Loading ...
Đoàn khối
Một thoáng Tân Trào – Nơi nguồn cội cách mạng
T3, 27/06/2017 - 14:06

Vừa qua, trong những ngày cuối tháng 6/2017  Ban Thường vụ Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp có một chuyến hành hương "Về nguồn" tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đầy ý nghĩa.

 

Buổi sáng ngày hè, từ TP. Hà Nội xe chúng tôi bắt đầu di chuyển trên những con đường nhỏ quanh co, dưới những tán cây xanh, qua nhiều bản nhỏ và ruộng lúa để đến với khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi có lán Nà Nưa, đình Tân Trào…mang đậm dấu ấn của những ngày tháng tám vang dậy non sông.

Đã hơn 70 năm kể từ mùa thu năm 1945, dấu vết thời gian đã hằn sâu lên những di tích nơi đây, nhưng bóng dáng của một thời oanh hùng thì vẫn luôn hiện hữu trong từng nếp nhà, từng tán cây ngọn cỏ.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ đã ở và làm việc hơn 3 tháng (từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945). Đến đây, chúng tôi gặp các bạn trẻ đang ngồi bên căn Lán Nà Nưa say sưa nghe những câu chuyện về Bác Hồ, về “Ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường...”

Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rừng xanh mát, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng tháng Tám đã được Bác Hồ soạn thảo. Theo hướng dẫn viên người Tày, bên cạnh lán Bác ở còn có 2 lán khác cũng được làm theo kiểu nhà sàn, đó là lán bảo vệ và lán điện đài (cái tên Nà Nưa, tiếng Tày có nghĩa là ruộng trên, sau bị phát âm chệch đi theo thói quen nên có tên là Nà Lừa). Từ đây có đường mòn qua đèo De đi chợ Chu - Thái Nguyên. Bác chọn ở chỗ này vì gần dân, lui tới thuận tiện, sau lưng tựa vào núi, trước là dòng suối mát quanh năm; cảnh sơn thủy hữu tình ấy rất phù hợp với phong cách của Người.

Chúng tôi thật sự xúc động khi hướng dẫn viên nhắc đến lần Bác bị bệnh “thập tử nhất sinh” trong chính căn lán nhỏ đơn sơ này. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, một chiều nọ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến báo cáo tình hình và xin thỉnh thị của Bác, không ngờ đã gặp phải Người bị bệnh nặng. Lúc đó, Bác đang ngồi tựa vào cây cột phía trong lán, mồ hôi toát ra như tắm. Đêm ấy, ông đã xin ở lại để chăm sóc Bác và đi tìm thầy thuốc giỏi chữa bệnh cho Người. Lúc cảm thấy mình quá yếu, Bác đã dặn lại đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Nhưng rất may mắn sau đó, căn bệnh của Bác đã được lương y người địa phương chữa khỏi. Căn lán Nà Nưa đã trở thành đại bản doanh của vị Tổng Tư lệnh chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo các văn kiện, chỉ thị, đề ra các chủ trương, kế hoạch làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Cũng từ căn lán đơn sơ này, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng, chỉ đạo Quốc dân Đại hội Tân Trào. Và điều diệu kỳ cũng đã đến, chỉ hơn mấy mươi ngày sau đó, Người có mặt tại Hà Nội giữa rực rỡ cờ hoa dõng dạc đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tạm biệt Nà Nưa, điểm đặt chân tiếp theo của chúng tôi là Đình Tân Trào. Nhìn từ xa, ngôi đình như được bao bọc bởi những dải lụa màu xanh thẳm của non- nước - mây - trời. Đến đây, chắc có lẽ ai cũng đều nhớ đến câu chuyện Bác Hồ bên dòng suối Khuôn Pén trong giờ phút lịch sử tại Đại hội Quốc dân cách nay hơn 60 năm. Sự kiện diễn ra vào sáng 17/8/1945, sau 1 ngày Quốc dân Đại hội được khai mạc dưới mái đình Tân Trào. Hôm đó, trời mưa, đường lầy lội nên Bác phải đi chân đất từ lán Nà Lừa tới đình. Khi tới nơi, Bác đã xuống dòng suối Khuôn Pén để rửa chân. Sau đó, Bác đi lên và đứng cạnh tảng đá phía trước cửa đình và đọc lời tuyên thệ. Vì Bác rất am hiểu phong tục tập quán của nhân dân nơi đây, hòn đá phía trước đình là nơi thường để mâm xôi để cúng tế nên Bác không đứng lên hòn đá, mà đứng cạnh đó. Nội dung của lời tuyên thệ: “Chúng tôi là người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Giọng Bác trang nghiêm, lời thề ngắn gọn, hùng hồn, thể hiện khí phách chiến đấu kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Và mái đình Tân Trào đã chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến những ngày sôi sục của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng 8 lịch sử.

Ngồi giữa ngôi đình, nghe lại câu chuyện kể mà tôi cùng Đoàn thanh niên của mình cứ hình dung mồn một trước mắt mình buổi văn nghệ mừng công trong những ngày tháng tám- mùa thu năm ấy. Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Trãi với câu thơ ấm áp ấm áp nghĩa tình “Tướng sĩ một lòng phụ tử. Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” trong “Bình Ngô đại cáo” của 700 năm về trước. Có một điểm tương đồng đặc biệt giữa 2 con người thuộc 2 thời đại khác nhau được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hoá của Việt Nam ở cái tình người chan chứa, bao la. 

Đến Tuyên Quang, chúng tôi như bắt gặp một cảm xúc lạ khi chứng kiến sự quan tâm đặc biệt mà mọi người dành cho cây đa Tân Trào. Cây đa Tân Trào, một trong những biểu tượng và là chứng nhân của lịch sử Cách mạng Tháng Tám của dân tộc, là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam. Chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.

Trong số những đoàn thanh niên về thăm Khu di tích, có những người lần đầu tiên tới đây, cũng có những người đã tới vài lần. Anh Trịnh Xuân Tùng –Chánh văn phòng Đoàn Bộ cho biết: “Đây là lần thứ ba tôi đến Tân Trào, nhưng cảm xúc vẫn xúc động như lần đầu tiên. Những câu chuyện về  Bác Hồ, về những ngày tháng làm gian khổ của quân và dân ta trong những ngày thắng Tám lịch sử khiến cho tôi rất tự hào. Như chuyện Bác từ chối việc anh bảo vệ che nắng cho Bác khi Bác đang nói chuyện với bà con ở đình Tân Trào, đơn giản vì "nhân dân nắng thì Bác cũng nắng" hay như chuyện Bác bị sốt rét rừng... Tôi đã mang những câu chuyện về mảnh đất này, kể lại cho con em mình ở quê nhà, đó là cách tôi nhắc các con tôi về đức tính khiêm tốn, giản dị, về đạo lý “uống nước nhớ  nguồn”./.

 Huyền Trang, Báo Pháp luật Việt Nam

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website