Loading ...
Công tác giáo dục
Yêu thương khỏa lấp những khó khăn
T6, 14/01/2022 - 20:01
Tại một số trường trong tuyến đảo khó khăn của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), các thầy cô không chỉ ngày ngày miệt mài trao truyền tri thức, mà còn mong muốn đem yêu thương khỏa lấp phần nào những khó khăn cho trò.

Thầy cô đã thiết kế nhiều hoạt động vui chơi, giáo dục kĩ năng sống và cùng trò lên kế hoạch hướng về một cái Tết đoàn viên, ấm no.

 

16 năm gắn bó với Bản Sen
Công tác lâu năm tại xã đảo Bản Sen, cô Phạm Thị Nga (SN 1980), Trường Tiểu học và THCS Bản Sen thấu hiểu, sẻ chia những vất vả khó khăn của dân đảo, ngày ngày cần mẫn bên bục giảng trao truyền tri thức cho học trò.
Sinh ra, lớn lên tại thôn Tân Lập, xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, cô Nga yêu đảo và có ước mơ lớn lên sẽ làm cô giáo để gắn bó, cống hiến cho quê hương. Năm 2002 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, cô về dạy môn Văn - Sử tại Trường PTCS Tân Lập (sau này trường sát nhập vào Quan Lạn).
Cô Nga kể: Đảo nghèo, học sinh không nghĩ đến đi học mà chỉ muốn theo bố mẹ đi biển, đi rừng mưu sinh. Tuy chỉ cách thị trấn Cái Rồng 30 phút chạy tàu cao tốc nhưng sự học dường như khác “một trời, một vực”. Để có trò, có lớp, cô và các đồng nghiệp phải đến tận nhà học sinh để vận động. Đi cả quãng đường rừng trắc trở, lầy lội để đến được nhà học trò, đợi cả nửa ngày không gặp được các em nhiều khi bước chân cô giáo trẻ cũng chùn lại. Nhưng với mong muốn các em có cái chữ để tương lai đảo nghèo tươi sáng hơn, cô Nga lại cố gắng.
Một ngày đầu năm học 2004 - 2005, cô đến tận nhà một nữ học sinh để vận động em đến trường. Dùng đủ mọi cách, tác động từ nhiều phía mà em không chịu đi học vì lý do “đi làm mới có tiền phụ mẹ”. Không còn cách nào khác, cô Nga đã viết tâm thư gửi trò. Đọc thư của cô giáo, nữ học trò nghèo đã hiểu ra tầm quan trọng của việc học và đồng ý cắp sách đến trường.

Cô Linh đã 15 năm làm Tổng phụ trách và 6 năm gắn bó với đảo.

 

“Đến giờ, đã định cư bên Hàn Quốc, em ấy vẫn thường xuyên gọi điện về thăm cô. Đó là kỉ niệm ngọt ngào nhất mà tôi có được trong những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho giáo dục quê nhà”, cô Nga chia sẻ.
Năm 2006, theo sự luân chuyển cán bộ, cô Nga được phân công công tác tại Trường PTCS Bản Sen (nay là Trường Tiểu học và THCS Bản Sen). Đường từ Tân Lập về xã Bản Sen không cách trở đò giang nhưng lại gập ghềnh, trơn trượt. Với tình yêu nghề cô Nga kiên trì bám trường, bám lớp. Từng ấy năm công tác tại đảo nhưng cô Nga chưa bao giờ nghĩ đến việc xin vào đất liền. Khi xây dựng gia đình, cô đã thu xếp việc nhà, đón con ra đảo cùng mẹ để tiện chăm sóc.
“Tôi vẫn nhớ như in trận lụt năm 2015, khi đó con trai đầu còn nhỏ. Để đến trường dạy, mẹ cõng con trên lưng đi bộ suốt quãng đường đất trơn trượt. Có những đoạn tưởng như sắp ngã dúi dụi nhưng sợ con đau lại cố quặp chân vào đất, víu chặt tay vào cây, dò dẫm từng bước”, cô giáo kể lại. Đến bây giờ, khi con trai lớn đã học lớp 11 và ở trong thị trấn Cái Rồng với bố, thì cô Nga lại cùng con trai thứ 2 ở nội trú tại trường để tiếp tục vừa chăm sóc con vừa thực hiện tiếp ước mơ “gieo mầm” nơi xã đảo.
Các thầy cô ra đảo công tác chủ yếu là đi “nghĩa vụ”, hết 3 năm họ trở về đất liền nhưng cô Nga lại “đi ngược xu thế”. 16 năm gắn bó với đảo, cô đem bao yêu thương, nâng niu học trò. Quá trình công tác, cô đạt được nhiều thành tích cao được ngành Giáo dục huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khen thưởng như giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nâng lương trước thời hạn một năm.
Cô Nga cho biết, cô từng hướng dẫn học sinh nghiên cứu KHKT và đoạt giả Ba cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Đó là dự án Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của Bản Sen của em Nguyễn Thành Luân (HS lớp 8, năm học 2015 - 2016). Dự án để lại ấn tượng với Ban giám khảo cuộc thi và mang tính khả thi cao khi du lịch Quảng Ninh đang cất cánh, việc khai thác được vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của Bản Sen để phát triển du lịch, làm giàu cho đảo.
So với giáo viên trong trường, cô Nga là người bám đảo lâu nhất và có nhiều năm ăn Tết tại đảo. Thông lệ, nếu không vướng dịch bệnh, các cô thường tổ chức cho học sinh các hoạt động hướng về ngày Tết cổ truyền của dân tộc như: Gói bánh chưng, làm mâm cỗ. Năm nay, cô và trò cùng lên kế hoạch thăm hỏi những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách để hướng các em đến những tình cảm, yêu thương và sự đoàn kết, sẻ chia.

