Ngay từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một xã hội mới tự do, hạnh phúc, không có áp bức, bóc lột và bất công. Trên cơ sở truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, Người đã tiếp thu, chắt lọc tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, văn hóa mácxít, từng bước xây dựng lý luận văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới mang tính cách mạng.
Hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 23/11/1945, Người đã ký ban hành Sắc lệnh số 65/SL về việc Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện. Trong đó ghi rõ: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam... Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”1. Sắc lệnh được ban hành trong những ngày đầu thành lập Nhà nước đã đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh thấu hiểu rất rõ giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa và coi việc bảo tồn là việc cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà.
Từ vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn mang tính định hướng về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc như sau:
Một là, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Ngay từ khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một xã hội tương lai, trong đó việc xây dựng một nền văn hóa mới đóng vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc. Tính chất dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hóa mới, là điều kiện để tiếp thu văn hóa nhân loại. Vì vậy, để xây dựng nền văn hóa mới phải thực hiện ba nhiệm vụ chính: Thứ nhất là củng cố, bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống của dân tộc. Thứ hai là khắc phục những thiếu hụt của văn hóa truyền thống. Và cuối cùng là tạo ra những giá trị văn hóa tương lai, hoàn thiện nhân cách, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc, đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”2. Chủ trương trên thể hiện rõ ràng quan điểm của Hồ Chí Minh về giá trị văn hóa dân tộc. Người cho rằng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin bao nhiêu thì càng phải coi trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc bấy nhiêu. Người đòi hỏi “Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hoá, chính trị của nhân dân”3. Đảng và Nhà nước không thể thờ ơ hay “bỏ trống trận địa văn hóa” và càng không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội của nước nhà. Trong Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”4. Rất nhiều bài viết, tác phẩm của Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm của Người về xóa bỏ những tàn dư tư tưởng, thói hư tật xấu do xã hội cũ để lại, xây dựng một nền văn hóa mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới, lối sống mới và đạo đức mới xã hội chủ nghĩa: “Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc”5; “Thực hành chế độ giáo dục bắt buộc, mở nhiều trường học, rạp hát, tổ chức các lớp bình dân học vụ, giúp đỡ những người nghèo mà hiếu học. Phát triển thể dục, đức dục, bãi bỏ học phí nhập học do người Pháp đặt ra”6.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, phải thẩm thấu vào toàn xã hội và đến với từng thành viên để phát huy tiềm năng sáng tạo. Người nhấn mạnh: “Phải có chính sách rõ ràng, phương châm đúng đắn, kế hoạch đầy đủ, có tổ chức, có lãnh đạo”7 và “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”8.
Hai là, tuyên truyền, giáo dục nhân dân có ý thức coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua tuyên truyền, giáo dục nhân dân về lòng yêu nước, đoàn kết, nhân ái, tinh thần tự hào, tự tôn của dân tộc, sẵn sàng hy sinh quên mình vì nước, vì dân. Những giá trị truyền thống đó là tinh hoa, là vốn quý và chính là cái làm nên hồn cốt của quốc gia, của dân tộc Việt Nam. Trong bài Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc, Người nêu rõ: “Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên đi lợi ích riêng”9.
Để nhân dân có ý thức coi trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì phải tăng cường tuyên truyền giáo dục nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, phương pháp tuyên truyền giáo dục là đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm, hành động và hướng dẫn cụ thể, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục có sức thuyết phục và hiệu quả nhất. Người nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất”10 và “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”11. Những tấm gương sáng, những hành động tiêu biểu và việc làm tốt đều rất đáng được trân trọng. Do đó tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân là việc làm thiết thực. Nhưng tuyên truyền giáo dục phải cụ thể, không được trống rỗng, không rõ mục đích. Ở bài viết Người tuyên truyền và cách tuyên truyền, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”12. Người căn dặn phải tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, phải có kế hoạch rõ ràng: “Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”13; “Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”14.
Biện pháp hiệu quả nhất, theo Hồ Chí Minh là phải nâng cao dân trí để nhân dân hiểu được quyền lợi, bổn phận, kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử, về văn hóa, phải làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, từ người già đến thế hệ trẻ, đàn ông hay đàn bà đều hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Trong bài Chống nạn thất học, Người viết: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”15. Khi dân trí được nâng cao thì các vấn đề về kinh tế, chính trị xã hội của đất nước mới được giải quyết một cách hiệu quả. Ở đâu có trình độ dân trí được nâng cao thì ở đó thực hiện tốt việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người nhấn mạnh yêu cầu: “Phải xây dựng một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Phải nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân. Phải đề xướng đạo đức công dân tức là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân”. Người khẳng định phải phát triển nền giáo dục thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội, bởi lẽ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, sự dốt nát cũng chính là kẻ địch nguy hiểm cần phải loại bỏ.
Ngoài ra, việc tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ cũng góp phần quan trọng giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân Hải Phòng, Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ: “Văn hóa dân tộc của ta, tẩy trừ văn hóa trụy lạc của đế quốc, giáo dục con em thành những công dân tốt”16. Người luôn nhắc nhở phải chăm lo đến sự nghiệp giáo dục nước nhà và khẳng định nền giáo dục mới đem lại các giá trị tinh thần tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam. Người còn lên án chính sách ngu dân của thực dân Pháp: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”17. Vì vậy, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là cần thiết. Qua đó có thể xây dựng cho thế hệ trẻ có lý tưởng, có khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà. Hướng cho các thế hệ trẻ thấy được cội nguồn tạo nên bản sắc, cốt cách và các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, phát động nhiều phong trào có ý nghĩa như “Uống nước nhớ nguồn”, “Mở rộng phong trào thi đua yêu nước”, phong trào xây dựng “Đời sống mới”... để lôi kéo, thu hút nhân dân tham gia xây dựng lối sống văn hóa, hướng người dân có những cách cư xử và hành động nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ba là, giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc phải gắn liền với loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu trong nhân dân.
