổ tộc người và biên giới quốc gia", “Một quốc gia một dân tộc”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”

Trong quá trình tộc người (dân tộc), nhất là sự di chuyển cư đã hình thành các cộng đồng tộc người và mối quan hệ tộc người mới xuyên biên giới hay liên quốc gia. Hiện tượng này dẫn đến việc chỉ cần một sự biến động trong một tộc người ở một quốc gia nào đó sẽ có sự lan toả và ảnh hưởng đến bộ phận đồng tộc ở những nước khác, nhất là tại các khu vực có nhiều tộc người cùng sinh sống. Chính vì vậy, đã xuất hiện tư tưởng "Chủ nghĩa dân tộc xuyên quốc gia" mà thực chất là phát triển lên từ "Chủ nghĩa quốc gia dân tộc", "Chủ nghĩa bản địa" và 'Chủ nghĩa ly khai" đã có trước đó. Nói như vậy, bởi bản chất của "Chủ nghĩa dân tộc xuyên quốc gia" chính là sự nhấn mạnh đến yếu tố bản sắc dân tộc - tộc người thể hiện qua ý thức và các mối quan hệ giữa những người đồng tộc, cho dù họ cư trú ở các quốc gia và khu vực khác nhau. Từ đó đi đến kết luận rằng, lãnh thổ mỗi quốc gia luôn có giới hạn (biên giới cứng theo địa giới phân định giữa các quốc gia) và hoàn toàn có thể bị phá vỡ, nhưng biên giới của một tộc người (dân tộc) (biên giới mềm) thì không, vì nó hiện hữu ở bất kỳ đâu có người đồng tộc sinh sống và luôn bền chặt trong ý thức và quan hệ của họ.

Đây là cơ sở lý luận để hình thành hệ tư tưởng "Chủ nghĩa dân tộc" không phải theo lãnh thổ quốc gia đã được phân định mà theo biên giới tộc người kéo dài đến đâu - tức người dân của một tộc người cư trú ở những nơi nào. Đây là lý luận gắn với thuyết giải lãnh thổ - không công nhận sự tồn tại của lãnh thổ quốc gia mà chỉ công nhận lãnh thổ tộc người. Quan điểm này hoàn toàn tách biệt và đối lập với "Chủ nghĩa dân tộc - quốc gia" gồm có nhiều tộc người cùng sinh sống đoàn kết trong một quốc gia thống nhất. Do đó, có người nhận xét đây là một hình thức của chủ nghĩa ly khai, một xu hướng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cực đoan, rất dễ bị lợi dụng vào việc gây mất ổn định chính trị xã hội ở các quốc gia đa tộc người; đồng thời có một số tộc người cư trú ở những quốc gia khác.

Các thế lực thù địch đã lợi dụng cơ sở lý luận này để tìm cách tuyên truyền kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở một số dân tộc thiểu số nước ta trong thời gian qua, nhất là các dân tộc và vùng đất có yếu tố nhạy cảm về nguồn gốc lịch sử, quá trình hội nhập vào quốc gia Việt Nam muộn, có quan hệ dân tộc liên biên giới và xuyên quốc gia mạnh mẽ và sâu sắc, như: dân tộc Hmông ở vùng miền núi phía Bắc, một số dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, người Chăm và Khơ-me ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

1.2. Luận điểm về "Thuyết vị chủng tộc người”

Tư tưởng cơ bản của thuyết này cho rằng, một số dân tộc có đẳng cấp cao hơn các dân tộc khác về mọi mặt, là trung tâm phát triển của thế giới hoặc khu vực hay quốc gia. Gắn liền với quan điểm này là định kiến cho rằng, văn hóa của dân tộc mình có giá trị cao hơn các nền văn hóa khác. Qua lăng kính của họ, các dân tộc khác, nhất là các dân tộc thiểu số thường lạc hậu, lười biếng, không biết làm ăn, kém tự tin, có tâm lý ỷ lại,… Do vậy, họ cho mình quyền đi xâm lược, cai trị, có “nghĩa vụ” khai hóa văn minh hay dạy bảo cho các dân tộc khác.

Dựa trên những luận điểm này, các thế lực thù địch và một số học giả nước ngoài đã và đang lợi dụng những hạn chế của chúng ta trong việc nhận định, đánh giá về tình hình phát triển và thực hiện chính sách dành cho các dân tộc thiểu số ở nước ta để xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc chỉ đạo hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm thực hiện mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc với Đảng và Nhà nước hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp.

Cụ thể, các thế lực thù địch thường phê phán chính sách dân tộc của chúng ta là thiếu tính khách quan, thiếu tính hệ thống, thiếu tính phản biện và thường mang tính “áp đặt” từ trên xuống, từ ngoài vào, “dán nhãn”, “phân biệt đối xử” của dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số. Thậm chí còn vu cáo cho rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước ta chủ yếu là dành cho người Kinh và người Kinh được hưởng lợi là chính. Chẳng hạn như xuyên tạc Nhà nước ta “tạo điều kiện” cho các nông - lâm trường và doanh nghiệp nhà nước “lấy đất” của các dân tộc thiểu số bằng cách “cấp đất”, “giao đất” hay “làm ngơ” trước hiện tượng các tổ chức này bao chiếm nhiều đất đai, rừng núi, khiến người dân thiếu đất sản xuất và không gian sinh tồn, phải di chuyển tới những vùng khó khăn cho phát triển để sinh sống, bỏ lại đất tốt cho các nông - lâm trường và doanh nghiệp nhà nước. Kích động về nhân quyền và chủ quyền với luận điệu các doanh nghiệp nhà nước đã “xâm chiếm tài nguyên” của các dân tộc thiểu số; xuyên tạc các nông lâm trường, công ty, nhà máy, xí nghiệp, vùng đô thị phát triển, hệ thống chính trị các cấp là của người Kinh đa số nắm giữ. Từ đó kích động người dân các dân tộc thiểu số đòi lại đất đai của tổ tiên; chia rẽ nhằm làm cho người dân nghi ngờ, xa lánh, thậm chí chống đối chính quyền và đội ngũ cán bộ; tuyên truyền các yếu tố về lịch sử và quá trình phát triển của các tộc người để tăng cường ý thức dân tộc riêng thay cho ý thức quốc gia; đòi quyền tự quản đất đai truyền thống, gây chia rẽ, hằn thù giữa các tộc người, hình thành các tổ chức chính trị phản động và tư tưởng tự trị, ly khai thành lập các “nhà nước” và “vương quốc” riêng ở một số ít dân tộc thiểu số. Đồng thời, trên cơ sở đó họ cố tình áp đặt, truyền bá các tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền của phương Tây, đề cao tính cá nhân lên trên cộng đồng, quyền tự quyết của các tộc người cao hơn chủ quyền của quốc gia Việt Nam.

2.3. Lý luận của "thuyết tương đối văn hoá" và quyền tự quyết dân tộc

Thuyết tương đối văn hóa do nhà nhân học Mỹ Frank Boas khởi xướng cho rằng, không có nền văn hóa nào cao hơn so với nền văn hóa khác khi so sánh về hệ thống đạo đức, pháp luật, chính trị,... Tất cả những niềm tin về một nền văn hóa vững chắc, lâu bền chỉ là tương đối, vì nó phụ thuộc vào môi trường văn hóa; mỗi nền văn hóa đều có giá trị riêng và chỉ có các chủ thể của nó hay chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được. Vì vậy, giá trị của các văn hóa là không thể so sánh và không có những cái gọi là văn hóa nguyên thủy, lạc hậu, thấp kém và các nền văn hóa hiện đại, văn minh. Luận điểm cơ bản của học thuyết này là nhằm phê phán quan điểm của thuyết vị chủng ở trên cho rằng, có dân tộc và nền văn hoá cao hơn và được quyền "áp đặt" ý chí, văn hoá của mình đối với dân tộc và nền văn hoá khác. Đồng thời đề cao tính đa dạng tộc người, đa dạng văn hoá và đa dạng ngôn ngữ, đề cao khả năng thích ứng và sự tự lựa chọn của người dân dựa trên nhu cầu thực tế về các con đường và mô hình phát triển,...

Sử dụng luận thuyết này, các thế lực thù địch luôn tuyên truyền đề cao quyền tự quyết của các tộc người/cộng đồng và phê phán cách tiếp cận của chúng ta từ trước đến nay là "áp đặt" các triết lý và mô hình phát triển của dân tộc đa số đối với các dân tộc thiểu số, của miền xuôi và đô thị lên miền núi và vùng nông thôn; vu cáo và xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của chúng ta dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số là áp đặt từ trên xuống nhằm "đồng hoá cưỡng bức"; thậm chí qui kết "ngăn cản sự phát triển của các dân tộc thiểu số" khi thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình hay những hạn chế trong xác định thành phần dân tộc;...

1.4. Khái niệm và lý thuyết về tộc người xuyên biên giới/xuyên quốc gia hay “biên giới mềm” và “quyền lực mềm”

Cộng đồng xuyên biên giới/xuyên quốc gia được Kearney (1995: 559)định nghĩa là cộng đồng phân bố ở hai quốc gia, có thể dọc theo đường biên giới hoặc không. Tác giả này xác nhận rằng, trong mối liên hệ xuyên biên giới thì tính liên thế hệ của các cộng động tộc người được duy trì, không bị đứt gẫy. Cá nhân không bị tách rời khỏi mạng lưới các mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia dù họ sống ở các quốc gia khác nhau. Tính xuyên quốc gia được cho là tích hợp vào đời sống văn hóa thường nhật dù họ có hay không di cư xuyên quốc gia (Basch, Nina, and Christina, 1994; Ong, 1999), hoặc con cái được sinh ra trên lãnh thổ khác nơi họ từng sinh sống (Fouron and Nina, 2002). 

