Loading ...
Đoàn khốiMỗi ngày một tin tốt
Luật Thanh niên phải là “đòn bảy” để thanh niên phát triển
T5, 04/10/2018 - 15:10
Ngày 3/10/2018, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội thảo đề xuất sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì Hội thảo

Luật cần xem xét tính đặc thù của thanh niên

Luật Thanh niên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn hơn 12 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy Luật đã bộc lộ những bất cập, thiếu tính khả thi.

Trước yêu cầu cần phải xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi, TS. Nguyễn Duy Lãm, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhận định: Luật Thanh niên sửa đổi dù là Luật khung hay Luật cụ thể cũng cần sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo các quyền, nghĩa vụ của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, đồng thời cần xác định rõ vị trí, vai trò của từng loại chính sách, pháp luật trong việc phát triển thanh niên; phải tạo ra hành lang pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước với thanh niên, tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân của thanh niên.

Theo TS. Nguyễn Duy Lãm, một số quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật Thanh niên theo hướng “luật khung”, nội dung chủ yếu là những nguyên tắc cơ bản bảo đảm thực hiện chính sách thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể các yếu tố về nội dung chính sách, chủ thể thực hiện, giải pháp thực hiện… cũng là nhiệm vụ quan trọng cần được xác định rõ.
Về vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, chuyên gia của Viện Nghiên cứu thanh niên cũng cho rằng, việc xây dựng Luật Thanh niên cần theo hướng vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể để giải mã các vấn đề của thanh niên, làm rõ hơn vai trò của Luật Thanh niên trong hệ thống pháp luật.

Theo TS. Châu thì phần lớn các quốc gia khi xây dựng Luật Thanh niên, để tránh trùng lặp với các luật khác thì họ quan niệm Luật Thanh niên là “Hiến pháp” của thanh niên và là luật khung. Do đó, sửa đổi Luật Thanh niên lần này phải thiết kế để là công cụ đặc thù được hoàn thiện trên cơ sở tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Luật không nên quá “ôm đồm”

Nêu quan điểm khác với Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Luật Thanh niên cần gắn với quan niệm mới. “Đó là xem xét dưới góc độ phát triển của thanh niên. Đây là cái gốc và cái khác với Luật hiện hành”. Theo GS. Trần Ngọc Đường, Luật Thanh niên sửa đổi nên quy định những nhóm quan hệ đặc thù với thanh niên. Nhóm đầu tiên chính là Luật cần quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Ngoài những điều mà Hiến pháp và luật khác quy định thì Luật Thanh niên cần quy định những nghĩa vụ riêng có của thanh niên. “Vì đây là luật cho một đối tượng cụ thể họ có quyền và nghĩa vụ gì thì cần cụ thể. Ví dụ trong thời đại công nghệ 4.0 cần nhấn mạnh quyền lập thân, lập nghiệp của họ, rồi những quyền chính trị, kinh tế, xã hội… có những quyền đặc thù so với phần còn lại là công dân”. Nhóm thứ nữa, GS.Trần Ngọc Đường cho rằng, Luật cần quy định chính sách đặc thù của nhà nước để phát triển thanh niên trong điều kiện mới. “Tôi cho rằng, cần quy định trách nhiệm của nhà nước đối với thanh niên. Ví dụ chính sách của nhà nước trong phát triển thanh niên tài năng; thanh niên là dân tộc ít người…”, GS. Đường bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, TS. Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cho rằng nếu vẫn giữ như cách tiếp cận hiện nay thì việc sửa Luật Thanh niên sẽ “va” rất nhiều các luật khác có liên quan. Ví dụ: Nếu quy định chính sách việc làm thì sẽ “va” với Luật Việc làm, chính sách giáo dục thì sẽ “va” với Luật Giáo dục... Do vậy, Tiến sĩ Hồ Quang Huy cho rằng, trong Luật Thanh niên nếu “ôm đồm” quá nhiều chính sách thì tính khả thi sẽ không cao, khó bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đặc biệt là nếu mong muốn Luật Thanh niên là “Hiến pháp” trongg mối quan hệ với các luật khác liên quan đến thanh niên như đề xuất của Nhóm nghiên cứu thì sẽ càng không khả thi”. Đưa ví dụ về Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến một số chính sách đặc thù đối với TP.Hồ Chí Minh, TS Hồ Quang Huy mong muốn cơ quan chủ trì soạn thảo, Trung ương Đoàn Thanh niên nên lựa chọn kỹ các chính sách được xem là “đòn bẩy” để phát triển thanh niên trong giai đoạn hiện nay, đồng thời các chính sách cần cụ thể, rõ ràng để thực hiện hiệu quả, khắc phục tình trạng “quá chung” như hiện nay.

Kết luận buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa Luật Thanh niên sửa đổi, trong đó phải làm rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên; xem xét các mối quan hệ với các luật hiện hành mà thanh niên là đối tượng chịu tác động; sửa đổi theo hướng là Luật khung hay Luật cụ thể thì phải đảm bảo được tính thống nhất của pháp luật, đồng thời phải khắc phục được những khó khăn, hạn chế của Luật Thanh niên năm 2005./.

Hải Thanh - Phương Mai

http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-cac-to-chuc-chinh-tri-xh.aspx?ItemID=1408
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website