1. Mở đầu
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến cuối năm 2020, nước ta có 16 tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp giấy phép đăng ký hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Islam giáo, Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam tông miếu, Bà La Môn, Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Mormon, Mặc môn), Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn (được cấp đăng ký hoạt động), Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 40 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành (thuộc 16 tôn giáo nói trên) được nhà nước công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động.
Ngoài các tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã được cấp đăng ký hoạt động hoặc công nhận, ở Việt Nam còn có rất nhiều các tôn giáo chưa được công nhận, trong đó có nhiều loại hình tôn giáo mới: như Thanh Hải Vô thượng sư, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Pháp môn Diệu Âm, Nhất quán đạo, Phật đường Huỳnh đạo, v.v.. Trong số các hiện tượng tôn giáo mới, có một số hiện tượng hoạt động không ổn định, dễ bị lợi dụng, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước.
Về cơ bản, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoạt động ổn định, hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ của tôn giáo mình, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp đang diễn ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Những vấn đề phức tạp của tôn giáo ở Việt Nam hiện nay biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau: như tranh chấp đất đai, cơ sở thờ tự; khiếu kiện, biểu tình, chống đối chính quyền, tụ tập đông người gây mất trật tự đời sống xã hội, tuyên truyền thông tin sai sự thật trên internet, kích động ly khai, v.v..
Những vấn đề này chủ yếu xuất phát từ việc lợi dụng tôn giáo của một số phần tử cực đoan trong các tôn giáo, hoặc các lực lượng thù địch từ bên ngoài tác động, lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, hoặc lợi dụng những bất cập trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội (Ô nhiễm môi trường Formosa, thu phí BOT, luật giáo dục, luật an ninh mạng, luật đặc khu…) để kích động biểu tình, chống đối. Các phần tử chống đối, tiêu cực (có thể đã ly khai khỏi các tôn giáo, tổ chức tôn giáo) liên kết lại với nhau, hoặc được các thế lực thù địch nước ngoài hỗ trợ để thành lập các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo[1] để thực hiện các mưu đồ chính trị. Chính những nhóm này là một nhân tố quan trọng gây nên những bất ổn, phức tạp trong đời sống tôn giáo nói riêng, đời sống xã hội nói chung.
2. Các tổ chức, hội, nhóm phái trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo
Qua một số nguồn thông tin, ở Việt Nam hiện có rất nhiều các tổ chức, hội, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, có những tổ chức, hội nhóm có nguồn gốc từ Công giáo, từ Phật giáo, Cao Đài, v.v… Có thể kể ra một số tổ chức, hội, nhóm sau: Hội đồng liên tôn Việt Nam; Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; Hội đồng nhân quyền Việt Nam; Hội đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Tin Lành đấng Christ Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý; Ban Đại diện Khối nhơn sanh Cao Đài; Liên hiệp Ban Trị sự Hội thánh em (Cao Đài); Nhóm bảo thủ chơn truyền (Cao Đài); Nhóm tín đồ theo Hội thánh nguyên thuỷ (Cao Đài); Hội thánh em Đại đạo Tam Kỳ phổ độ; Tin Lành Đê ga, v.v..
Trong số các tổ chức hội nhóm nêu trên thì các hội nhóm: Hội đồng liên tôn Việt Nam; Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; Hội đồng nhân quyền Việt Nam; Hội đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam do các phần tử cực đoan của một số tôn giáo lập ra. Cụ thể, Hội đồng liên tôn được thành lập vào tháng 3/2013 gồm một số cá nhân cực đoan của 5 tôn giáo: Tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam, Tin lành, Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Thành phần chủ chốt của các tổ chức này bao gồm các tu sỹ cực đoan trong các tôn giáo, các đối tượng chống đối, bị tù, các phần tử cơ hội chính trị, các phần tử phản động lưu vong ở nước ngoài, v.v...
Mục đích hoạt động của các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật
Có nhiều mục đích của các hội, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, trong đó, mục đích cao nhất là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ, lật đổ chính quyền nhân dân; chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận những thành tựu của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong hơn 35 năm đổi mới. Đồng thời, các tổ chức, hội nhóm này thường xuyên kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ nội bộ các tôn giáo, phá hoại sự ổn định, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; kích động các hoạt động chống phá gây phức tạp về an ninh, trật tự; móc nối với các tổ chức phản động bên ngoài nhằm mục đích chính trị. Bên cạnh đó, các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo luôn tận dụng mọi cơ hội để quốc tế hoá, chính trị hoá những vấn đề trong nước nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế từ đó gây sức ép với chính quyền để đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức, hội nhóm này.