Trên con đường đưa nhân dân “thoát khỏi dã man” dưới ách thực dân để vươn tới văn minh trong một đời sống mới, Hồ Chí Minh chủ trương phải kế thừa và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Theo Người, cần biết trân trọng, giữ gìn, kế thừa và phát huy những gì tốt đẹp, quý báu, đồng thời phải loại bỏ những gì lỗi thời, lạc hậu của truyền thống cũ. Người căn dặn: “Cần xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”18, cái gì tốt chúng ta nên giữ gìn, cái gì xấu thì nên loại bỏ. Phải đón nhận những cái mới nhưng phải tiếp thu có chọn lọc nhằm bổ sung những cái còn thiếu. Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Người nhấn mạnh: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra”19.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những cái xấu, cái hèn, cái ác trong con người và trong xã hội, đồng thời nêu những cái tốt, cái hay của dân tộc, nhưng quan điểm của Người nêu cái hay, cái tốt cũng phải có chừng mực, không được phóng đại cũng không nên bịa đặt. Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống thì không nên giữ nguyên xi những yếu tố cũ mà phải lựa chọn, sàng lọc những yếu tố tích cực để phù hợp với thời đại mới: “Việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh “phục cổ” một cách máy móc) và học tập văn hóa tiên tiến của các nước (trước hết là các nước bạn) cũng chưa làm được nhiều”20. Bởi đây là không phải là một việc dễ dàng, có thể giải quyết nhanh chóng, mà là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”21.
Trong tác phẩm Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ xây dựng lối sống mới phải phù hợp với điều kiện mới trên cơ sở kế thừa những tinh hoa truyền thống dân tộc. Nguyên tắc xây dựng lối sống mới, nếp sống mới là vận động tự nguyện, không áp đặt, không bắt buộc và phải phù hợp từng đối tượng. Đời sống mới không phải là cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới, cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ và cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm, cụ thể: “Sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” ; những thói cờ bạc, trộm cắp, hút sách, đánh chửi, kiện cáo nhau phải bị lên án; đồng thời phải xây dựng làng kiểu mẫu và tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu được những tiêu cực và hậu quả của những thói quen lạc hậu để nhân dân thấy được sự cần thiết phải thay đổi trong nhận thức và hành vi.
Bốn là, đối với cán bộ làm công tác văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu cán bộ văn hóa nói riêng cũng như đội ngũ cán bộ nói chung phải rèn luyện tư tưởng, có lập trường chính trị, có ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm. Cán bộ văn hóa phải ra sức học tập, học lịch sử, am hiểu văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới, phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Năng lực và phẩm chất của người cán bộ văn hóa phải qua huấn luyện, rèn luyện mà nên. Huấn luyện cán bộ văn hóa giúp cán bộ nắm được những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội, chính trị, khoa học tự nhiên để đào tạo ra đội ngũ cán bộ thực sự trở thành người có trình độ, chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao. Người còn nhắc nhở lãnh đạo cơ quan hay người phụ trách về văn hóa nên có kế hoạch mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa còn yếu kém về lịch sử, văn hóa, sắp xếp theo trình độ cao hay thấp không nên sắp xếp theo thứ bậc. Người chỉ rõ: “Những cán bộ học trong những lớp này, phải theo trình độ văn hóa cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp”23. Đồng thời Người quan tâm đến phương thức tổ chức và phương pháp đào tạo phải đảm bảo tính thiết thực, phù hợp, chu đáo phân rõ từng cấp từng trình độ. Người yêu cầu: “Mở lớp nào cho ra lớp ấy; lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận; đừng mở lớp lung tung”24. Người cũng phê phán phương thức tổ chức đào tạo thường chạy theo số lượng dẫn đến chất lượng không cao ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc không chỉ là “Kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam” mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu của Đảng và nhân dân trong việc nhận thức và giải quyết những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1998 đã xác định 10 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nhiệm vụ thứ tư là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa: “Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ rõ: “Chú trọng gìn giữ, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, tôn tạo và quản lý tốt các di sản văn hóa vật thể, các di tích lịch sử; nâng cấp các bảo tàng”25. Nối tiếp những thành tựu trong xây dựng và phát huy văn hóa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội”26. Việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ là mục tiêu phấn đấu và vươn tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống mà còn có vai trò nền tảng và là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế hiện nay.
ThS. Nguyễn Thu Giang
Phòng Kỹ thuật, Bảo vệ
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)
Chú thích:
1. Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945-1946, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.120
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.40
3, 4, 8, 12, 14, 23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.290, tr.157, tr.288, tr.191, tr.127, tr.311
5, 6, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.131, tr.138, tr.40
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.46
9. Hồ Chí Minh về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1997, tr.90
10, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.672, tr.617
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.284
13, 24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.233, tr.363
16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.504
17, 18, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.185, tr.603, tr.514
19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.557, tr.92
22. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2012, tập 3, tr.113
24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.90
25. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.208.
26. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.129.
- Kết quả thực hiện đi cơ sở theo chủ trương “1+2” của cán bộ Cơ quan chuyên trách Đoàn Khối năm 2024
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TRAO ĐỔI, CHIA SẺ NGHIÊN CỨU VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- SEMINAR VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO THÍCH ỨNG CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”
- Đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM