Tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc, được Người tích hợp, bổ sung, tiếp biến giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại, qua đó làm giàu thêm, phong phú thêm văn hóa Việt Nam. Đồng thời, bằng hoạt động ngoại giao văn hóa, Người phổ biến giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, làm cho các dân tộc trên thế giới thêm hiểu biết, cảm thông, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng nhân dân Việt Nam xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, tiến bộ và phồn vinh.
Những giá trị phổ quát của nhân loại
Nếu nhìn từ góc độ ngoại giao là hoạt động văn hóa, thì về bản chất, ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đại diện cho văn hóa của dân tộc Việt Nam trong sự giao lưu với văn hóa của các dân tộc khác. Với góc nhìn đó, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà ngoại giao lỗi lạc Hồ Chí Minh đã thể hiện mục tiêu cách mạng và tiến bộ, bởi hàm chứa các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại.
Điều đó được thể hiện rõ trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc đang thống trị thế giới, một trong những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại, (nhất là đối với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân nô dịch) đó là giá trị giải phóng. Khát vọng được giải phóng khỏi mọi trói buộc, áp bức, độc lập cho mỗi dân tộc và tự do cho mỗi con người, là khát vọng luôn cháy bỏng đối với mỗi người dân mất nước. Tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh với mục tiêu: Đấu tranh cho quyền độc lập của mỗi dân tộc, bình đẳng cho mỗi con người, giải phóng con người khỏi sự nô dịch; xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc; tôn trọng sự khác biệt trong đa dạng giữa các nền văn hóa... thể hiện sự tiến bộ và phát triển. Điều đó đồng thời lý giải, tại sao tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh luôn được cộng đồng quốc tế tán đồng và ủng hộ.
Cùng với mục tiêu đấu tranh cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, những hoạt động tích cực, tiến bộ và cụ thể, ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đồng thời còn được thể hiện qua phong cách ứng xử ngoại giao dung dị và nhân ái, uyên bác và tinh tế của Người mang đậm truyền thống văn hóa ứng xử Việt Nam. Đó là tư tưởng ngoại giao hòa bình, hữu nghị, đề cao chính nghĩa, tôn trọng đạo lý, lẽ phải; tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc. Hồ Chí Minh chủ trương ủng hộ quan hệ ngoại giao giữa các nước phải dựa vào thông lệ và pháp lý quốc tế đã được Liên hợp quốc thừa nhận, để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng.
Người luôn căn dặn, mỗi cán bộ ngoại giao phải là một đại sứ văn hóa, phải vận dụng những giá trị văn hóa ngoại giao truyền thống Việt Nam, các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, chú ý tìm ra những điểm tương đồng, nêu cao nhân nghĩa và đạo lý trong quan hệ quốc tế, để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phục vụ cách mạng.
Được nuôi dưỡng, giáo dục từ văn hóa truyền thống Việt Nam, được tiếp cận, học hỏi và chắt lọc tinh hoa văn hóa của nhiều nền văn minh trên thế giới, Hồ Chí Minh sớm tiếp thu, bồi đắp, nâng tầm và phát triển thành các giá trị mới cho phù hợp với hoàn cảnh và thời đại. Thể hiện trong quan hệ hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, quan điểm của Người là “phải bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi”. Không thể có quan hệ hợp tác bền vững, nếu không bình đẳng, nếu chỉ có một bên có lợi. Mặt khác, Người luôn nhắc nhở, trong quan hệ hợp tác quốc tế, “kết hợp hài hòa giữa lý và tình”. Nhưng “lý hay tình” cần phải được xem xét, vấn đề có là “lẽ phải” hay không. Chính vì vậy, phong cách ngoại giao của Người thể hiện rõ sự tinh túy của văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam ngày 17/1/1967
Từ tiếp thu, chọn lọc và phát triển ngoại giao văn hóa, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng đường lối và hoạt động của ngoại giao Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc và tri thức, phong cách ngoại giao hiện đại. Ngoại giao Việt Nam có sự kết hợp hài hòa giữa lý và tình, văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.
