Ngoại giao được hiểu là hoạt động chính thức của các cơ quan quan hệ đối ngoại của nhà nước, bằng các biện pháp hoà bình, nhằm thực hiện những mục đích và nhiệm vụ đối ngoại cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước và công dân mình ở nước ngoài.
Trong di sản hệ thống tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có tư tưởng về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước lớn. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống những nguyên lý, quan điểm về các vấn đề thời đại, đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại... Trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã soi sáng chính sách đối ngoại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua. Tư tưởng này đã góp phần tích cực vào việc mở ra các mối quan hệ hoà bình, hữu hảo giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; qua đó Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, tiếp tục là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Trong tư tưởng này của Hồ Chí Minh, nổi lên một số luận điểm cơ bản sau đây:
1. Độc lập, tự chủ, tự cường trong quan hệ với các nước
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quan hệ với các nước, Việt Nam cần phải độc lập, tự chủ, tự cường. Bác Hồ đã từng nói với câu bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã thể hiện quyết tâm sẵn sàng hy sinh để thực hiện mục tiêu và khát vọng của toàn dân tộc, đó là: độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước. Trong tư tưởng ngoại giao của Người, độc lập, tự do chính là mục tiêu không thể thay đổi. Do đó, khi thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán giữ vững lập trường độc lập, tự do. Người cho rằng: “Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”; Độc lập có nghĩa là “điều khiển lấy mọi công việc, không có sự can thiệp ở ngoài vào”.
Cũng theo Hồ Chí Minh, Việt Nam cần độc lập, tự chủ, tự cường trong quan hệ ngoại giao với các nước lớn. Điều đó không có nghĩa rằng, chúng ta tự cô lập, tách rời dân tộc với thế giới. Độc lập, tự chủ, tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, phải tập hợp lực lượng để phát huy sức mạnh tổng hợp. Khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Thông qua Tuyên ngôn độc lập, Người cũng muốn tuyên bố với thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu cao quan điểm độc lập, tự chủ tự cường trong quan hệ quốc tế. Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của hai nước lớn trong khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc. Ngày 18/1/1950, Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và làm việc tại Trung Quốc. Tại đây, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Ngày 30/1/1950, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trương thực hiện chiến lược ngoại giao độc lập, tự chủ, tự cường và đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là với Liên Xô và Trung Quốc. Thông qua đó, nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được giữ vững, quan hệ đối ngoại của Việt Nam không ngừng mở rộng. Đồng thời, trên cơ sở nhất quán mục tiêu đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng mở rộng quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước lớn, Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ với các đồng minh của Mỹ, giữa phái chủ chiến với phái chủ hòa và các tập đoàn có lợi ích khác nhau trong giới cầm quyền Mỹ; tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và các lực lượng tiến bộ khác để xây dựng một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
2. Quan hệ về hoà bình và hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới
Trong ngoại giao với các nước, Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, thiện chí, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước với phương châm “thêm bạn, bớt thù”. Trước năm 1945, Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động quốc tế để tìm kiếm đồng minh cho cách mạng Việt Nam. Người đã khéo léo tận dụng mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Anh - Pháp về vấn đề thuộc địa ở Đông Dương để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao hòa bình (lúc đầu, hòa với Tưởng Giới Thạch để chống Pháp, sau đó là hòa với Pháp để đấu tranh buộc Tưởng Giới Thạch rút quân về nước). Khi Pháp xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hòa bình với Pháp trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Người đã nhiều lần nhân nhượng Pháp, kể từ Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) đến Tạm ước (19/4/1946), để giữ gìn nền hòa bình mong manh. Đối với nhân dân Pháp, Người bộc bạch: “Cả đời mình, tôi đã đấu tranh chống lại thực dân Pháp, nhưng mà tôi luôn yêu quý và khâm phục nhân dân Pháp. Đây là một dân tộc vĩ đại, thông minh và rộng lượng. Họ là những người đầu tiên đưa ra những nguyên tắc cao cả về tự do, bình đẳng và bác ái. Nhân dân Việt Nam đã và đang tiếp tục đấu tranh để thực hiện những nguyên tắc đó”. Người luôn mong muốn cộng tác với dân tộc Pháp như anh em vì nền hòa bình, tự do, bác ái.