Ngoài ra, các tổ chức, hội nhóm trên cũng có mục đích tập hợp lực lượng, qui tụ những phần tử cực đoan trong các tôn giáo, xây dựng tổ chức, hình thành các cơ sở, mạng lưới để khi cần là có sẵn sàng lực lượng. Mục đích của các tổ chức, nhóm phái này chính là thực hiện âm mưu, chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch.
Về nội dung và phương thức hoạt động
Nội dung
Thứ nhất, tuyên truyền phá chống Đảng, Nhà nước. Các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo thông qua nhiều hình thức khác nhau như trong các buổi thuyết pháp, thông qua mạng xã hội, thông qua những cuộc gặp gỡ với người nước ngoài, v.v.. để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, tổ chức biểu tình, tụ tập đông người, kích động bạo loạn, ly khai. Đây là một hoạt động khá phổ biến của các hội, nhóm này. Thời gian qua điển hình là các cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường của Formosa, biểu tình phản đối luật Đặc khu, luật an ninh mạng, v.v.. Ngoài ra, lợi dụng các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật cũng kích động tụ tập đông người, biểu tình, phản đối, vây bắt lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba, liên kết với các phần tử chống đối, phản động, các lực lượng ở nước ngoài. Các phần tử phản động trong các tôn giáo đã lưu vong ở nước ngoài như các phần tử trong Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài, v.v.. luôn tìm cách liên kết với các phần tử cực đoan, chống đối trong nước, cũng như các hội nhóm trái pháp luật. Các phần tử chống đối nước ngoài cũng là một nguồn cung cấp kinh phí cho các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật trong nước hoạt động.
Thứ tư, đào tạo kỹ năng tuyên truyền, chống đối, vu khống, xuyên tạc… Các tổ chức hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo thường xuyên mở các lớp đào tạo về truyền thông như quay phim, chụp ảnh và đưa tin ở các vùng miền, thường xuyên tán phát bài viết trên mạng xã hội tuyên truyền, kích động quần chúng nhân dân chống đối chính quyền…
Thứ năm, xây dựng, tập hợp lực lượng, tổ chức, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để luôn luôn sẵn sàng khi có điều kiện thuận lợi. Không chỉ lôi kéo những phần tử cực đoan, chống đối vào tổ chức, các tổ chức, hội nhóm còn lôi kéo những người thiếu hiểu biết, những người có hoàn cảnh khó khăn… vào tổ chức cũng như tham gia các hoạt động của mình, đồng thời, cài cắm lực lượng vào các tôn giáo, các tổ chức khác.
Phương thức hoạt động
Các tổ chức này thường lợi dụng các sự kiện chính trị lớn được dư luận và nhân dân quan tâm, nhất là những vấn đề đang khiến quần chúng nhân dân bức xúc như ô nhiễm môi trường, những vụ án tham nhũng, những hạn chế, bất cập của công tác quản lý trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, v.v.. Ngoài ra, những tổ chức này cũng lợi dụng những chính sách, pháp luật đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến: luật an ninh mạng, luật đặc khu, v.v.. để đưa ra nhiều thông tin trái chiều làm nhiễu loạn thông tin nhằm tuyên truyền, nói xấu chế độ. Khi có bất kỳ cơ hội, diễn đàn nào như Hội thảo, hội nghị, toạ đàm, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, v.v.. các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo đều tranh thủ để thực hiện các mục đích và hoạt động của mình.
Khi có một sự kiện nào đó xảy ra mà có thể lợi dụng được, các tổ chức này lập tức kêu gọi các hoạt động tuần hành, biểu tình gây phức tạp về an ninh, trật tự. Một trong những phương thức phổ biến của các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo là thường xuyên viết bài và tán phát trên mạng internet, các trang mạng xã hội, facebook cá nhân… các bài viết có nội dung nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh tụ và kích động các hoạt động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, xuyên tạc tình hình tôn giáo, xuyên tạc những thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, từ đó kêu gọi nước ngoài can thiệp vào Việt Nam, đòi xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, yêu cầu một số vấn đề về nhân quyền, tự do tôn giáo, quyền tư hữu đất đai, dân sự, chính trị và tù nhân lương tâm.
Các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo cũng thường xuyên khoét sâu vào những hạn chế, những mặt trái trong chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật để tuyên truyền với thế giới rằng Việt Nam bất ổn, nhiều hạn chế, không có tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền, v.v.. Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, khi Chính phủ đặt tính mạng, sức khoẻ người dân lên trên hết, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong đại dịch vừa qua nhưng các thế lực phản động vẫn xuyên tạc, bôi xấu Việt Nam vi phạm nhân quyền.
3. Một số nhận xét về các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo
Thứ nhất, có thể thấy, các hội nhóm, tổ chức trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo ở Việt Nam rất nhiều loại hình, quy mô, phạm vi hoạt động khác nhau. Trong bối cảnh đa dạng tôn giáo ở Việt Nam, bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, v.v.. thì sự xuất hiện của các tổ chức này là điều khó tránh khỏi, việc cần làm là ngăn chặn, phòng ngừa và có những chế tài để xử lý.
Thứ hai, các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang dang nghĩa tôn giáo ở Việt Nam xuất hiện do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân lịch sử, nguyên nhân hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, nguyên nhân từ các thế lực bên ngoài, v.v… Ở nước ta, trong bối cảnh lịch sử cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, mối quan hệ giữa Nhà nước với một số tôn giáo cũng có những bước thăng trầm nhất định, chính điều này đã trở thành một cái cớ để các thế lực thù địch khai thác. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, vấn đề tôn giáo gắn chặt với vấn đề dân tộc, việc khai thác những yếu tố nhạy cảm của tôn giáo và dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước cũng là một chủ đề mà các thế lực phản động luôn chú ý.
Thứ ba, tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, phức tạp và là tâm điểm, là mũi nhọn của chiến lược diễn biến hoà bình nên nhiều hội nhóm lấy danh nghĩa tôn giáo là cái cớ, mục đích chính là để thực hiện các mưu đồ chính trị. Do vậy, nhiều tổ chức, hội nhóm ở Việt Nam hiện nay có bản chất chính trị.
Thứ tư, các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có nhiều phương thức, hình thức hoạt động khác nhau, luôn tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện, luôn có sự chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng để hành động khi có cơ hội và điều kiện xảy đến. Hiện nay, môi trường Internet là một môi trường thuận lợi để các nhóm này liên lạc, kết nối, tập hợp lực lượng, lập chương trình, kế hoạch, cũng như tuyên truyền…
Thứ năm, có thể trong thời gian tới, các loại hình tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo ngày càng đa dạng về loại hình, cách thức tổ chức, quy mô, phương thức hoạt động, v.v.. các tổ chức này sẽ ngày càng hoạt động tinh vi hơn, linh hoạt hơn, thậm chí có thể mượn danh nghĩa của các tổ chức dân sự khác để hoạt động.
4. Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam
Thứ nhất, quan điểm sai trái thường thấy của các thế lực thù địch là xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, chính quyền Việt Nam hạn chế tôn giáo, thậm chí đàn áp tôn giáo. Những quan điểm này thường căn cứ vào việc chính quyền xử phạt các cá nhân, tổ chức tôn giáo vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự hay vi phạm trong các hoạt động tôn giáo. Đây là việc thực thi pháp luật của các cơ quan của chính quyền, nhưng các thế lực thù địch đều xuyên tạc là Việt Nam đàn áp tôn giáo. Nhiều phần tử phản động, nhiều tổ chức trái pháp luật (như đã trình bày ở trên), mang danh nghĩa tôn giáo bị xử lý vì lý do chống người thi hành công vụ, chống phá Nhà nước, v.v.. nhưng các thế lực thù địch đều quy kết đó là các hành vi ngăn cản, chống đối tôn giáo.
Trên thực tế, kể từ khi đổi mới đến nay, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Hiến pháp 1992 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của công dân, Hiến pháp 2013 quy định đó là quyền của con người, ngay cả những người đang bị tạm giam, những người bị bắt buộc vào các cơ sở giáo dưỡng, v.v.. cũng đều được đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, học tập, sinh sống cũng đều được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng từ khi đổi mới đến nay, tất cả các tôn giáo đều được tạo điều kiện phát triển tín đồ, xây dựng cơ sở thờ tự, tổ chức các hoạt động tôn giáo thuần tuý và các hoạt động tham gia vào xã hội. Các hoạt động quốc tế của các tôn giáo cũng được tạo điều kiện. Nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo mang tầm quốc tế, khu vực đã được tổ chức ở Việt Nam. Nhiều hoạt động tôn giáo thu hút hàng trăm ngàn người đều được nhà nước tạo điều kiện tổ chức.
Thứ hai, các quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên tạc ở Việt Nam không có bình đẳng tôn giáo, Nhà nước ưu ái tôn giáo này mà hạn chế hoặc khắt khe với các tôn giáo khác. Đặc biệt, nhiều quan điểm sai trái cho rằng chính quyền Việt Nam kỳ thị đối với Công giáo, Tin Lành và luôn tìm cách để ngăn cản các tôn giáo này phát triển. Trên thực tế, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn đối xử công bằng, bình đẳng đối với tất cả các tôn giáo, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tài sản của tất cả các tôn giáo đều được Nhà nước bảo hộ. Tất cả những điều này đều được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật.
Ngoài ra, các quan điểm sai trái thường tuyên truyền, phản ánh sai lạc về chính sách công nhận tư cách pháp nhân đối với các tổ chức tôn giáo. Các quan điểm này cho rằng, các tổ chức, hội nhóm chưa được công nhận tư cách pháp nhân cũng phải được đảm bảo đầy đủ các quyền như các tổ chức đã được công nhận. Về điều này, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, một tổ chức tôn giáo muốn được công nhận tư cách pháp nhân cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải có một quá trình từ khi đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho đến đăng ký hoạt động tôn giáo và đăng ký công nhận tư cách pháp nhân. Do vậy, các tổ chức, nhóm tôn giáo chưa được công nhận cần tích luỹ đủ các điều kiện, yếu tố theo quy định của pháp luật thì sẽ được đảm bảo đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, chứ hoàn toàn không có chuyện chính quyền Việt Nam ưu tiên các tôn giáo lớn, các tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân mà hạn chế các tổ chức, nhóm tôn giáo nhỏ.
Thứ ba, các quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên xuyên tạc đó là chính quyền “cướp đất” của tôn giáo. Có thể nói, vấn đề đất đai tôn giáo là một vấn đề hết sức phức tạp trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, nhiều vấn đề thuộc về lịch sử để lại, do chưa giải quyết được một cách dứt điểm nên xảy ra nhiều mâu thuẫn, phức tạp. Có những giai đoạn, các tổ chức tôn giáo đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước để phục vụ xây dựng hoặc sử dụng vào các mục đích dân sinh, công trình văn hoá, giáo dục cho cộng đồng. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, nhiều tổ chức tôn giáo do tín đồ ngày càng đông, nhu cầu hoạt động ngày càng lớn, dẫn đến đòi lại đất của Nhà nước. Tuy nhiên, đối với những đất đã hiến cho Nhà nước và đã được sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng thì không có chủ trương trả lại cho tôn giáo. Điều này đã được quy định rõ trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, có những tôn giáo vẫn khiếu kiện kéo dài, thậm chí còn gây sức ép với chính quyền, tụ tập đông người, biểu tình để đòi lại đất, gây rất nhiều phức tạp về an ninh trật tự, cũng như gây ra sự hiểu lầm rằng Nhà nước lấy đất của tôn giáo.
Ngoài ra, Luật Đất đai (2013) của Việt Nam quy định rõ, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng và sở hữu tài sản gắn liền với đất. Khi có nhu cầu thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dân sinh, an ninh quốc phòng, v.v.. thì Nhà nước có quyền thu hồi đất. Đây là chính sách rất rõ ràng của Việt Nam, tuy nhiên, khi các cơ sở tôn giáo bị thu hồi đất thì các quan điểm sai trái lại xuyên tạc là nhà nước “cướp đất” của tôn giáo. Tương tự như lĩnh vực đất đai, lĩnh vực xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự cũng nảy sinh rất nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện, tố cáo, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột kéo dài, đây là những cái cớ để các quan điểm sai trái xuyên tạc chính sách, pháp luật tôn giáo của Việt Nam. Cụ thể, việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo thực hiện theo luật xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan, tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo nhiều khi phớt lờ các quy định của pháp luật, tự ý xây dựng, sửa chữa mà không xin phép chính quyền, hoặc xin phép một đằng nhưng thực hiện một nẻo. Đến khi các cơ quan chức năng đến lập biên bản, yêu cầu dỡ bỏ… thì xảy ra mâu thuẫn, xung đột và xuyên tạc là chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…
Tạm kết
Trên đây là một số những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo, chính sách, pháp luật tôn giáo ở Việt Nam. Những quan điểm này đều hướng đến mục đích chính trị là gây mâu thuẫn, xung đột, kích động biểu tình, bạo loạn hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp, quốc tế hoá vấn đề của Việt Nam, từ đó gây sức ép đối với Việt Nam trong các hoạt động quan hệ quốc tế.
Chính xuất phát từ những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc của các thế lực đã khiến cho đời sống tôn giáo của Việt Nam luôn tồn tại những vụ việc phức tạp, thậm chí là những điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việc nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, nắm được phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch sẽ góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các quan điểm này, từ đó nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, cũng như nhận thức của chính những chức sắc, tín đồ các tôn giáo để không bị lôi kéo vào âm mưu chia rẽ, kích động của các thế lực thù địch, qua đó sẽ góp phần giải quyết tốt hơn những vụ việc phức tạp, những điểm nóng đã tồn tại từ lâu nay.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Vai trò của Truyền thông trong Kỷ nguyên Số