Đặc biệt, trên bàn đàm phán để đấu tranh cho công lý và lẽ phải, ngoại giao văn hóa trở thành phương tiện và là vũ khí sắc bén. Có thể thấy, sự thể hiện tư tưởng đó trong bài diễn văn đáp từ của Hồ Chí Minh tại tiệc chiêu đãi của Tổng thống Pháp Georges Bidault (năm 1946), Người nói: “Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Hòa bình là giá trị văn hóa phổ quát được thừa nhận của toàn nhân loại; hành động chiến tranh mà thực dân Pháp gây ra ở Việt Nam là hành động trái ngược với các giá trị văn hóa mà cả người Pháp và người Việt đều tôn thờ. Thông điệp của Hồ Chí Minh là: Hãy chấm dứt chiến tranh, hai dân tộc Việt - Pháp hãy xích lại gần nhau trên cây cầu hòa bình hữu nghị.
Có thể thấy, các giá trị hàm chứa “Công lý và Lẽ phải” được thể hiện trong tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh không phải là những vấn đề lý luận trừu tượng, sáo rỗng, mà được cụ thể bởi các giá trị văn hóa bất biến, (hằng số văn hóa), trong đó hòa bình, hữu nghị được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để có được một nền hòa bình thực sự và bền vững, không phải chỉ mong muốn là được. Các thế lực đế quốc không từ một thủ đoạn nào để đạt được dã tâm, bắt các dân tộc nhỏ yếu làm nô dịch. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, ngoại giao là một mặt trận, phải kiên trì đấu tranh, đấu tranh không khoan nhượng, kết hợp nhiều hình thức để đạt được kết quả.
Tư tưởng đi trước thời đại
Nhà ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh luôn lấy giá trị hòa bình, hữu nghị làm mục tiêu trong quan hệ với các dân tộc; luôn chủ trương dùng phương pháp thương lượng, đàm phán, đối thoại hòa bình để giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế.
Do đó, tư tưởng ngoại giao văn hóa hòa bình và phương pháp thương lượng, đàm phán hòa bình của Hồ Chí Minh, trở thành giá trị văn hóa phổ biến để giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay. Trên ý nghĩa đó, tư tưởng ngoại giao hòa bình của Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại. Bởi vì nói cho cùng, dù thế giới có thay đổi thế nào, thì nhu cầu về hoà bình, độc lập của các quốc gia, về quyền bình đẳng dân tộc, quyền con người của nhân dân trên thế giới vẫn không hề thay đổi. Tư tưởng ngoại giao văn hóa của Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hòa bình, ổn định lâu dài trên thế giới, vì tiến bộ của nhân loại, đã trở thành xu thế vận động và phát triển của thời đại ngày nay.
Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, trong đó các giá trị văn hóa phổ biến vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là phương tiện, nguyên tắc, phương châm, phương pháp... được Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc trong phong cách ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập suy nghĩ để tìm ra chân lý lẽ phải, là phương pháp, cách thức giải quyết, xử lý các vấn đề, xử lý tình huống một cách phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn. Người luôn xuất phát từ thực tiễn lịch sử dân tộc và thời đại làm định hướng cho mục tiêu hoạt động, trong đó lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên trên hết.
Tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện bản lĩnh của Người: Không lệ thuộc, không bắt chước, tỏ rõ tính chủ động, luôn cập nhật những vấn đề mới, đề xuất mới, phù hợp với quy luật khách quan, xu thế vận động quốc tế và yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam. Người luôn hướng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức rất phong phú, sâu rộng, độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Những đặc điểm trên hòa quyện với nhau, tạo nên tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh và nhà ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh; một trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, là nền tảng hình thành và phát triển của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, do đó, đã trở thành kim chỉ nam cho đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước ta.
Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào thực tiễn, trước hết cần phải giữ gìn bản sắc, giữ vững các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lấy đó làm nền tảng để tham gia tiến trình hội nhập, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa Việt Nam. Ngoại giao văn hóa phải được xác định làm nguồn lực quan trọng, để tạo nên “sức mạnh mềm” góp phần xứng đáng vào thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng thời tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; góp phần định hình xu thế quan hệ quốc tế hiện đại: Hòa bình - Hội nhập - Phát triển.
- Kết quả thực hiện đi cơ sở theo chủ trương “1+2” của cán bộ Cơ quan chuyên trách Đoàn Khối năm 2024
- Tọa đàm Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Tuyên truyền Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức
- TRAO ĐỔI, CHIA SẺ NGHIÊN CỨU VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
- ĐOÀN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TUYÊN TRUYỀN VÀ CẬP NHẬT KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN KẾT HỢP HỘI NGHỊ THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV
- SEMINAR VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO THÍCH ỨNG CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ HIỆN NAY
- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”
- Đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024
- ĐOÀN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM 2024
- ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP, BỘ CÔNG THƯƠNG, VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM TỔ CHỨC THAM QUAN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM