Loading ...
Đoàn khốiTheo dấu chân Bác
Tấm lòng của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam
T4, 23/10/2019 - 14:10
Dù bận biết bao công việc, nhưng Bác luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất khi viết về người phụ nữ.

Trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ luôn có những vai trò, đóng góp vô cùng to lớn, ghi dấu ấn không phai mờ trong từng trang sử hồng của đất nước.

Điều đó cũng được phản ánh một cách sinh động, chân thực qua những vần thơ của Bác Hồ  - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.

Dù bận biết bao công việc, nhưng Bác luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất khi viết về người phụ nữ.

Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961

Khi Bác hoạt động cách mạng ở Thái Lan, qua mọi người Bác biết có người phụ nữ tên Vượng rất thương chồng và từng bước khuyên nhủ chồng tham gia công tác xã hội.

Lúc đầu chồng không nghe, còn đòi bạo hành nhưng chị vẫn mềm dẻo, thiết tha bày tỏ lòng mình:    

"Chị khuyên bảo thiết tha khuyên bảo,

Không nghe, coi táo bạo hung hăng

Rằng em chỉ muốn anh bằng người ta

Chị kiên nhẫn bẩy ba kiên nhẫn

Làm cho anh đổi giận sang hiền

Anh nghe lời vợ anh khuyên,

Hội giao công việc anh chuyên cần làm" 

(Cô Vượng khuyên chồng, 1928).

Để khuyến khích, kêu gọi mọi người tham gia vào hội Việt Minh, Bác đã có lời kêu gọi phụ nữ, mở ra tương lai bình đẳng, bình quyền cho người phụ nữ:

“Đàn bà cũng được tự do

Bất phân nam nữ đều cho bình quyền

(Mười chính sách của Việt Minh,1941).

Bên cạnh đó, trong những bài thơ kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia các Hội yêu nước, Bác có bài thơ kêu gọi phụ nữ với tấm lòng thiết tha.

Bác nhắc lại thời hào hùng lịch sử:

“Ngàn thu rạng tiếng Bà Trưng

Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng

Bà Triệu Ẩu thật anh hùng

Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương”

(Phụ nữ, 1941).

Trong bài “Lịch sử nước ta”, Bác nhắc lại hình ảnh oai hùng của Hai Bà Trưng thuở trước:

“Hai Bà Trưng có đại tài

Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian

Ra tay khôi phục giang san

Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”

(Lịch sử nước ta, 1942).

Hình ảnh Hai Bà Trưng vẫn còn sống mãi, vẫn còn sức lay động mạnh mẽ, cổ vũ mọi người nói chung, người phụ nữ nói riêng, đứng lên tranh đấu, giành quyền sống, quyền làm người; giành lấy giang sơn, cứu lấy giống nòi…

Trong những ngày hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, bác luôn chăm lo những mầm non của quê hương, đất nước, đặc biệt là những mầm non phụ nữ.

Với một cháu bé người dân tộc, Bác dành cả tình thương của một người ông cho cháu gái của mình:

“Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

Mong cháu ra công mà học tập

Mai sau cháu giúp nước non nhà”

(Tặng cháu Nông Thị Trưng, 1944).

Nói sao hết niềm vui sướng vô biên của cháu khi nhận được món quà quý giá của Bác lúc bấy giờ.

Hẳn cháu xúc động, rơi nước mắt trước một tình cảm bao la, sâu nặng của Cha già dân tộc kính yêu…

Với đồng bào miền Nam, Bác tâm niệm rằng: “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”.

Bác dành cho đồng bào miền Nam một tình cảm hết sức đặc biệt (Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha/ Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa - Tố Hữu)…

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 đã giành được những thắng lợi to lớn. Trong đó có đóng góp công lao của bao người phụ nữ anh hùng đã nối tiếp xứng danh con cháu của Trưng, Bà Triệu khi “giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”..

Tiêu biểu là đội nữ dân quân thành phố Huế đã anh dũng chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân lịch sử.

Với vần thơ bình dị, mộc mạc, Bác đã khen tặng mười một cô gái dân quân anh hùng:                                        

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phai nát xương”.

(Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế, 1968).

Những vần thơ về người phụ nữ là những tấm lòng yêu thương của Bác dành cho người phụ nữ Việt Nam. Nói sao hết được những tình cảm của vị Lãnh tụ kính yêu dành cho dân, cho nước.

Suốt đời, theo như Bác nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc; là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập; dân ta được hoàn toàn tự do; đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành”.        

Người phụ nữ hôm nay luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Bác; luôn thực hiện bình đẳng, bình quyền; tham gia công tác xã hội; góp phần sức lực, trí tuệ vào công cuộc dựng xây đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ. 

Tài liệu tham khảo:

Thơ Hồ Chí Minh - NXB Thanh Niên - 2001

https://giaoduc.net.vn/van-hoa/tam-long-cua-bac-ho-voi-phu-nu-viet-nam-post203446.gd
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website