Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!
Thành công, thành công, đại thành công!
Ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc, trong lời hiệu triệu “Kính cáo đồng bào” với nhận thức sau khi Pháp đã bị mất nước vào tay phát xít Đức và phát xít Nhật bị sa lầy ở Trung Hoa, nên cơ hội tự giải phóng mình lớn chưa từng thấy đã tới với hơn hai mươi triệu người Việt Nam. Người con yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã lý giải, sở dĩ trước đây nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, dù dân tộc ta đã có những tấm gương oanh liệt nổi dậy chống giặc ngoại xâm của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến… nhưng “việc lớn chưa thành”, đó không chỉ vì “cơ hội chưa chín” mà còn là vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Và vì thế, “muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT!”.
Còn tháng 8/1945, trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Bác Hồ cũng đã nhắc lại: “Bốn năm trước đây, tôi đã có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO…” Và Bác lại nhấn mạnh: “Chỉ có đoàn kết phấn đấu, nước ta mới được độc lập”. Bác nêu rõ: “Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh. ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn, mạnh mẽ…”
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân được lập nên, Bác Hồ với tư cách người đứng đầu bộ máy điều hành đất nước, lại thêm lần nữa nêu bật yếu tố đoàn kết trong tất cả những thành công của cách mạng: “Nhờ nhân dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo mà chúng ta bẻ gãy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập, tự do…”.
Và Bác đã đưa ra yêu cầu: “Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”, bởi lẽ: “Nếu không có nhân dân thì không đủ lực lượng, nếu không có Chính phủ thì không ai dẫn đường…” (trích “Thư gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện và làng”, tháng 10/1945). Trước đó, nửa tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, đăng trên báo Cứu quốc ngày 17/9/1945, Bác đã chỉ rõ nhiệm vụ đầu tiên và trên hết trong chính sách của Chính phủ là: “Củng cố sự đoàn kết toàn dân”. Và ngay từ thời điểm đó, Bác đã cảnh báo một trong những căn bệnh “to nhất” mà chính quyền ở các địa phương dễ mắc phải là “khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, tức là chỉ tin và giao việc đối với những người “đàng mình”, “không biết đem những người có danh vọng và tài cán ở địa phương vào giúp việc”…
Trong bộn bề những lo toan to lớn cho nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay từ mùa thu năm 1945, Bác Hồ không lúc nào quên nhắc tới yêu cầu đối với toàn dân tộc: Phải “đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ” và “Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ”. Bác luôn nêu bật phương châm “thật thà đoàn kết”. Nhờ thế, chúng ta đã phát huy khối đại đoàn kết dân tộc một cách chiến lược: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị” (Trích bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, 10/1/1955). Còn nhớ, trước đó, trong lời phát biểu kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951, Bác cũng nói rõ rằng, “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Và Bác cũng nhắc nhở: “Đối với các đảng phái, các đoàn thể bạn trong Mặt trận Dân tộc, thì Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ…”.
Còn trong bài viết cho tạp chí “Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội” số 2 năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng ta, Bác cũng đã tổng kết: “Đảng ta đã khéo léo tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đoàn kết dân tộc để đấu tranh chống đế quốc và phong kiến… Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng ta luôn luôn đấu tranh trên hai mặt trận chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được; đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức trong nội bộ Mặt trận…”.
Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta 50 năm năm trước, Bác Hồ cũng đã viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta…” và: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”.
Thực tế cho thấy, tư tưởng của Bác Hồ về đại đoàn kết toàn dân cho tới nay vẫn luôn luôn được toàn Đảng, toàn dân ta quán triệt sâu sắc. Bởi lẽ, đây là “một vấn đề chiến lược có ý nghĩa sống còn, lâu dài, quyết định thành bại của cách mạng, là một bộ phận hữu cơ, một tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng, phù hợp với đòi hỏi khách quan của quần chúng nhân dân muốn tự giải phóng mình. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc và những quyền lợi cơ bản, chính đáng của nhân dân. Chỉ có tin vào dân, dựa vào dân thì mới xây dựng được khối đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, cùng hướng đến một mục tiêu chung…” (trích bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Đảng tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tháng 11/2010).
Còn nhớ, cách đây đúng 5 năm, trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019, diễn ra trọng thể sáng 26/9/2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. Lúc này, chúng ta đang tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức do đây là một sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ, làm đảo lộn nhiều nếp nghĩ, nếp sống, cách làm, lại có sự chống phá quyết liệt dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta lại càng phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng…”. Và trong những lần tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa phương gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã không chỉ một lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là thắng lợi, không đoàn kết là thất bại”.
Thực tế cho thấy, đó là bài học không bao giờ cũ, không bao giờ là thiếu tính thời sự đối với tất cả chúng ta.
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TRAO ĐỔI, CHIA SẺ NGHIÊN CỨU VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- SEMINAR VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO THÍCH ỨNG CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024