Hoạt động trải nghiệm Một ngày trong quân ngũ của học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngọc Vừng.

 

Sáng tạo và cống hiến
6 năm kể từ ngày viết đơn tình nguyện ra đảo, lý do cô Tô Thị Kiều Linh (SN 1986), Trường Tiểu học và THCS Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) muốn gắn bó với đảo bởi môi trường sống tại đảo trong lành, các em học sinh ngoan ngoãn. Cô mong muốn tổ chức cho học sinh những hoạt động trải nghiệm bổ ích để rèn luyện và phát triển các kỹ năng.
Với đặc thù nhiều xã đảo khó khăn nên theo quy định “mềm” của ngành Giáo dục huyện Vân Đồn giáo viên công tác trong huyện nhà đều phải luân phiên nhau đi nghĩa vụ ngoài xã đảo, thời gian công tác là 3 năm. Quy định là thế nhưng thực tế có nhiều giáo viên tình nguyện đi đảo và gắn bó với đảo nhiều năm liền. Cô Linh là một điển hình, cô là giáo viên đi nghĩa vụ lâu nhất tại Trường Tiểu học và THCS Ngọc Vừng. Đến nay đã 6 năm, cô chưa có ý định rời đảo về đất liền.
Cô Linh chia sẻ, mình bén duyên với nghề dạy học bởi “thần tượng” ngày nhỏ của cô là một cô giáo cạnh nhà. Đó cũng là nghề mà bố cô định hướng và mong muốn con cái theo đuổi. Với tính tình cởi mở, thân thiện cô giáo trẻ được lãnh đạo nhà trường giao đảm nhiệm giáo viên Tổng phụ trách Đội. Tính đến nay, cô đã có 15 năm với cương vị giáo viên Tổng phụ trách.
Học sinh đảo nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Là giáo viên Tổng phụ trách, cô Linh đã dành nhiều thời gian cùng giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu kĩ hơn về hoàn cảnh học sinh. Cô thường xuyên gặp và động viên, nhắc nhở các em trong việc học tập, rèn luyện đạo đức. Chủ động cho các em tham gia vào các hoạt động của Đội. Trong mỗi năm học, bằng mối quan hệ của bản thân cô thường vận động tài trợ, trao các suất quà cho học sinh qua dịp lễ Tết, Trung thu.
Tại Trường Tiểu học và THCS Ngọc Vừng, cô Linh đã mang đến những hoạt động ý nghĩa cho học sinh và để lại những dấu ấn, kỉ niệm đẹp. Hoạt động cô ấn tượng nhất là Hội trại tuổi thơ, trải nghiệm Bảo vệ môi trường biển đảo và trải nghiệm Một ngày trong quân ngũ. Đây là 3 hoạt động lớn không chỉ gây được hứng thú cho các em học sinh, mà còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía phụ huynh, chính quyền địa phương và phòng GD&ĐT cho nỗ lực của một liên đội xã đảo; Là dấu ấn nổi bật của Liên đội nhà trường.
Quá trình công tác, cô Linh giành được nhiều thành tích đáng tự hào như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Giấy khen của UBND huyện; Bằng khen của UBND tỉnh. Cô được tuyên dương là Tổng phụ trách tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh; Được BCH Tỉnh đoàn Quảng Ninh, Hội đồng đội T.Ư, BCH Trung ương Đoàn tặng Bằng khen; là Huấn luyện viên cấp 1, cấp 2 Trung ương; Tổng phụ trách tiêu biểu toàn quốc.
Cô Linh chia sẻ thêm: Vào dịp Tết năm 2021 khi chúng tôi tổ chức tặng quà cho các em học sinh. Trong đó, Nguyễn Thành Long là học sinh lớp 6, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ chia tay, em ở với ông bà nội tại một ngôi nhà nhỏ, cũ kĩ phía bờ bên kia của đảo. Để đến được nhà Long, cô cùng đồng nghiệp trong trường phải chèo mủng mất 30 phút. Được sự quan tâm của nhà trường, ông bà của Long rất cảm động, bản thân em được an ủi, ấm áp trong ngày Tết và có động lực để học tập tốt.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website