Theo cách hiểu trên, mạng lưới quan hệ dân tộc này không thể thiết lập trên lãnh thổ chỉ của một nước. Quan hệ dân tộc xuyên quốc gia được các tác giả trên đồng thuận cho rằng, nó tồn tại ở nhiều địa phương, giữa cộng đồng tộc người ở cả hai phía của đường biên giới. Như vậy, cộng đồng tộc người xuyên biên giới có mối liên hệ với căn tính tộc người hay bản sắc tộc người. Mối liên hệ dân tộc liên/xuyên biên giới có nhiều dạng thức thể hiện mà dễ nhận thấy nhất là những phong tục tập quán phản ánh mối liên hệ xuyên quốc gia. Những tương tác trong mạng lưới quan hệ xuyên quốc gia tạo điều kiện duy trì và thúc đẩy các mối quan hệ xã hội, thúc đẩy sự tiếp xúc văn hóa với cội nguồn quê hương, từ đó hình thành nên những bối cảnh năng động khác với vùng cội nguồn (Levitt, 2001: 18). Các tác giả khác như Espiritu (2003), Bao (2005), Boehm (2000, 2004), Hall (1990, 1995)và Ong (1999)đều đồng thuận rằng, những mối liên hệ xuyên biên giới và những thực hành văn hóa của tộc người góp phần tạo dựng và duy trì bản sắc tộc người đó.

Sử dụng các luận điểm này, các thế lực thù địch luôn cho rằng, quan hệ dân tộc liên biên giới và xuyên quốc gia là quá trình diễn ra tự nhiên của con người và các cộng đồng tộc người, các nhà nước không thể và cũng không có quyền dùng các đường biên giới cứng/cố định của các quốc gia để quản lý các mối quan hệ dân tộc này.

2. Một số vấn đề thực tiễn các thế lực thù địch lợi dụng chống phá trên lĩnh vực dân tộc

2.1. Một số vấn đề thực tiễn về lãnh thổ tộc ngườilịch sử tộc người ở nước ta

2.1.1. Những vấn đề lịch sử/nguồn gốc và quá trình tộc người

Các dân tộc nước ta có nguồn gốc lịch sử và quá trình sinh sống tại Việt Nam rất khác nhau. Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, Việt - Mường và một bộ phận của nhóm Tày - Thái được các nhà khoa học cho là cư dân tại chỗ, tức phát triển từ các nhóm người cổ đại hình thành ở Việt Nam và các khu vực khác của Đông Nam Á lục địa. Các dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, Hán, Tạng - Miến, một bộ phận của nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và Mã Lai - Đa Đảo được xác định là di cư từ nam Trung Quốc hoặc từ vùng hải đảo tới. Quá trình di cư của các dân tộc này đến sinh sống tại Việt Nam đã diễn ra từ hàng ngàn năm đến hàng trăm năm trở lại đây. Trên địa bàn của các dân tộc được coi là tại chỗ, trải dài suốt từ Bắc chí Nam, các dân tộc khác đã tới xen cư vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, tạo nên một bản đồ phân bố tộc người rất đa dạng.

Với các dân tộc thiểu số nước ta, duy chỉ người Chăm từng có vương quốc ở khu vực miền Trung, nhưng do sự vận động của lịch sử, vương quốc Chăm Pa đã bị suy vong cách đây trên 400 năm. Sau đó, vùng đất này trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam và người Chăm là một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cư trú xen cài với các dân tộc khác. Nhưng quá khứ lịch sử để lại sự mặc cảm khó quên trong một số người Chăm, nhất là tư tưởng hoài cổ. Các thế lực thù địch thường lợi dụng, khai thác đặc điểm nhạy cảm này để kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, lôi kéo và tập hợp lực lượng trong người Chăm cả ở Việt Nam và nước ngoài.    

Vùng đất Nam Bộ là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam từ lâu đời, đã hội nhập vào cộng đồng dân cư và văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, từ lâu Cămpuchia cho rằng vùng đất này là Cămpuchia Krom và người Khơ-me sinh sống ở đây là Khơ-me Krom. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề lịch sử này để bóp méo sự thật, đưa ra các thông tin sai lạc, xuyên tạc về vùng đất và con người Nam Bộ với các ý đồ khác nhau, như cho rằng người Việt đã từng bước xâm chiếm vùng đất Nam Bộ của người Khơ me, khi xâm lược Đông Dương, chính người Pháp cũng đã ý thức được rằng Cămpuchia Krom là đất của người Khơ-me, nhưng sau này đã nhượng lại một cách "bất hợp pháp" vùng đất này cho vua Bảo Đại của Việt Nam.

Vùng đất Tây Nguyên trước đây chỉ tồn tại hình thức cộng đồng làng hoặc một số ít vùng của người Ê-đê, Gia-rai và Xơ-đăng có hình thức cao hơn là liên làng, kèm theo là những người đại diện và thực hiện hoạt động tín ngưỡng cho các cộng đồng đó. Tuy nhiên, gần đây các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề này để khơi gợi và dựng lại hình tượng "vua nước", "vua lửa", "vương quốc sedang" xưa kia, nhưng với chức năng và vai trò mới gắn với "vương quyền" chứ không phải là "thần quyền" như thực tế trước đây.   

Trong lịch sử xa xưa của Trung Quốc, người Hmông được miêu tả là dân tộc từng có vương quốc riêng chiếm lĩnh khu vực sông Hoàng Hà phì nhiêu, màu mỡ, thậm chí trước cả khi người Hán di cư đến. Về sau do bị thua trong cuộc chiến tranh với người Hán, họ phải di cư dần xuống phía Nam, trong đó có miền núi phía Bắc Việt Nam. Do ôm mối hận mất nước nên người Hmông luôn rất muốn có một quốc gia và một vị vua của mình để cai quản đất nước. Tâm lý và ước nguyện đó luôn được các thế lực thù địch lợi dụng vào phục vụ mưu đồ của chúng. Lợi dụng đặc điểm di chuyển cư của người Hmông không chỉ ở nước ta mà còn ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan, trong đó vùng Tây Bắc nước ta là nơi có nhiều đồng bào Hmông từ các tỉnh khác của miền núi phía Bắc di cư tự do tới trong những năm gần đây (một bộ phận người Hmông còn di chuyển cư sang Lào và vào Tây Nguyên). Do đó, các thế lực thù địch từ bên ngoài ráo riết tuyên truyền lôi kéo người Hmông do di cư về các khu vực giáp giới các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Mianma để lập "Vương quốc Hmông". Khuyến khích và tài trợ cho lực lượng phỉ của Vàng Pao trước đây hiện còn sót lại tiến hành hoạt động quấy rối ở Lào, tại khu vực giáp biên giới với nước ta.

Những vấn đề lịch sử nêu trên hiện vẫn còn là mảnh đất cho các thế lực thù địch lợi dụng trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, mà trọng tâm là kích động những tộc người có liên quan đòi lại quyền về lãnh thổ. Các phong trào phục quốc của các thế lực người Chăm hay Khơ-me phản động lưu vong; việc xúi giục đòi lại đất tổ tiên, đòi lập xứ tự trị ở một số vùng dân tộc, đều có căn nguyên lịch sử này. Đặc biệt gần đây, các thế lực thù địch đã lợi dụng các điều 10, 25, 26, 28, 29, 30 trong “Tuyên ngôn về Quyền người bản địa” của Liên hợp quốc để đòi lại quyền lãnh thổ, quyền tự trị. Nội dung của các điều trên có thể tóm tắt như sau: (i). Quyền sở hữu, sử dụng, phát triển, kiểm soát đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên được sở hữu, chiếm hữu, sử dụng từ xa xưa; (ii). Quyền không bị ép buộc di dời khỏi đất đai của mình; (iii). Quyền được bồi thường, hoàn trả công bằng đối với đất đai, lãnh thổ truyền thống nếu bị chiếm dụng; (iv). Quyền được bảo tồn, bảo vệ môi trường và tài sản trên đất đai, lãnh thổ, tài nguyên truyền thống; và (v). Quyền ngăn chặn các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của "người bản địa" nếu không được họ cho phép.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, địa bàn cư trú của các tộc người ở nước ta như hiện nay về cơ bản đã ổn định từ rất lâu và chưa bao giờ hình thành cũng như có cái gọi là “lãnh thổ tộc người” riêng của bất kỳ dân tộc nào, bởi vì ở nước ta việc cư trú đan xen giữa các tộc người đã và ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, từ sau năm 1960 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, dưới tác động của chính sách di dân, di cư tự phát, sự phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu tiếp xúc văn hoá…, đã khiến việc xen cư giữa các tộc người càng trở nên phổ biến ở tất cả các vùng, miền trên cả nước. Đến nay, ở khu vực miền núi, hầu như không còn xã nào chỉ có thuần một tộc người, như tại Tây Nguyên hiện nay đã có đủ 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đáng chú ý là một số khu vực như tỉnh Hoà Bình xưa kia từng được một số nhà khoa học Pháp coi là “xứ Mường”, Sơn La được coi là “xứ Thái”, nhưng trên thực tế danh xưng này chỉ hàm ý một địa phương có dân tộc nào đó chiếm đa số so với các dân tộc khác cùng cư trú xen kẽ trong vùng mà không mang ý nghĩa lãnh thổ của dân tộc đó.

Về nhà nước Phù Nam, theo Lê Phương nằm ở vị trí hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm cả miền Nam Việt Nam hiện nay, phía Bắc đến tận miền Nam nước Lào, gồm cả một phần thung lũng sông Me Nam của Thái Lan và bán đảo Malắca của Malaixia, phía Đông và phía Nam giáp biển. Khi nhà nước Phù Nam phát triển thì các nước Chăm Pa, Ai Lao, Chân Lạp, Thái Lan còn chưa lập quốc. Nhà nước Phù Nam tồn tại đến năm 627, trải qua 14 đời vua thì chấm dứt và biến mất do bị Chân Lạp - một thuộc quốc của Phù Nam thôn tính. Như vậy, có thể khẳng định rằng, vùng đất Nam Bộ của nước ta hiện nay trước đây không phải của nước Chân Lạp và cũng không phải của người Khơ me ở Campuchia. Đồng thời cũng không thể nói nhà nước Phù Nam là tiền thân của nước Chân Lạp và hiện nay là Campuchia, vì đây là các quốc gia hoàn toàn khác nhau (Khổng Diễn, 2005).

Về "Nhà nước Khmer Krom", vấn đề này liên quan đến luận điệu cho rằng vùng Nam Bộ là của người Khơ me ở Campuchia, mà bằng chứng được đưa ra là Quốc gia Chân Lạp của người Khơ-me trước đây bao gồm cả vùng Nam Bộ, và người Khơ-me chính là chủ nhân của di chỉ khảo cổ Ốc eo ở vùng Kiên Giang, An Giang. Sau đó, vùng đất này đã bị người Pháp xâm lược và "giao cho người Việt" một cách trái phép. Do đó, họ xuyên tạc và đòi được thành lập "Nhà nước Khmer Krom" ở Nam Bộ. Có thể khẳng định rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn không đúng sự thật lịch sử, bởi các chứng cứ khoa học sau:

- Di chỉ khảo cổ Ốc eo hiện nay đã được các ngành khoa học trong và ngoài nước chứng minh không phải của người Khơ-me, mà là của một cư dân khác sinh sống ở Nam Bộ trước khi người người Khơ-me, người Việt và sau đó là người Hoa và người Chăm di cư đến. Nhưng hiện nay, chủ nhân của di chỉ Ốc eo này cũng không còn sinh sống ở đó nữa mà khoa học chưa biết lý do chính xác.

- Về Quốc gia Chân Lạp của người Khơ-me, ban đầu lãnh thổ của nó bao gồm vùng Hạ Lào và đông bắc Cămpuchia. Đầu thế kỷ VIII, nước Chân Lạp bị chia thành hai là Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp. Đến đầu thế kỷ IX, Thuỷ Chân Lạp đã thống nhất đất nước và định đô ở Ăng Co. Từ thế kỷ XIII, Chân Lạp bắt đầu suy tàn, đến thế kỷ XV do có nội chiến nên nước Chân Lạp đã tan rã. Trong quá trình này, từ thế kỷ thứ X, do quá trình biển lùi đã hình thành những vùng đất mầu mỡ tạo thành vùng đất Nam Bộ ngày này. Dưới sức ép xâm lược của Vương quốc Xiêm và sự cai trị hà khắc của Nhà nước Chân Lạp, ngày càng nhiều người Khơ-me di cư đến vùng đất Nam Bộ ngày nay để sinh sống. Cũng trong thời gian này, vùng đất Nam Bộ còn hoang hóa nên đã diễn ra những luồng di cư của các tộc người khác đến đây, như người Việt ở phía Bắc, người Chăm ở Nam Trung Bộ di cư sang Campuchia sau đó di cư tới Nam Bộ và là người Hoa từ Trung Quốc sang. Quá trình đó diễn ra mạnh mẽ hơn từ thế kỷ XVI. Như vậy, có thể khẳng định, nước Chân Lạp xưa không bao gồm vùng đất Nam Bộ của Việt Nam ngày nay, người Khơ me cũng không phải là cư dân đầu tiên của vùng đất này, mà họ cũng chỉ là những người di cư đến như người Việt (Khổng Diễn, 2005). Do thực tế lịch sử và quan hệ giữa hai nhà nước phong kiến Việt Nam và Chân Lạp, vùng đất Nam Bộ đã từng bước trở thành một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam thiết lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, người Việt đã cùng các dân tộc khác trong đó có người Khơ-me bằng sức lao động của mình đã biến vùng đất hoang vu thành đồng bằng phì nhiêu, phát triển. Đến cuối thế kỷ XVIII, thực dân Pháp đã tiến hành chiến tranh xâm chiếm vùng đất Nam Bộ của chính quyền phong kiến Việt Nam và thành lập Nam Kỳ tự trị. Chính cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó có người Khơ-me trong vùng đã bỏ bao xương máu để tiến hành những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ để giành lại chủ quyền đối với đất nước nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng, thu phục giang sơn trở về một cõi như ngày nay.   

Về cái gọi là "Nhà nước Đề ga" ở Tây Nguyên, thực chất cái gọi là "nhà nước Đề ga" là một tổ chức chính trị phản động do "Tổ chức người Thượng" ở Mỹ lập nên, mà tiền thân là tổ chức Bakajaka có từ thời Pháp thuộc và đại diện hiện nay là những thành viên của tổ chức FULRO cũ có tư tưởng chống đối Nhà nước Việt Nam bằng vũ lực tự lập ra từ thời Mỹ - Ngụy, sau 1975 lưu vong tại Mỹ. Tổ chức này không đại diện cho các dân tộc thiếu số tại chỗ của Tây Nguyên, thực chất những cuộc biểu tình, bạo loạn do họ gây ra trong những năm vừa qua ở Tây Nguyên cũng chỉ lôi kéo, kích động được một bộ phận rất nhỏ người dân thuộc một số ít dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên chủ yếu tham gia.

- Về cái gọi là “Vương quốc Hmông”, theo truyền thuyết về lịch sử của tộc người Hmông thì tộc người này đã từng có một “quốc gia riêng” hùng mạnh ở vùng Lưỡng Hà của Trung Quốc cách đây khoảng 2.500 năm. Nhà nước này bị tộc người Hàn chinh phục và người Hmông từ đó phiêu tán đi các nơi khác, như một số tỉnh ở vùng phía Nam Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu của các học giả quốc tế đã cho thấy đó chỉ là truyền thuyết dân gian về lịch sử tộc người, bởi hiện nay khoa học chưa tìm ra được bất kỳ chứng cứ nào khẳng định về một quốc gia của người Hmông đã từng tồn tại, như: tiền tệ, chữ viết, thành quách, di tích, thờ tự,... Do vậy, sự tồn tại của cái gọi là “Vương quốc Hmông” ở Trung Quốc xưa hiện vẫn chưa được khoa học khẳng định. Đặc biệt hơn thế nữa, “Vương quốc” đó nếu có thật thì cũng không phải ở vùng Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc như một số thế lực vẫn tuyên truyền và mong muốn tái lập lại “vương quốc” đó hiện nay, mà là nằm sâu trọng nội địa của Trung Quốc.

2.2. Một số vấn đề thực tiễn về xác định thành phần dân tộc

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong 54 dân tộc hiện nay, một số dân tộc có nhiều nhóm địa phương, với sự khác biệt ít hay nhiều về ngôn ngữ, sự đa dạng về văn hoá. Bản Danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam được công bố năm 1979 là kết quả điều tra, nghiên cứu công phu của nhiều ngành, nhiều cấp, mà trước hết là các nhà Dân tộc học, Ngôn ngữ học và những người làm công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài, đã có một số dân tộc hay nhóm địa phương muốn đổi tên tộc danh, hoặc muốn tách ra thành một dân tộc riêng. Trong các nhu cầu của một số dân tộc hay nhóm địa phương muốn có một tộc danh riêng, có nhu cầu xuất phát từ ý thức tự giác tộc người, song cũng có nhu cầu liên quan đến các lợi ích khác nhau, nhất là trước việc Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư, chính sách ưu tiên cho các dân tộc thiểu số.

Những hiện tượng nêu trên đã ít nhiều làm cho bức tranh thành phần dân tộc ở nước ta thêm phức tạp. Hiện nay, một số tổ chức và học giả nước ngoài đang rất quan tâm vấn đề này. Họ cho rằng, việc xác định và phân loại tộc người như Việt Nam (cả Trung Quốc) đã tiến hành, được dựa trên cơ sở lý thuyết “cũ” không mang tính khoa học mà mang tính chính trị và áp đặt, làm hạn chế tính đa dạng tộc người trong một quốc gia bởi vì nhiều nhóm địa phương đã bị buộc phải chấp nhận một bản sắc văn hoá nào đó hoàn toàn khác so với những gì họ đã tự tạo nên trước kia. Có học giả phương Tây còn cho rằng cách “phân loại tộc người”mà Trung Quốc và Việt Nam đã thực hiện, là một chiến lược “thực dân hoá” của thế kỷ XX, một chiến lược “tự phương đông hoá” mang tính nội tại nhằm đồng nhất và cụ thể hoá những sự khác biệt văn hoá của các nhóm tộc người bằng cách đưa về một hệ quy chiếu chung là một nền văn hoá dân tộc. Các nội dung và luận điệu đó của các thế lực thù địch nhằm mục đích chính trị phản động là qui kết nước ta vào danh sách các quốc gia "phạm tội diệt chủng tộc người".

Thực tế cho thấy, vấn đề xác định thành phần dân tộc và Bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam được công bố chính thức năm 1979 và sử dụng đến nay là kết quả nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học, nhất là Dân tộc học và Ngôn ngữ học; là ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của đại diện các tộc người thông qua những hội nghị, hội thảo khoa học và xin ý kiến của nhân dân tại thời điểm đó. Hoàn toàn không phải ý muốn chủ quan của các nhà khoa học và sự "áp đặt" của Nhà nước ta như các thế lực thù địch vẫn xuyên tạc. Trên thực tế, tộc danh và thành phần dân tộc là một phạm trù lịch sử, có thể biến động nên hiện đang đặt ra một số vấn đề mới cần giải quyết. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, vấn đề xác minh lại thành phần dân tộc ở nước ta cần được cân nhắc cẩn trọng, có sự chỉ đạo chặt chẽ và xử lý chuẩn xác, không tạo thành cớ để các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng trong việc tuyên truyền, xuyên tạc, chống ta vi phạm về quyền tự quyết dân tộc. Bên cạnh đó, vấn đề một số tộc người hay nhóm địa phương muốn đổi tên tộc danh, hoặc muốn tách ra thành một tộc người riêng nổi lên trong thời gian qua, không ít là do tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Trong các đề nghị của một số tộc người hay nhóm địa phương muốn có tộc danh riêng, hiện nay ngoài nhu cầu chính đáng xuất phát từ ý thức tự giác tộc người còn liên quan đến những lợi ích khác nhau, nhất là việc Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách đầu tư ưu tiên cho các dân tộc thiểu số có dân số ít. Do đó, cần xem xét cẩn trọng, xác định đúng bản chất vấn đề ở từng tộc người, từng nhóm địa phương để giải quyết thỏa đáng yêu cầu thực tế đang đặt ra.

2.3. Một số vấn đề thực tiễn về mối quan hệ giữa văn hoá tộc người và văn hóa quốc gia

Văn hóa tộc người được hình thành trên cơ sở môi trường tự nhiên, các điều kiện về kinh tế - xã hội, lịch sử cư dân và trong mối quan hệ với các tộc người khác. Trong các quốc gia đơn tộc người thì văn hóa tộc người đồng nhất với văn hóa quốc gia; còn tại quốc gia đa tộc người như Việt Nam thì văn hóa của các tộc người là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa quốc gia. Nghĩa là nền văn hóa quốc gia là tổng hợp hài hòa văn hóa của các tộc người. Văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia có mối quan hệ khăng khít, bởi văn hóa tộc người là bộ phận hợp thành của văn hóa quốc gia. Chính vì thế, các nhà văn hóa học cho rằng, nói đến các đặc trưng sinh hoạt văn hóa của một tộc người không chỉ nói đến những giá trị tiêu biểu nhất về vật chất và tinh thần của tộc người đó hình thành trong quá khứ, mà còn phải xem xét vị trí, đóng góp của văn hóa đó trong nền văn hóa quốc gia.

Khi nói đến mối quan hệ giữa văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia, cần phân định theo một “trật tự”: văn hóa tộc người là bộ phận hợp thành nên cần phải “hội nhập” và làm giàu cho văn hóa quốc gia, hay dựa trên những nét tiêu biểu chung nhất của văn hóa các tộc người để xây dựng nền văn hóa quốc gia. Văn hóa quốc gia là cơ sở để xây dựng và củng cố ý thức quốc gia, là sợi dây gắn kết các tộc người; trong khi văn hóa tộc người có tác dụng gắn kết nội bộ từng khối cư dân đó. Cho nên nếu quá đề cao văn hóa tộc người là biểu hiện của tư tưởng cục bộ dân tộc (chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi) bao hàm cả cục bộ dòng họ, cục bộ địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược củng cố khối đoàn kết dân tộc - quốc gia, trường hợp ở vùng biên giới sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ an ninh biên giới, đến chủ quyền quốc gia. Do tại vùng biên giới nhiều tộc người có nguồn gốc lịch sử và các mối quan hệ về huyết thống, tình cảm, tôn giáo tín ngưỡng, hôn nhân, kinh tế với đồng tộc hay dân tộc khác ở bên kia biên giới, cho nên ý thức về nguồn gốc tộc người của một bộ phận dân cư vùng biên còn sâu đậm; quan hệ dòng họ, bạn bè, làm ăn xuyên biên giới có sự chi phối tâm tư, suy nghĩ của một bộ phận cư dân..., nên dễ bị các thế lực lợi dụng để đề cao ý thức tộc người và làm suy giảm ý thức quốc gia nhằm chống phá đất nước. 

Trong bối cảnh mở rộng giao lưu quốc tế hiện nay, các quốc gia đều chú ý đến việc củng cố ý thức quốc gia - dân tộc, làm ngọn cờ đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, để tiếp thu các thành tựu và giá trị văn hóa thế giới. Việt Nam ta cũng không ngoài quy luật đó. Trong quốc gia đa dân tộc Việt Nam, sự biến đổi và ảnh hưởng văn hóa của dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển là tất yếu. Tương tự như vậy, ngay trong một vùng sự ảnh hưởng của dân tộc thiểu số nhưng có dân số lớn hơn các dân tộc thiểu số khác cũng đã và đang diễn ra. Sự ảnh hưởng của văn hóa quốc gia Việt Nam tới văn hóa các dân tộc thiểu số trong nước ngày càng mạnh mẽ, nhất là ở những địa bàn cư trú xen kẽ, gần đô thị hay vùng thấp, gần đường giao thông. Do đó, có thể nói đấy là sự đồng hoá tự nhiên diễn ra một cách tự nguyện có chọn lọc của người dân các tộc người. Tương tự như vậy, chúng ta thấy hiện tượng này đã và đang diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới. Đặc biệt, một số nước như Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan... là những quốc gia áp đặt mạnh mẽ nhất văn hoá và ý chí của quốc gia và của dân tộc chủ thể lên các dân tộc thiểu số. Trong thời gian đầu xâm chiếm vùng Bắc Mỹ và Châu Úc ngày nay, những người di cư châu Âu đã giết hàng loạt người dân bản địa để chiếm đất và áp đặt văn hoá của mình, dẫn đến rất nhiều tộc người bản địa ở Châu Mỹ và Châu Úc bị diệt chủng. Chính vì vậy, các nước này đã từ chối ký vào Bản Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người bản địa.

2.4. Một số vấn đề thực tiễn về qui luật phát triển của các tộc người

Trong lịch sử nước ta đã từng diễn ra sự phát triển không đồng đều giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số ở miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Điều đó được thể hiện ở thể chế chính trị và cấu trúc xã hội, trình độ kỹ thuật và điều kiện phát triển kinh tế. Lý do chính để người Kinh có điều kiện phát triển hơn các tộc người khác là bởi họ là cư dân đầu tiên tụ cư ổn định và lâu đời trên một địa bàn có nhiều thuận lợi để giao lưu và phát triển. Vấn đề tộc người đa số thường phát triển hơn các dân tộc thiểu số ở trong mỗi nước cũng là hiện tượng phổ biến đã và đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia đa tộc người trên thế giới, được coi như là một quy luật khách quan chứ không riêng ở Việt Nam; và đó cũng không phải là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hay của tộc người đa số. Do vậy, việc ảnh hưởng của văn hóa và phát triển không đồng đều giữa các dân tộc có quan hệ với nhau, nhất là giữa dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số là đương nhiên.

2.4.1. Về vấn đề phát triển không đồng đều giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số

Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, sự phát triển của các dân tộc ở Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu. Riêng với các dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn, đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, thông qua các chương trình, dự án phát triển như Chương trình 135, Chương trình 134, Dự án 327, Dự án 661,... Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong thời gian qua cho thấy, tỷ lệ nghèo đói của các dân tộc thiểu số vẫn còn cao, khoảng cách nghèo đói giữa dân tộc thiểu số và người Kinh ngày một gia tăng.

Một thực trạng khác cũng đang hiện hữu ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là tại vùng cao, đó là người Kinh ở đây làm giàu rất nhanh, trong khi sự phát triển của nhiều dân tộc thiểu số lại chậm, thậm chí trì trệ, khiến nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số khó thoát khỏi vòng đói nghèo, thậm chí khi gia đình gặp sự cố còn phải bán cả đất đai, nhà cửa và tài sản có giá trị khác để giải quyết, một số phải đi làm thuê để kiếm sống, nhất là làm thuê cho người Kinh. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay hầu hết mạng lưới thương nghiệp lớn và chính thức ở khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số chủ yếu là do hệ thống thương mại nhà nước kiểm soát hay tư thương người Kinh thực hiện. Bên cạnh đó, hiện tượng cho vay nặng lãi tự phát của người Kinh, mà con nợ thường là người dân tộc thiểu số nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn cũng đang diễn ra và có dấu hiệu gia tăng.

Trước thực trạng nêu trên, một số công trình nghiên cứu của nước ngoài đã cho rằng, người Kinh chính là dân tộc được hưởng lợi, hoặc hưởng lợi nhiều hơn các dân tộc khác trong công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Đây là luận điểm khá nguy hiểm, bị các lực lượng thù địch lợi dụng để đưa ra luận điệu vu cáo "người Kinh bóc lột các dân tộc thiểu số", xuyên tạc bản chất tốt đẹp trong chính sách phát triển và những thành quả mà đất nước ta đạt được trong thời kỳ đổi mới và kích động về "quyền được phát triển" của các dân tộc thiểu số,...

2.4.2. Về vấn đề ảnh hưởng của văn hóa Việt (Kinh) đến văn hóa của các dân tộc thiểu số

Trong một quốc gia đa dân tộc, sự biến đổi và ảnh hưởng văn hóa của dân tộc đa số với dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển là tất yếu và dễ hiểu, tương tự như vậy, ngay trong một vùng sự ảnh hưởng của dân tộc thiểu số nhưng có dân số lớn hơn các dân tộc thiểu số khác cũng đã và đang diễn ra. Sự ảnh hưởng của văn hóa Việt tới văn hóa các dân tộc thiểu số trong nước ngày càng mạnh mẽ, nhất là ở những địa bàn cư trú xen kẽ, gần đô thị hay vùng thấp, gần đường giao thông. Những ảnh hưởng này thường biểu hiện rõ nét trong văn hoá vật chất, nhất là nhà ở, trang phục và ăn uống. Trong văn hoá tinh thần, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số cũng đang biến đổi, mai một dần, khiến nhiều vùng thanh niên không còn nói được tiếng dân tộc mình nữa. Trong một số nghi lễ, nhất là nghi lễ đám cưới, cúng bái trong sản xuất và nhiều phong tục truyền thống cũng dần bị loại bỏ. Văn hóa dân gian, nhất là dân ca, truyện cổ tích, ca dao, múa, hát... cũng đang mai một dần.

Ảnh hưởng văn hóa của dân tộc Kinh tới các dân tộc thiểu số thông qua nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu qua hệ thống truyền thông, giáo dục, y tế, thị trường, giao lưu, tiếp xúc,... Các dân tộc thiểu số tiếp thu văn hóa của dân tộc Kinh bởi nhiều lý do, như: để phù hợp và thích nghi với các điều kiện môi trường - kinh tế - xã hội đang biến đổi; bởi sự tiện ích và đáp ứng được thị hiếu của người dân; bởi tâm lý không muốn bị coi là “lạc hậu”;... Do đó, có thể nói đấy là sự đồng hoá tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn do hệ quả của một số chương trình, dự án muốn hướng người dân địa phương theo mô hình văn hóa Việt để tiện lợi cho công tác quản lý xây dựng (nhà cộng đồng, nhà tái định cư, quy hoạch làng bản, sinh hoạt văn hoá...). Song về cơ bản, có thể khẳng định, tại Việt Nam không hề có sự đồng hóa cưỡng bức văn hóa. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách lớn và cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người, mà điển hình là Nghị quyết Trung ương V, Khóa VIII và Chiến lược phát triển văn hóa 2006 - 2010. 

Tuy nhiên, trước hiện tượng mai một và biến đổi nhanh của văn hóa truyền thống ở các dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tác, kích động người dân các dân tộc bị “mất bản sắc văn hóa”, bị “đồng hóa cưỡng bức”, nhằm làm tăng nguy cơ gây mâu thuẫn dân tộc ở nước ta. Họ cố tình xuyên tạc rằng, chính sách văn hoá của Nhà nước ta bị chế ngự/chi phối bởi khái niệm về "sự bảo tồn có chọn lọc", theo đó Đảng và Nhà nước quyết định khía cạnh nào của văn hoá dân tộc có đủ giá trị để được duy trì, khía cạnh nào nên lại bỏ đi và khía cạnh nào phải nên thay đổi. Một nhà nghiên cứu phương Tây đã mô tả chính sách về “bảo tồn có chọn lọc” như là “một quá trình kỳ dị/đặc biệt của viêc hoà tan/sự bảo tồn các dạng văn hoá truyền thống.   

2.5. Một số vấn đề thực tiễn về chuyển đổi tôn giáo tín ngưỡng và những tác động

Các dân tộc thiểu số nước ta, ngoài phần lớn người Chăm theo Hồi giáo và hầu hết người Khơ-me theo Phật giáo, chủ yếu đều theo tín ngưỡng truyền thống, nhất là thờ cúng tổ tiên. Từ thế kỷ 16 một bộ phận người Kinh ở vùng đồng bằng theo Công giáo. Đến cuối thế kỷ XIX, bắt đầu có một bộ phận rất nhỏ các dân tộc Hmông, Dao… ở phía Bắc và Ê-đê, Gia-rai, Ba-na… ở Tây Nguyên theo Công giáo và đầu thế kỷ XX là Tin lành. Kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc nước ta cũng có những biến đổi to lớn, đặc biệt là đạo Tin lành từ giữa những năm 1990 đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng gia tăng sự ảnh hưởng ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là Tây Bắc và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là sự biến đổi tôn giáo, nhất là chuyển từ tín ngưỡng truyền thống sang Tin lành của một bộ phận trong các dân tộc thiểu số nói trên không phải hoàn toàn tự thân của người dân, mà chủ yếu là do tác động của việc truyền đạo và lôi kéo người dân theo đạo trái pháp luật. Các thế lực thù địch đã lợi dụng các đặc điểm về lịch sử và tâm lý tộc người, những bất cập trong chính sách và thực trạng kinh tế-xã hội của vùng hay tộc người, nhất là về vấn đề tôn giáo và dân tộc để lôi kéo những người cùng đức tin trong nội tộc người hay giữa các tộc người cùng địa bàn cư trú nhằm tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức Tin lành gắn với những tổ chức chính trị phản động, như: "Tin lành Đề ga" gắn với "Nhà nước Đề ga" ở Tây Nguyên, "Tin lành Vàng chứ" của người Hmông và "Tin lành Thìn hùng" của người Dao gắn với "Vương quốc Hmông" ở Tây Bắc, nhằm kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi và ly khai tự trị ở một số dân tộc để chia cắt đất nước ta. Lôi kéo và kích động tín đồ tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, gây rối trật tự và tạo mâu thuẫn xã hội, như: Biểu tình và bạo loạn ở Tây Nguyên, tổ chức khiếu kiện đòi khôi phục các tổ chức tôn giáo cũ và công nhận các tổ chức tôn giáo mới thành lập trái phép; đòi lại đất đai và các cơ sở thờ tự cuat ôn giáo trước đây; kích động người dân di cư tự do và vượt biên trái phép; tuyên truyền và phát tán trái phép các tài liệu phản động, tài liệu tuyên truyền tôn giáo.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng những chính sách và biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng đối với những hoạt động vi phạm pháp luật nói trên của các tổ chức và cá nhân tôn giáo, những mâu thuẫn nảy sinh trong xã hội giữa bộ phận người có đạo và không theo đạo… để đưa ra các luận điệu xuyên tạc chính sách và thành quả tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước đã cố gắng làm cho dân; vu cáo chế độ mà trực tiếp là hệ thống chính trị cơ sở và cán bộ địa phương "ức hiếp/phân biệt đối xử với những người theo đạo và người dân tộc", "bóp nghẹt/đàn áp tôn giáo", vi phạm "quyền tự do tín ngưỡng… gây tâm lý hoài nghi và suy giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính quyền. 

Thực tế là Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và tạo mọi điều kiện để các tôn giáo được hoạt động bình đẳng, người dân được quyền tự do tín ngưỡng theo qui định của Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta không ngăn cấm và chống lại các tổ chức tôn giáo cũng như sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân, mà chỉ thực hiện quản lý Nhà nước nhằm phòng và chống lại việc tuyên truyền, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Nước ta cũng không có sự "ức hiếp và phân biệt đối xử với tín đồ tôn giáo", không có "tù nhân tôn giáo" và "tù nhân lương tâm"... như các thế lực thù địch vẫn xuyên tạc, mà chúng ta chỉ kiên quyết xử lý những công dân Việt Nam, trong đó có một số tín đồ tôn giáo, người dân các dân tộc thiểu số đã vi phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước.

2.6. Vấn đề phân bố dân cư, dân tộc và sử dụng tài nguyên

Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) và thống nhất đất nước (1975), thực hiện chính sách di dân phát triển vùng kinh tế mới, Nhà nước ta đã vận động nhiều hộ gia đình người Kinh ở vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long lên vùng miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên sinh sống. Bên cạnh di dân theo kế hoạch, còn có hiện tượng di dân tự do của cả người Kinh và các dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc và vùng Trung Bộ vào các tỉnh Tây Nguyên, nhất là trong những thập kỷ 80 - 90 thế kỷ XX.

Việc di dân có tổ chức và di dân tự phát trong những năm qua đã làm thay đổi sự phân bố dân cư, cơ cấu dân số và làm gia tăng mật độ dân số. Ví dụ như tại Tây Nguyên, trước năm 1975, các dân tộc tại chỗ chiếm khoảng 90% dân số thì nay chỉ còn 22%. Vấn đề này đã gây ra nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng nguồn tài nguyên thiên thiên của những địa phương tiếp nhận dân nhập cư, nhất là ngày càng gia tăng tình trạng bao chiếm, mua bán đất đai trái phép, phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật quý hiếm trái phép, buôn lậu, trộm cắp và một số loại hình tệ nạn xã hội khác. Bên cạnh vấn đề đất đai, các nguồn tài nguyên khác cũng bị chia sẻ, nhất là rừng. Trong những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng trong bảo vệ và trồng rừng, song nguồn tài nguyên này vẫn bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là rừng giàu. Điều đó dẫn tới hàng loạt các thiên tai và thảm họa môi trường như lụt lội, sụt lở đất, mất cân bằng sinh thái, thiếu đất canh tác, thiếu tài nguyên phục vụ đời sống,... Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song tựu trung đến nay có hai quan điểm chính là: 1) Do tập quán canh tác nương rẫy lạc hậu của các dân tộc tại chỗ, và quan điểm này thường là quan điểm chính thống; 2) Song cũng có ý kiến phản bác lại, cho rằng chủ yếu do khai thác quá mức của các nông - lâm trường, của dân di cư tự phát, và gần đây là của các tổ chức tư nhân được cấp phép khai thác lâm thổ sản, quan điểm này thường là của các nhà khoa học nước ngoài khi tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển hay nghiên cứu tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch đã lợi dụng những mặt tiêu cực của chính sách di dân theo kế hoạch và hiện tượng di dân tự phát để quy kết Nhà nước ta cố tình tạo ra "sự bất bình đẳng" giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là tạo điều kiện cho người Kinh và các nông - lâm trường "cướp đất của dân" bằng cách "cấp đất" hay "làm ngơ" trước hiện tượng bao chiếm nhiều đất đai, rừng núi của đồng bào dân tộc thiểu số, khiến họ thiếu đất đai sản xuất và không gian sinh tồn phải di chuyển vào rừng sâu, hoặc buộc phải bán những mảnh đất tốt của mình cho người Kinh. Bên cạnh đó, còn buộc tội những người dân mới nhập cư còn góp phần tạo ra các thiên tai, dịch bệnh và tệ nạn xã hội ngày càng nghiêm trọng, phá vỡ các yếu tố văn hoá xã hội truyền thống của họ. Đồng thời lợi dụng để kích động về nhân quyền và chủ quyền, với luận điệu người Kinh đã "xâm chiếm tài nguyên" của các dân tộc thiểu số. Do đó đề ra khẩu hiệu "đòi lại đất của người Kinh cho người Thượng" và "đuổi người Kinh về xuôi" trong các vụ biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên; còn với người Hmông thì tuyên truyền kích động phải "chủ động dành lấy đất đai để được làm chủ, có quyền cai quản các dân tộc khác và không bị các dân tộc khác coi thường, ức hiếp"… trong thời gian qua đã phản ánh rõ nét luận điệu của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước.

3. Một số cách thức, công cụ các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta

Các kết quả nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng, trong nhiều năm qua các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chỉ đạo, tài trợ, nuôi dưỡng, cử cố vấn để thành lập những tổ chức, hội, nhóm trong đó có nhiều tổ chức chính trị phản động đội lốt các tổ chức xã hội, văn hoá, tôn giáo... của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có không ít thuộc một số dân tộc thiểu số, nhằm tập hợp những đối tượng tham gia chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền cũ, trí thức và người có tư tưởng cực đoan, bất mãn để làm công cụ thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”. Việc hình thành những tổ chức này là để hợp pháp hoá hoạt động, giương cao "ngọn cờ" vì dân tộc để lôi kéo tập hợp lực ở trong và ngoài nước, tạo tư cách phát ngôn và cung cấp thông tin, gây thanh thế và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, làm bàn đạp để xâm nhập và trực tiếp thực hiện các hoạt động gây rối chống phá ta ở trong nước,... Trong đó, ngoài các tổ chức của người Kinh, còn có nhiều tổ chức của người Hmông, người Dao, người Thái, người Chăm, người Khơ-me và một số dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên. Từ các tổ chức ở nước ngoài tiến đến xâm nhập vào hoạt động trong nước dưới các hình thức đã được "địa phương hoá", "dân tộc hoá" và "tôn giáo hoá", chẳng hạn như: “Vương quốc Hmông” gắn với “Tin Lành Vàng Chứ” ở người Hmông và Tin Lành Thìn Hùng ở người Dao; “Nhà nước Đề ga” gắn với “Tin Lành Đề ga” ở Tây Nguyên; vùng Nam Bộ và Nam Trung Bộ, ngoài cái gọi là "Vương quốc Chăm", trước đây người Pháp còn dung dưỡng một số tổ chức khác của người Chăm như: “Hội Chăm - Thượng phục hưng", “Đội quân Chăm - Thượng",... Còn đối với người Khơ-me, họ triệt để thực hiện mưu đồ thành lập "Vương quốc Khơmer Krom" của người Khơ-me Tây Nam Bộ, Liên đoàn Khơmer Campuchia Krom còn đòi được thành lập "Văn phòng đại diện nhân quyền" ở Tây Nam Bộ để giám sát tình trạng nhân quyền đối với người Khơ-me. Các tổ chức này sau khi xâm nhập vào trong nước thì triệt để áp dụng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, ép buộc người dân đi theo, nhất là kích động tư tưởng ly khai tự trị, phân biệt giữa người Kinh với các tộc người thiểu số, hình thành tư tưởng hướng ngoại trông chờ vào bên ngoài, lôi kéo người dân tham gia biểu tình đấu tranh với chính quyền, kích động di cư tự do và vượt biên trái phép,...

Thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam, một số tổ chức và thế lực nước ngoài luôn triệt để lợi dụng và đẩy mạnh việc chính trị hoá, quốc tế hoá các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền nhằm gây mất ổn định xã hội, tạo cớ gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chẳng hạn như đơn phương đưa Việt Nam vào diện các nước ngăn cấm tôn giáo; kích động, hậu thuẫn cho một số tổ chức và cá nhân chống đối cực đoan là các tộc người thiểu số hay tín đồ hoạt động chống phá; lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo khi một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng bị xử lý theo pháp luật, vu cho ta "ức hiếp" và "xua đuổi" người dân tộc người thiểu số khi họ tự di cư tự do và vượt biên trái phép,... Đặc biệt, những năm gần đây họ còn tổ chức nhiều phiên điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố xuyên tạc tình hình thực tế, vu khống chính quyền Việt Nam bắt giam, ngược đãi những người bất đồng chính kiến, người dân các tộc người thiểu số, các chức sắc và tín đồ tôn giáo, ngăn cấm tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận; kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, hận thù giữa người dân các tộc người thiểu số và người Kinh; tìm cách khoét sâu vào những vấn đề dân tộc bức xúc như đất đai, phân hóa xã hội và một số hạn chế nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương. 

Các thế lực thù địch còn triệt để sử dụng các kênh thông tin, nhất là bưu chính viễn thông để chuyển tải một khối lượng lớn các thông tin và tài liệu phản động, tài liệu tôn giáo bất hợp pháp cho những tổ chức trong nước phát tán, nhằm lôi kéo người dân theo đạo, kích động tư tưởng ly khai, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để bôi nhọ chế độ và gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân. Đáng chú ý là việc sử dụng các đài phát thanh bằng tiếng dân tộc rất phù hợp với đặc điểm cư trú phân tán và cách trở ở miền núi và vùng dân tộc, như: FEBC, Veritas hay thuê và phát sóng chương trình "Tiếng nói FKK" ở Campuchia,... Trong đó, điển hình là đài FEBC bắt đầu phát sóng vào nước ta từ năm 1960, đến giữa những năm 1980 với kỹ thuật phát sóng tiên tiến và công suất lớn đã phủ sóng khắp các vùng tộc người thiểu số. Hiện nay, đài FEBC đã phát gần 30 tiếng tộc người thiểu số và tiếng Việt, dự kiến sẽ là 54 tiếng dân tộc ở nước ta trong thời gian tới. Bên cạnh đó, còn chú trọng tăng thêm thời lượng và chất lượng phát sóng, nhất là cải tiến và cập nhật nội dung, vừa phong phú và phù hợp với tâm lý từng dân tộc, vừa thông qua nghệ thuật diễn đạt tốt bằng sự phát âm chuẩn của phát thanh viên, sử dụng từ ngữ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ... để cuốn hút người nghe. Chính vì vậy, đài FEBC đã thực sự đi vào đời sống của một bộ phận người dân, nhất là các tộc người thiểu số ở vùng núi cao, vùng xa xôi, hẻo lánh. Đánh giá về hiệu quả của các đài phát thanh này, có ý kiến cho rằng: Đây là cuộc chiến không có biên giới, vách ngăn; từ trung tâm đầu não xa xôi có thể đánh thẳng vào bất kỳ nơi nào trên thế giới; cuộc chiến này có thể cùng lúc diễn ra trên diện rộng, tác động đến nhiều đối tượng trên những địa bàn hoàn toàn khác nhau. Còn một số giới chức Tin Lành đã nhận định, ở khắp nơi, hàng chục ngàn người không biết đọc, biết viết và chưa hề gặp mục sư… đã được nghe giảng Tin Lành. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động này lại rất thấp. 

Tiến hành tổ chức các hoạt động khoa học về vấn đề dân tộc, tộc người, nhất là các Hội nghị quốc tế về người Hmông, người Dao, người Thái, người Khơ-me, người Chăm,... Đặt hàng các tổ chức và nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề có thể lợi dụng, nhất là về lịch sử và tâm lý tộc người của một số tộc người thiểu số như: Vua nước, Vua lửa và "Vương quốc Se-dang" ở Tây Nguyên; "xưng vua", "đón vua" và "Vương quốc Hmông" ở Tây Bắc; nhà nước Chămpa của người Chăm ở duyên hải miền Trung hay Chân Lạp của người Khơ-me ở Nam Bộ,... Thông qua các hoạt động khoa học để thu thập thông tin một cách chính thống, tìm kiếm chứng cứ để khơi gợi, kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và ly khai tự trị ở một số tộc người. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ một số tổ chức xuất bản các ấn phẩm khoa học để công bố những thông tin theo định hướng của họ, như những tổ chức phản động người Khơ-me có các Tạp chí: Tiếng nói cộng đồng ở Campuchia, Tiếng nói Khơmer Campuchia Krom ở Mỹ,... 

Từ một vài hiện tượng riêng lẻ về vấn đề dân tộc, tộc người của một bộ phận nhỏ người dân tại một số đia phương, họ thường thổi phồng lên và qui về bản chất. Đây là một trong những đặc trưng nổi trội trong cách hành xử và luận thuyết của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, sau các vụ biểu tình và bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001 đến nay, đã xảy ra một số va chạm và mâu thuẫn giữa người Kinh với người dân các tộc người thiểu số tại chỗ, vốn chỉ là những trường hợp riêng lẻ và chủ yếu liên quan đến lợi ích cá nhân, như quyền lợi về đất đai hay tài sản,… Nhưng các thế lực thù địch dựa vào đó đã thổi phồng lên thành mâu thuẫn dân tộc, khiến "người Kinh không dám đi một mình làm nương rẫy vì sợ bị người Thượng giết", còn "người Thượng cũng không dám đi đến nơi người Kinh sinh sống vì sợ bị đánh hội đồng",… Từ đó đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng, "xã hội ở Tây Nguyên đã hỗn loạn" và kêu gọi cộng đồng quốc tế phải tiến hành các biện pháp khẩn cấp để "bảo vệ tính mạng của người dân", “bảo vệ quyền con người”,...

4. Một số giải pháp góp phần phòng, chống âm mưu lợi dụng vấn đề dâ tộc để chống phá nước ta của các thế lực thù địch

Để phòng, chống hiệu qủa việc lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta của các thế lực thù địch, trước hết chúng ta cần nhìn nhận và đặt vấn đề này trong bối cảnh mới: Toàn cầu hoá và truyền bá thông tin - công nghệ diển ra mạnh mẽ; mâu thuẫn trong quan hệ dân tộc diễn ra gay gắt ở nhiều nơi; ngày càng gia tăng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên biên giới quốc gia và không bị phụ thuộc vào chế độ chính trị; vấn đề dân tộc và tôn giáo đan xen, tác động lẫn nhau; quan hệ dân tộc, quân hệ tôn giáo không bị cản trở bởi biên giới quốc gia, lịch sử, tâm lý và văn hoá tộc người; các thế lực và tổ chức phản động trong và ngoài nước ráo riết hoạt động chống phá ta trong vấn đề dân tộc, tôn giáo;... Trong bối cảnh như vậy, công tác nghiên cứu và công tác dân tộc đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu cơ bản, tổng kết lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng hệ thống cơ sở lý luận vững chắc, giải pháp khả thi để góp phần thực hiện thành công các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời chủ động phòng, chống hiệu quả hơn những nội dung và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tộc người để chống phá nước ta.

4.1. Tập trung nghiên cứu để xây dựng hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm góp phần phản bác âm mưu chống phá nước ta của các thế lực thù địch trên lĩnh vực dân tộc, trong đó đặc biệt chú ý đến các luận thuyết về dân tộc, về phát triển và xung đột dân tộc, đa dạng bản sắc văn hoá và biến đổi văn hóa, lãnh thổ tộc người và biên giới quốc gia,...

- Thứ nhất, tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lãnh thổ tộc người và nguồn gốc lịch sử/quá trình phát triển tộc người ở nước ta, trong đó đặc biết chú ý về: Địa bàn cư trú/lãnh thổ của các tộc người; Nhà nước Phù Nam; "Nhà nước Khmer Krom"; "Nhà nước Đề ga"; “Vương quốc Hmông”;...

- Thứ hai, tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về xác định thành phần dân tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa phát triển văn hoá tộc người và xây dựng văn hóa quốc gia.

- Thứ tư, tập trung nghiên cứu về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về qui luật phát triển các tộc người và xây dựng dân tộc – quốc gia thống nhất.

- Thứ năm, tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển đổi tôn giáo, tín ngưỡng và việc hình thành các cộng đồng cố kết theo dân tộc – tôn giáo trên thế giới và ở nước ta hiện nay.

4.2. Tập trung nghiên cứu để xây dựng một cách có hệ thống và vững chắc những luận điểm, chính sách và thực tiễn về phát triển các tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Trong đó cần chú ý đến các vấn đề sau:

4.2.1. Nghiên cứu những vấn đề lý luận về tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay

* Thứ nhất, nguồn gốc lịch sử và quá trình tộc người, ý thức tộc người, cộng đồng tộc người, cộng đồng tộc người đa quốc gia, bản sắc tộc người, phân loại tộc người và xác định thành phần tộc người.

* Thứ hai, dân tộc - quốc gia, ý thức quốc gia - dân tộc, cộng đồng quốc gia - dân tộc, cộng đồng quốc gia đa tộc người, quá trình hình thành và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc.

* Thứ ba, quan hệ dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo tín ngưỡng, tài nguyên môi trường..., diễn ra trong nội bộ tộc người ở trong nước, của các tộc người ở trong nước với nhau, của các tộc người với quốc gia - dân tộc, và quan hệ liên biên giới, xuyên quốc gia của đồng tộc với nhau cũng như với những tộc người khác.

* Thứ tư, văn hóa tộc người và bản sắc văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia và bản sắc văn hóa quốc gia thể hiện trong ngôn ngữ tộc người và ngôn ngữ quốc gia, biểu tượng tộc người và biểu tượng quốc gia, luật tục của tộc người và hệ thống luật pháp cũng như thiết chế quản trị của quốc gia, triết lý về phát triển văn hóa của các tộc người và của văn hóa quốc gia - dân tộc, xây dựng nền dân chủ và bảo đảm xã hội pháp quyền,...

* Thứ năm, địa giới cư trú của tộc người và lãnh thổ quốc gia, biên giới quốc gia gắn với biên giới cứng/quyền lực cứng, biên giới mềm/quyền lực mềm/sức mạnh mềm.

* Thứ sáu, nhân quyền, chủ quyền và quyền tự quyết của các tộc người với quyền và nghĩa vụ công dân, chủ quyền quốc gia - dân tộc.

* Thứ bảy, vai trò, vị thế của các tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc, nhất là của tộc người đa số, của các tộc người ở vùng biên giới, của các tộc người liên biên giới và xuyên quốc gia.

* Thứ tám, mâu thuẫn dân tộc, xung đột tộc người, xung đột tôn giáo gắn với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, tư tưởng tự trị, ly khai và những vấn đề về đồng thuận xã hội, chủ nghĩa dân tộc chân chính và lòng yêu nước, sự trung thành của các công dân và của các tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc.

4.2.2. Nghiên cứu những vấn đề thực tiễn về tộc người trong xây dựng cng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất hiện nay

* Một là, nguồn gốc lịch sử, quá trình tộc người và sự hội nhập của các tộc người vào cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam; tâm lý - ý thức tộc người và tâm lý - ý thức quốc gia - dân tộc gắn với quan hệ của các tộc người với nhau và với quốc gia - dân tộc cũng như những vấn đề đặt ra trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay. Trong đó, cần chú ý đến các tộc người, vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách vùng biên cương của nước ta trong sự so sánh với các tộc người, vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách vùng biên giới, chính sách liên biên giới và xuyên quốc gia của các nước láng giềng; đánh giá sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau của những vấn đề này và xác định các vấn đề đang đặt ra trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam.

* Hai là, những thành tựu và đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và an ninh quốc phòng của các tộc người trong tiến trình lịch sử dân tộc nói chung và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc thời kỳ đổi mới hiện nay nói riêng, gắn với đó là vai trò, vị thế của các tộc người trong quá trình xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam.

* Ba là, biến đổi văn hóa, ngôn ngữ, biểu tượng của các tộc người và những vấn đề đặt ra trong xây dựng nền văn hóa quốc gia, ngôn ngữ quốc gia, biểu tượng quốc gia Việt Nam thống nhất trong đa dạng hiện nay.  

* Bốn là, biến đổi của các định chế xã hội tộc người và những vấn đề đặt ra trong xây dựng hệ thống luật pháp, thể chế quản trị của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Năm là, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ nói chung cũng như ở các tộc người nói riêng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Sáu là, tệ nạn xã hội, tội phạm ở các tộc người trong nước, liên biên giới, xuyên quốc gia và những tác động đến phát triển bền vững các tộc người cũng như xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Bảy là, di chuyển cư và tái phân bố lại dân cư, tộc người; việc hình thành các cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; các quan hệ hôn nhân - gia đình có yếu tố nước ngoài cũng như liên biên giới, xuyên quốc gia... và vấn đề ý thức tộc người, ý thức quốc gia, quốc tịch ở nước ta hiện nay.

* Tám là, chuyển đổi sinh kế của các tộc người, tình trạng di cư sang các nước láng giềng tìm việc làm của một bộ phận người dân và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế bền vững, tăng cường ý thức quốc gia và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Chín là, các cộng đồng liên kết theo tộc người, theo tôn giáo hay liên tộc người cùng tôn giáo ở trong nước, liên biên giới, xuyên quốc gia và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Mười là, quyền quản lý và hưởng dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm không gian sinh tồn và môi trường sống của các tộc người ở nước ta và những vấn đề đặt ra trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Mười một là, những vấn đề tộc người, dân tộc các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá nước ta trên lĩnh vực dân tộc (nội dung, hình thức, luận điệu...). Trong đó, tập trung vào hai nhóm nội dung chính là: (i) Những vấn đề lịch sử tộc người, nguồn gốc tộc người và quan hệ dân tộc; (ii) Các vấn đề trong hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc gắn với những hạn chế của hệ thống chính trị và các yếu kém của đội ngũ cán bộ. Đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng các tổ chức phản động của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là của các dân tộc thiểu số. Các phương thức và công cụ chúng sử dụng để chống phá chúng ta. Nội dung và hình thức ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với những tổ chức và hoạt động của các tổ chức phản động của người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

4.2.3. Nghiên cứu những vấn đề về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay

* Thứ nhất, nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ của chính sách dân tộc trong tổng thể hệ thống chính sách quốc gia và trong bối cảnh quốc gia đa tộc người Việt Nam. Trong đó, cần xác định rõ: chính sách dân tộc là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách quốc gia nhưng có vị trí độc lập hay là một phần của chính sách phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu và nhiệm vụ cốt lõi là phát triển kinh tế - xã hội của một số tộc người, các vùng tộc người thiểu số hay là phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp nói chung, nhất là quan hệ của các tộc người với quốc gia - dân tộc nhằm tăng cường ý thức quốc gia, thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết dân tộc, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc thống nhất, vững mạnh, còn phát triển kinh tế - xã hội của các tộc người là những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ cốt lõi đó.

* Thứ hai, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ từ năm 1930 đến nay,  nhất là đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở đó, so sánh chính sách dân tộc hiện nay của Việt Nam với các chính sách dân tộc của những triều đại phong kiến, dưới thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ở miền Nam cũng như với chính sách dân tộc của một số quốc gia (Phương Tây và Phương Đông, Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam), đồng thời xác định những vấn đề về chính sách dân tộc và chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đang đặt ra trong xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

* Thứ ba, nghiên cứu dự báo những vấn đề đặt ra và yếu tố tác động trong hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta trong bối cảnh đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay. Trên cơ sở đó, xây dựng những nhận thức mới về quan điểm, định hướng, giải pháp đổi mới công tác hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay.

4.3. Tập trung xây dựng và thực hiện thành công chính sách dân tộc, trên cơ sở đó góp phần thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, trong đó ưu tiên các nội dung sau:

- Để giải quyết vấn đề khác biệt về nguồn gốc lịch sử và quá trình phát triển của các dân tộc, chính sách dân tộc và công tác dân tộc của nước ta hiện nay một mặt cần tiếp tục chú ý bảo tồn, phát huy các bản sắc riêng của từng dân tộc, nhưng không nên đề cập hay nhấn mạnh quá mức đến sự khác biệt về nguồn gốc lịch sử, quá trình phát triển của các dân tộc, vì vấn đề này luôn gắn với tâm lý và ý thức dân tộc với tâm lý và ý thức quốc gia. Đặc biệt, chính sách cần tập trung sâu sắc hơn vào việc củng cố, tăng cường và nâng cao ý thức quốc gia, ý thức công dân Việt Nam. Phát triển những nhân tố gắn bó các dân tộc với tổ quốc và lòng tự hào dân tộc cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Chính sách cần chú ý đến những mối quan hệ và lợi ích của người dân các dân tộc liên/xuyên biên giới và chính quyền các bên liên quan cũng như sự tác động, ảnh hưởng của nó để quản lý và phát triển tốt hơn các vấn đề dân tộc và mối quan hệ dân tộc này .

- Để phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và giải quyết các vấn đề còn tồn tại hoặc mới nảy sinh, chính sách dân tộc cần chú trọng tăng cường phát triển và quản lý hiệu quả hơn các mối quan hệ dân tộc, giảm thiểu mâu thuẫn cục bộ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, đặc biệt lưu ý các mối quan hệ dân tộc mang tính chiến lược, cơ bản nhất là giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh đa số; giữa người dân các dân tộc với quốc gia Việt Nam (tức với Đảng và Nhà nước), mà cụ thể là với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước ở địa phương, vì luôn gắn bó chặt chẽ, trực tiếp với nhân dân; quan hệ dân tộc liên/xuyên biên giới liên quan đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa. Tăng cường hiệu quả và thiết thực (tránh bệnh hình thức) công tác dân vận, kết nghĩa hỗ trợ giữa các địa phương, giữa những tổ chức và doanh nghiệp với các cộng đồng dân cư, giữa các cộng đồng dân cư khác dân tộc với nhau. Khuyến khích hôn nhân hỗn hợp dân tộc để hình thành những mối quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng giữa các dân tộc, các vùng miền.

- Để giải quyết các vấn đề về sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc, vùng miền và địa phương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc cần gắn kết hơn nữa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường một cách hài hòa. Hạn chế dần sự bất bình đẳng trong phát triển và phân hóa xã hội, nhất là khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, vùng miền và bộ phận dân cư ở trong nước cũng như với đồng tộc của họ và dân tộc khác ở bên kia biên giới. Qua đó góp phần phòng chống hiệu quả những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề bất bình đẳng về phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, bộ phận dân cư để chống phá nước ta.

- Để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của người Kinh trong quá trình phát triển vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cũng như giải quyết các vấn đề tồn tại và mới nảy sinh, cùng với chính sách quản lý, phát huy các giá trị của quan hệ dân tộc tốt đẹp truyền thống giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - xã hội, cần tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền giáo dục cho người Kinh sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số ý thức tôn trọng văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của các dân tộc anh em. Đặc biệt là xây dựng và phát triển ý thức, phương thức làm ăn chính đáng, hiểu quả đảm bảo cùng có lợi giữa các dân tộc.

- Để giải quyết các vấn đề về những động thái dân số và sự tái phân bố dân cư, dân tộc, chính sách quản lý và phát triển dân số, dân cư của Nhà nước ta cần đảm bảo không để tại các địa bàn trọng yếu về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, môi trường, nhất là vùng biên giới và hải đảo, hình thành những cộng đồng người nước ngoài cùng gia đình của họ quá tập trung và cư trú lâu dài; các doanh nghiệp nước ngoài thuê diện tích đất rừng và mặt nước rộng lớn, trong thời gian quá dài; và các cộng đồng người liên kết theo dân tộc - tôn giáo. Tiến hành phân bố và củng cố các cộng đồng dân tộc, tôn giáo sinh sống xen kẽ với nhau. Khuyến khích kết hôn giữa các dân tộc để hình thành những mối quan hệ về kinh tế, xã hội, văn hóa, gia đình,... Tại những vùng biên giới, vùng trọng yếu của đất nước, cần qui hoạch các khu vực đủ rộng để xây dựng những khu chính trị, hành  chính, kinh tế, xã hội và văn hóa của Nhà nước Trung ương và chính quyền địa phương; các mô hình thanh niên lập nghiệp, các khu gia binh; các vùng kinh tế chuyên canh chất lượng cao; các khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ ổn định, phát triển để làm phên dậu cho đất nước; để người dân ở vùng biên cương không bị ly tâm ra nước ngoài mà hướng về tổ quốc Việt Nam.

- Để phát huy các giá trị và hạn chế những tác động tiêu cực của các cộng đồng dân tộc – tôn giáo liên quan tới các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa của các dân tộc và quốc gia đang diễn ra tại một số địa phương và một số tộc người, quá trình hoạch định, triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc cần chú ý đến mối quan hệ cũng như sự tác động hữu cơ của các vấn đề này ở trong và ngoài nước. Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho các dân tộc, tôn giáo phát triển bình đẳng, không để nảy sinh thêm và làm trầm trọng hơn những mẫu thuẫn cục bộ giữa những người theo và không theo tôn giáo, giữa tín đồ dân tộc thiểu số và tín đồ dân tộc đa số, giữa các tổ chức tôn giáo và tín đồ với chính quyền địa phương. Tăng cường quản lý và phát triển tốt những mối quan hệ tôn giáo giữa các dân tộc ở trong nước và liên/xuyên biên giới, nhất là không để hình thành những cộng đồng dân tộc liên kết theo tôn giáo quá tập trung và rộng lớn ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới có nhiều đồng tộc và đồng đạo cư trú liền kề. Củng cố niềm tin của các tín đồ và chức sắc tôn giáo đối với chế độ ta, thông qua việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại để khắc phục những vấn đề còn tồn tại; tranh thủ những nhân tố tích cực, thu hút các tôn giáo và tín đồ góp phần xây dựng quê hướng và bảo vệ đất nước. Tôn trọng, tranh thủ, sử dụng đội ngũ trí thức, những người có uy tín của tôn giáo và dân tộc để họ lãnh đạo, tập hợp tín đồ và người dân ủng hộ, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, đồng thời chống lại những tổ chức và hoạt động tôn giáo cực đoan.

- Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện chính sạch dân tộc và chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, cần xây dựng được một chiến lược phát triển tổng thể cho các dân tộc trên cả nước và những chính sách phát triển cụ thể trong từng lĩnh vực phù hợp cho mỗi vùng, trong đó có cả người dân tộc thiểu số và người dân tộc đa số, người tại chỗ và người mới di cư đến, người có đạo và người không theo tôn giáo đều được hưởng lợi bình đẳng. Làm như vậy, sẽ không gây ra sự phân hóa xã hội, tâm lý bất mãn, tư tưởng mặc cảm, so bì giữa các dân tộc, giữa các bộ phận dân cư.

- Để giải quyết vấn đề về thành phần dân tộc và yêu cầu luật hóa tộc danh của các dân tộc ở nước ta hiện nay cần phải luật hóa tộc danh của các dân tộc bằng một văn bản pháp qui của Quốc hội hoặc Nhà nước để sử dụng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, để có thể ban hành được văn bản này, trước hết cần giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại về tộc danh và thành phân dân tộc đang đặt ra hiện nay. Văn bản này cần được xây dựng dựa trên cơ sở các luận cứ nghiên cứu khoa học xác đáng, ý kiến đồng thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các ngành và nhất là của người dân liên quan. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay, vấn đề xác định lại thành phần dân tộc và luật hóa tộc danh ở nước ta là công việc hết sức nhạy cảm, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải xem xét, cân nhắc thận trọng không chỉ về khoa học mà còn đặt trong mối quan hệ với các vấn đề liên quan khác, như: quan hệ dân tộc, chính trị, tôn giáo, ý thức dân tộc và ý thức quốc gia,... Trong thời gian trước mắt, Quốc hội hay Chính phủ có thể ban hành một văn bản mang tính pháp lý qui định và hướng dẫn việc sử dụng đúng tên tộc danh và nhóm địa phương của từng dân tộc thống nhất trên toàn quốc theo “Bản Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam” ban hành năm 1979.

- Để giải quyết vấn đề bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của các dân tộc và phát triển ngôn ngữ quốc gia hiện nay cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về mọi lĩnh vực của ngôn ngữ các dân tộc ở nước ta hiện nay, đồng thời đánh giá vai trò, ảnh hưởng của các chính sách, phương tiện thông tin và truyền thông, công tác xuất bản, chương trình giáo dục song đa ngữ... đến ngôn ngữ trước đây và hiện nay. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược tổng thể, chính sách phù hợp, giải pháp khả thi về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, trước mắt có thể đẩy mạnh hơn nữa công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy chữ viết cổ của các dân tộc, tiếng nói của một số dân tộc đang bị mất đi; đồng thời phát huy một số giá trị phù hợp của những bộ chữ mới xây dựng để phát triển giáo dục song ngữ ở các địa phương có điều kiện phù hợp, cộng đồng và người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xác định rõ vai trò, vị trí và ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc không thể thay thế của ngôn ngữ chung quốc gia, nhất là yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác xây dựng, tăng cường tính thống nhất của văn hóa quốc gia, ý thức quốc gia và khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hiện nay.    

       - Để giải quyết vấn vấn đề bản sắc văn hóa của các tộc người với xây dựng văn hóa quốc gia, chính sách bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay cần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa của các dân tộc có lợi và phù hợp cho việc xây dựng tính thống nhất của văn hóa quốc gia. Đồng thời cần củng cố, tăng cường và phát triển các giá trị chung của văn hóa quốc gia, để tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố tích cực của văn hóa nhân loại, góp phần đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lại và các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc trở thành động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc tổ quốc.

- Để giải quyết vấn đề môi trường sinh tồn của các dân tộc thiểu số hiện nay, chính sách cần phải quan tâm đúng mức đến việc qui hoạch, xây dựng và đảm bảo không gian sinh tồn cơ bản, ổn định cho người dân nói chung, nhất là các dân thiểu số. Tuy nhiên, không gian sinh tồn hay địa bàn cư trú được hiểu không đồng nghĩa với khái niệm “lãnh thổ tộc người”; việc Nhà nước và chính quyền địa phương đảm bảo không gian sinh tồn cho các cộng đồng hay dân tộc thiểu số phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.

Kết luận

Để góp phần thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và hạn chế sự chống phá nước ta trên lĩnh vực dân tộc của các thế lực thù địch, từ kết quả nghiên cứu và tình hình thực tế của đất nước hiện nay cho thấy, trong thời gian tới công tác dân tộc và nghiên cứu về dân tộc của nước ta cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định rõ trong những văn kiện của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp, đồng thời chú ý đến một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thế giới, khu vực và đất nước. Trong đó cần tập trung vào một số nội dung cốt lõi sau: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thống nhất. Chính sách dân tộc là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách quốc gia, nhiệm vụ then chốt của chính sách dân tộc là nhằm giải quyết hài hòa và phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ của các tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, để góp phần tăng cường ý thức quốc gia, tiếp tục thực hiện thành công Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh. Đảng và Nhà nước đảm bảo các tộc người được bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi quan điểm, hành vi kỳ thị dân tộc, chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách kiến tạo cơ hội, phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có và huy động sức mạnh nội lực của các tộc người, các tôn giáo nhằm phát triển tổng thể, toàn diện cho các tộc người, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tộc người ở vùng biên giới, hải đảo, những vùng có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp cần có thêm sự hỗ trợ phù hợp để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thành công hơn trong quá trình đổi mới và hội nhập cùng đất nước.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bao, Jiemin (2005), Marital Acts: Gender, Sexuality, and Identity Among the Chinese Thai Diaspora, Honolulu: University of Hawaii Press.

2. Boehm, Deborah A. (2000), Gender(ed) Migrations: Shifting Gender Subjectivities in a Transnational Mexican Community, The Center for Comparative Immigration Studies, San Diego: University of California.

3. Boehm, Deborah A. (2004), “From Both Sides”: (Trans)nationality, Citizenship, and Belonging among Mexican Immigrants to the United States, Paper presented at the Selected Papers on Refugees and Immigrants.

4. Basch, Linda, Nina, Glick Schiller, & Christina, Szanton Blanc (1994), Nations Unbound: Transnational Projects, Postcolonial Predicaments, and Deterritorialized Nation-States, Langhorne, PA: Gordon and Breach.

5. Khổng Diễn (2005), Những vấn đề bức xúc về dân tộc ở nước ta hiện nay, Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ cấp Bộ, Viện Dân tộc học, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I và tập II), NXB. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

9. Espiritu, Yen Le (2003), Home Bound: Filipino American Lives Across Cultures, Communities, and Countries, Berkeley: University of California Press.

10. Fouron, Georges E., & Nina, Glick Schiller (2002), “The Generation of Identity: Redefining the Second Generation Within a Transnational Social Field”, In Peggy Levitt and Mary C. Waters (ed.), The Changing Face of Home (pp. 168-210), New York: Russell Sage Foundation.

11. Hall, Stuart (1990), Cultural Identity and Diaspora. In Rutherford J. (ed.), Identity: Community, Culture, Difference (pp. 222-237), London: Lawrence & Wishart Limited.

12. Hall, Stuart (1995), “New Culture for Old”, In Doreen Massey and Pat Jess (ed.), A Place in the World?: Places, Cultures and Globalization (pp. 175-213), Oxford.

13. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung mới), Nxb. Hồng Đức.

14. Kearney, M. (1995), “The Local and the Global: The Anthropology of Globalization and Transnationalism”, Annual Review of Anthropology, No 24, pp. 547-565.

15. Levitt, Peggy. (2001). Introduction The Transnational Villagers (pp. 1-28). Berkeley: University of California Press.

16. Nguyễn Văn Minh (2017), “Về một số vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay và định hướng nghiên cứu, chính sách”, trong Viện Dân tộc học: Những vấn đề dân tộc và tộc người cơ bản, cấp bách ở nước ta hiện nay: Lý luận và thực tiễn Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc gia), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

17. Ong, Aihwa (1999), Flexible Citizenship: The Cultural Logics of Transnationality, Durham NC: Duke University Press.

18. Vương Xuân Tình (2014), Văn hóa với phát triển bền vững vùng biên giới Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

19. Vương Xuân Tình (2018), Quan hệ tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

20. Vương Xuân Tình (2019), Cộng đồng kiến tạo: tộc người với quốc gia - dân tộc trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

21. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

CÁC TIN TỨC KHÁC
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website