Loading ...
Đoàn khốiTheo dấu chân Bác
Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí theo Di chúc
T2, 11/10/2021 - 15:10
Năm tháng trôi qua, những lời dạy, lời căn dặn của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí vẫn là “nhiệm vụ cấp bách, phải giáo dục lại cán bộ, đảng viên và nhân dân chúng ta”.

Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy”, tranh sơn dầu của họa sỹ Vương Trình.

Đọc lại những dòng “về việc riêng” trong Di chúc, ta thấy thấm thía hơn về bài học thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong hoàn cảnh hiện nay.

Chỉ dành vài dòng nói “về việc riêng” của mình, Di chúc của Người đã gây xúc động mạnh mẽ hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam và sự ngưỡng mộ của triệu triệu trái tim nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách hoả táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn ruộng. Khi ta có điện thì điện táng càng tốt hơn”(1).

Những lời dặn của Người trước lúc đi xa là việc rất riêng tư, nhưng vẫn vì công việc chung của đất nước, vì tình thương yêu vô hạn với đồng bào, tất cả đang vì tiền tuyến, vì tương lai phát triển của đất nước. Đó là những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vô cùng sâu sắc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực chăm lo đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí. Là một lãnh tụ cách mạng luôn vì nước vì dân, vừa lo cho cuộc kháng chiến vừa lo cho đời sống của người dân: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. Chỉ một ngày sau khi thành lập nước, trong số những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nhấn mạnh: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện, nó đã dùng mọi thủ đoạn hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Tôi đề nghị giáo dục lại tư tưởng nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”(2).

Theo Hồ Chí Minh, thực hành cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đạo đức cách mạng, như là: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(3). Người đã chỉ ra một cách cụ thể tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? ai cần tiết kiệm? và rằng “cần với kiệm phải đi đôi với nhau”. Cần mà không kiệm thì cũng giống như một cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào chảy ra chừng ấy, không lại hoàn không”. Trên thực tế, một dân tộc, một tổ chức, đơn vị hay một gia đình biết cần, kiệm, biết liêm là một nơi giầu có về vật chất, mạnh mẽ về tinh thần; là một nơi văn minh tiến bộ. Nếu mỗi người đều gương mẫu tiết kiệm thì của cải dần dư thừa. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ sẽ bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra. Người dạy: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không cần tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”(4).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, bởi chứa đựng sự tôn trọng công sức của người dân: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”. Đi đôi với việc thực hành tiết kiệm, phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu vì theo Bác, ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của con người sáng tạo nên. Do đó, nếu làm ra được bao nhiêu lại tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không; sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống.

Tuy không trộm cắp của công như tham ô nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiêm khắc phê phán những việc làm gây ra sự lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, tiền bạc của nhân dân và nhà nước. Bác chỉ rõ nguồn gốc của việc gây ra bệnh lãng phí, đó là bệnh quan liêu. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, hoặc tính toán không cẩn thận; hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương; hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Vì thế, phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống thói họp lu bù, chống việc làm ẩu để sản phẩm làm ra không sử dụng được; chống việc liên hoan ăn uống bừa bãi. Hoang phí cũng là một tội ác bởi chính nó đã góp phần không nhỏ trong việc gây nên những tiêu cực trong xã hội.

Muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu thì cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hành trước và phải biến nó thành phong trào quần chúng rộng rãi. Trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ lần thứ 6 của Đảng, ngày 18-1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”(5).

Không chỉ dừng lại ở những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Bác còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính để toàn Đảng, toàn dân học tập noi theo.

Trong cuộc sống hàng ngày, Bác đều “không một chút riêng tư”, không giành cho mình một sự ưu đãi nào. Điều đó không chỉ thể hiện trong tác phong, lối sống mà còn thể hiện trong tác phong làm việc có kế hoạch và khoa học; trong việc sử dụng cán bộ. Từ việc ăn ở, sinh hoạt, hội nghị, tiếp khách đến việc đi công tác, thăm hỏi động viên phong trào, Bác đều thể hiện rất rõ tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí xa hoa, vì theo Bác, đó cũng là tội ác, một thứ giặc nội xâm vì nó rất dễ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, đến bệnh ích kỷ, hẹp hòi.

Năm tháng trôi qua, những lời dạy, lời căn dặn của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí vẫn là “nhiệm vụ cấp bách, phải giáo dục lại cán bộ, đảng viên và nhân dân chúng ta”. Từng tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện và “khéo tổ chức”, vì “khéo tổ chức” thì tiết kiệm được sức lực, thời giờ và vật liệu, tránh được lãng phí xa hoa, gây tốn kém tiền của của nhân dân.

Đáng tiếc, trong 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta chưa thật “khéo tổ chức” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xa hoa, để cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hình thành các nhóm lợi ích, tự tung tự tác, tham ô, lãng phí, gây thất thoát nhiều tài sản của nhân dân. Điều quan trọng là làm suy thoái đạo đức lối sống, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tham ô, lãng phí, tham nhũng đã trở thành vấn đề nhức nhối, là kẻ thù nội xâm số một của nhân dân ta hiện nay.

Để giải quyết vấn nạn này, Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, lãnh đạo  thực hiện nghiêm túc “Luật phòng chống tham nhũng” và “Luật  thực hành tiết kiệm, chống lãng phí’’ (được thông qua tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XI, ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006) và tiếp tục  sửa đổi (Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13). Sau hơn 12 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định.

Những năm gần đây, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến hết năm 2018, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức kiểm tra, hàng ngàn tổ chức cơ sở Đảng. Trong đó, đã phát hiện, xử lý và thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng, xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên. Việc xử lý “không có vùng cấm” đã đem lại hiệu quả rõ rệt, được nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã thu hồi về ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hơn 300 văn bản quản lý nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại một cách tích cực. 

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, Đảng ta quyết tâm “thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí”, coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”(6).

Đây cũng là nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Thực hiện được điều đó, không những có ý nghĩa với chúng ta hôm nay mà còn có ý nghĩa, tác dụng to lớn cho các thế hệ mai sau để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, thỏa lòng mong muốn của Người trước lúc đi xa./.

______________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15, tr. 613.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 7

(3) (4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 117, 123,16.

(6) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 25-6-2018, báo Nhân dân, ngày 25-6-2019.

Đặng Thị Minh Hảo
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

http://www.tuyengiao.vn/theo-guong-bac/thuc-hanh-tiet-kiem-chong-tham-nhung-lang-phi-theo-di-chuc-124459
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website