Với Mỹ, Hồ Chí Minh luôn cố gắng thiết lập quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ, tìm mọi cách xây dựng môi trường hòa bình. Song, trước tình hình Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ hòa bình, thống nhất non sông. Trong thư gửi những người đứng đầu
70 nước, Hồ Chí Minh đã trình bày chi tiết tình hình chiến tranh ở Việt Nam và khẳng định lập trường trước sau như một với Chính phủ Mỹ. Người viết: “Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn giải quyết hoà bình, thì họ phải công nhận lập trường 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và chứng tỏ điều đó bằng việc làm thật sự; phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Năm 1967, khi tương quan lực lượng trên chiến trường Đông Dương có lợi cho Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chủ động tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm” với Mỹ, mở đầu cuộc đàm phán Paris, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có sự phân biệt rõ bạn và thù của cách mạng Việt Nam. Trong Thư gửi nhân dân Mỹ (1/1961), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù không oán. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một dân tộc đầu tiên đã phất cờ chống chủ nghĩa thực dân (1775-1783) và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn”. Với tấm lòng nhân ái, khoan dung, Hồ Chí Minh đã tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ khắp thế giới, bao gồm cả nhân dân Pháp và Mỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do và hòa bình.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã khẳng định với toàn thế giới: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình”. Trong mọi trường hợp, Hồ Chí Minh luôn đặt tư tưởng hòa bình là tư tưởng chủ đạo, chiến tranh chỉ là biện pháp cuối cùng để giữ gìn độc lập dân tộc. Với Pháp, Người mong muốn hợp tác hòa bình với dân tộc Pháp, thậm chí sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Pháp sau khi chiến tranh kết thúc. Hồ Chí Minh cũng mong muốn có quan hệ hữu nghị với Mỹ. Người cho rằng, để giữ gìn độc lập dân tộc và hòa bình của nhân loại, cần phải tăng cường quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, coi hòa bình là tiêu chí đầu tiên trong mọi cuộc đàm phán, giải quyết xung đột với các nước lớn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”. Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách để giữ gìn môi trường hòa bình, sẵn sàng đàm phán, thương lượng với Pháp, Mỹ để giải quyết vấn đề chiến tranh. Người tin rằng đàm phán trong hòa bình là “vũ khí sắc bén” để hoàn thành mục tiêu độc lập, tự do; sử dụng tư tưởng hòa bình, khoan dung với kẻ thù để kết thúc chiến tranh, hạn chế tổn thất cho các bên là điều cần thiết trong ngoại giao.
3. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
Đây là những nhân tố đặc biệt quan trọng trong ngoại giao với các nước lớn, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, không phải bao giờ yếu tố ngoại lực và nội lực cũng được nhận thức một cách đầy đủ. Sự sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức cũng dẫn đến sự trì trệ trong quá trình phát triển.
Phát huy sức mạnh nội lực trước hết là phát huy sức mạnh của tập thể, cộng đồng. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn lực nội sinh quan trọng, nó luôn được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối, chiến lược của Đảng trong chiến tranh cũng như trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Sức mạnh thời đại là những yếu tố “ngoại lực”; có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho “nội lực”, là điều kiện không thể thiếu trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải đưa phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi theo quỹ đạo cách mạng vô sản, đưa dân tộc Việt Nam hội nhập với trào lưu chung của thời đại. Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta không tách rời mà gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã trở thành quy luật của cách mạng Việt Nam, góp phần làm cho Việt Nam trở thành nước độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, sức mạnh thời đại còn bao hàm cả hòa bình. Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại khi kết hợp sẽ tạo ra nguồn lực to lớn, góp phần đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thách thức.
Trên đây là những nội dung chủ yếu trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Với tư tưởng đó, Hồ Chí Minh đã tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, nhân dân Pháp, Mỹ, những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước có ý nghĩa vô cùng to lớn. Tư tưởng này đã và đang là định hướng chính trị cho đường lối đối ngoại của Đảng ta. Việt Nam đang mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa đạng hóa, đa phương hóa các quan hệ, đặc biệt đang coi trọng hợp tác với các nước lớn (trên các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định). Chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính sách ngoại giao đúng đắn đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Vai trò của Truyền thông trong Kỷ nguyên Số