Để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch không ngừng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng sử dụng rất nhiều các hình thức, phương pháp tinh vi, trong đó có mạng xã hội.
Quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là những quan điểm sai lệch hoặc đối lập với nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam được đăng tải trên không gian mạng với mục đích gây nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các đoàn thể xã hội và cả sự hợp tác quốc tế.
1. Sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và tổ chức xã hội với các hình thức đa dạng, phong phú
Một là, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải thường xuyên bám sát các chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (khóa XII) về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cụ thể là cần thường xuyên bám sát các thông tin và định hướng của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của cấp mình gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hai là, các cơ quan trong hệ thống chính trị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm cần xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể để thực hiện nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từng cơ quan phải đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao.
Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát để chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động của các đối tượng chống phá, xuyên tạc. Rà soát thường xuyên, nắm tình hình, phát hiện các trang blog, trang facebook, trang website, các diễn đàn thường đăng tải các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, ban tuyên giáo các cấp, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh.
Năm là, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực đẩy lùi các thông tin tiêu cực. Vì vậy, cần xây dựng và tổ chức các trang thông tin chính thống có uy tín để thường xuyên cập nhật, đưa các thông tin chính xác, nhanh nhạy.
Sáu là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với nhân dân; chủ động, linh hoạt tham gia các vấn đề cụ thể của xã hội. Thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảy là, thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng, lực lượng nòng cốt chuyên sâu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội nghị rút kinh nghiệm theo hướng thiết thực, hiệu quả. Lực lượng đấu tranh nòng cốt chuyên sâu phải thường xuyên được trau dồi kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tám là, tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, ngăn chặn sớm các tin tức xấu độc trên các trang mạng xã hội. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.
Chín là, nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác với các biểu hiện của bệnh giáo điều, cơ hội, thực dụng và xét lại trên mạng xã hội ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng nhận định: “… một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”(1).
Nếu là thông tin xấu do các thế lực phản động, thù địch tấn công độc hại một thì các thông tin xấu do chính những kẻ cơ hội, bất mãn, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội sẽ nguy hại gấp nhiều lần. Bởi vậy, phải kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Lãnh đạo các cơ quan của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội cần sớm phát hiện, kịp thời giáo dục và xử lý kỷ luật thích đáng, nếu cần thiết thì đưa ra khỏi tổ chức mình cán bộ, đảng viên cơ hội, thực dụng và xét lại ở mức độ nghiêm trọng để làm trong sạch đội ngũ.
2. Phân định rõ trách nhiệm các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội
a. Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các cơ quan quản lý của Nhà nước
Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo các cấp và các cơ quan chức năng của Nhà nước như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… và chính quyền các cấp.
Một là, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Trong quá trình xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng phải luôn luôn đi đôi với chống sự phá hoại và coi nhiệm vụ xây là cơ bản, chống là cần thiết nhưng bối cảnh hiện nay phải tập trung chống nhiều hơn, quyết liệt hơn. Trung ương Đảng kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, đồng thời chỉ đạo sát sao với các cơ quan chuyên môn của Đảng như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh... có những hoạt động cụ thể, quyết liệt để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Các cấp ủy đảng đưa nội dung đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội vào chương trình, kế hoạch lãnh đạo của cấp mình và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng khắp; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong nội bộ tổ chức đảng.
Hai là, cơ quan Công an, Thông tin - Truyền thông và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở thể chế hóa, cụ thể hóa văn bản lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo việc thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội mà trọng tâm là thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tích cực thông tin chính thống bằng nhiều kênh và tăng cường đối thoại với nhân dân về những vấn đề bức xúc, nhạy cảm; chủ động, linh hoạt tham gia giải quyết các vấn đề thiết thực của xã hội.
Chính quyền các cấp thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng như thông tin truyền thông, an ninh mạng...; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội.
b. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng
Các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, các viện nghiên cứu, hệ thống trường Đảng, trường chính trị…cần huy động nguồn lực và tổ chức xây dựng lý luận sắc bén và trang bị cho các thành viên của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Từ đó, nâng cao tính tích cực phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch trên mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội.
Các cơ quan tuyên giáo các cấp phải thường xuyên tổ chức các hội nghị báo cáo viên, thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để giúp cán bộ, đảng viên có hiểu biết đầy đủ, chính xác, trung thực những vấn đề chính trị của đất nước đang diễn ra. Chỉ khi làm được như vậy mới giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn, nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, hiểu rõ tình hình trong nước và quốc tế, nhận thức rõ “đối tượng” và “đối tác” để vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.
c. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội
Các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân) tham gia tích cực trong công tác này. Các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các thành viên của tổ chức mình để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Một là, tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho các thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cán bộ chủ chốt về bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó kiên định lập trường tư tưởng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, từ sau sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, do đó, cần nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị đến đông đảo nhân dân, nhất là những người của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội để nắm chắc hơn, sâu sắc hơn những nguyên lý lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, cần nhận thức rõ những giá trị lý luận bền vững; những luận điểm lý luận đã bị lịch sử vượt qua, hoặc từng bị hiểu sai; những luận điểm lý luận không còn phù hợp với thực tế hiện nay trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân mới có niềm tin có cơ sở khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để kiên định lập trường tư tưởng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Hai là, nâng cao tính tích cực phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch đối với những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thành viên của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội. Hiện nay, các thế lực thù địch thường sử dụng các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên mạng xã hội đối với những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức tinh vi khác nhau. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội là phải giúp cho đoàn viên, hội viên hiểu về những luận điệu xuyên tạc này.
d. Trách nhiệm của các tổ chức xã hội
Các tổ chức xã hội thường xuyên bám sát định hướng của Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cho các thành viên tổ chức mình tránh bị lôi kéo, lợi dụng, mắc mưu mà vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các thế lực bất mãn, phản động truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Ngoài ra, đối với các tổ chức xã hội có chức năng, nhiệm vụ có thể có những kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp. Chẳng hạn Hội Nhà báo Việt Nam cần hướng dẫn Hội Nhà báo các cấp, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội. Tất nhiên, cần chú trọng các thông tin đấu tranh. Yêu cầu các thông tin đấu tranh phải trung thực, khách quan, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, của đất nước, mang tính đảng, tính khoa học cao. Cuộc đấu tranh này phải được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, cần huy động được rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức và nhân dân tiến bộ trên thế giới tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch với nước ta.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế
a. Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các quan điểm sai trái, thù địch chống phá trên mạng xã hội
Cơ quan chức năng cần chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá trên mạng xã hội để đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng. Kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá các nước XHCN như Lào, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba và Việt Nam...
Để nắm tình hình có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan quản lý các mạng xã hội cần sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp; thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang mạng này; khai thác thông tin trên các trang web, blog để xác định được đối tượng sở hữu, quản lý bài viết và đề xuất biện pháp kịp thời xử lý.
b. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan trong việc quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội ở Việt Nam
Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan trong việc quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram … , tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định.
c. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm với các nước có cùng chế độ chính trị về đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội
Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng, lực lượng nòng cốt chuyên sâu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội với các nước Trung Quốc, Lào, Triều Tiên, Cuba. Chẳng hạn, tháng 8 - 2019, các thế lực thù địch đã lợi dụng một số vấn đề có liên quan đến vấn đề biên giới giữa Lào và Campuchia nêu lên những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội Facebook nhằm mục đích gây ra sự hiểu lầm về quan hệ giữa Lào và Campuchia. Văn phòng Ủy ban biên giới Quốc gia của Lào (Office of the National Boundary Committee, Ministry of Foreign Affairs) đã kịp thời tổ chức họp báo ở Thủ đô Viêng Chăn để phản bác lại các quan điểm này, góp phần thuyết phục các đảng viên, nhân dân trong nước và bạn bè thế giới nắm bắt thực chất vấn đề biên giới giữa Lào và Campuchia.
Ngoài ra, cần thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý mạng xã hội của các nước tiên tiến khác trên thế giới.
d. Tập hợp rộng rãi các nhân sĩ, trí thức, Việt kiều yêu nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới tham gia phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên mạng xã hội
Các thế lực phản động đã thiết lập hàng nghìn Website, blog, tài khoản Facebook, trang Fanpage với hầu hết máy chủ đặt ở nước ngoài, tổ chức hàng trăm chiến dịch tuyên truyền, phát tán với tần suất và số lượng lớn các tin, bài bình luận, videoclip... có nội dung xấu, độc, thật, giả, trắng đen lẫn lộn, thậm chí công khai các luận điệu xuyên tạc, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ đó, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản thậm chí thù hận không chỉ một số người trong nước mà ngay cả Việt kiều và người nước ngoài, dẫn đến thiếu niềm tin vào Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần huy động, thu hút được rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức, Việt kiều yêu nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch với Đảng và Nhà nước Việt Nam thông qua đẩy mạnh thông tin đối ngoại để giúp họ hiểu rõ bản chất tốt đẹp và những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng và phát triển đất nước. Các thông tin đấu tranh phải trung thực, khách quan, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, của đất nước, mang tính đảng, tính khoa học cao với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần nâng cao cảnh giác đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội để giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự kiên định tư tưởng trong Đảng và toàn xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.185.
Tác giả: PGS,TS Trần Thị Anh Đào, Học viện Báo chí và Tuyên truyền & Đại tá, ThS Nguyễn Mậu Hạnh, E30, K02, Bộ Công an
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- ĐOÀN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ
- ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC TỌA ĐÀM HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 2024
- ĐOÀN VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Vai trò của Truyền thông trong Kỷ nguyên Số