Loading ...
Đoàn khốiTheo dấu chân Bác
Vận dụng giá trị tác phẩm “Đạo đức cách mạng” vào xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên hiện nay
T4, 20/02/2019 - 10:02
Đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng nói chung, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) nói riêng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc là sự nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

60 năm sau khi Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (12-1958), những chỉ dẫn của Người vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, thiết thực góp phần phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong CB, ĐV. "Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình “tự diễn biến” theo chiều hướng suy thoái ở một số CB, ĐV. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, “tự diễn biến” đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa” từ một người đến cả một tổ chức. 

Theo đó, “tự diễn biến” ở một bộ phận CB, ĐV là những biểu hiện trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin vào nền tảng tư tưởng, vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN)… Cụ thể là: Suy giảm về nhận thức, bản lĩnh chính trị, xa rời lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời Cương lĩnh của Đảng, suy giảm về phẩm chất và năng lực của CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý... 

Trong đó, sự suy giảm của CB, ĐV về phẩm chất đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức, lối sống XHCN; sa sút về năng lực, phương pháp công tác, không còn khả năng tập hợp quần chúng quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đây cũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền.

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng”

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những nguy cơ dẫn đến thoái hóa biến chất, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ nêu ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nhận diện rõ "kẻ địch nội xâm" nguy hiểm mà còn chỉ ra một số nhiệm vụ cốt yếu:

1) “Phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng”. 

2) Chú trọng các nguyên tắc xây dựng Đảng; theo đó “chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

3) Mỗi CB, ĐV phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”.

4) Trong mọi mặt công tác, “phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. 

5) Luôn cầu thị, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”…

Theo đó, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố khối đoàn kết, kỷ luật của Đảng, chống nguy cơ suy thoái trong nội bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu CB, ĐV phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, gương mẫu trước quần chúng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và nhất là phải rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân; phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, chứ không phải là đấu nhau, “bới lông tìm vết”, “là ba phải”, “là trước mặt nói một đằng, phía sau làm một nẻo”… 

Chỉ có nêu cao tinh thần rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của người cộng sản mới giúp nhau sửa chữa tốt khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Như vậy, thì đoàn kết và thống nhất nội bộ trong Đảng mới được củng cố, tăng cường, góp phần nhân nguồn sức mạnh nội lực của Đảng.

Cũng theo lời Người, chỉ có làm được như vậy, mỗi CB, ĐV mới tự cải tạo mình, tự tiến bộ, “để khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”; để họ thực sự là những người cộng sản gương mẫu đi đầu, luôn vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh cả lợi ích của cá nhân mình.

Cùng với thời gian, luận điểm Hồ Chí Minh nêu ra: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, không chỉ phản ánh đúng thực tiễn mà còn luôn là lời cảnh tỉnh có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi CB, ĐV, với mỗi tổ chức cơ sở đảng. 

Vì vậy, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo lời dặn và những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Ðạo đức cách mạng”, để phòng và chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mỗi CB, ĐV phải nỗ lực rèn luyện, phấn đấu theo những yêu cầu sau:

Một là, thường xuyên học tập, quán triệt sâu sắc lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, mỗi CB, ĐV phải tự mình rèn luyện về phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, phương pháp và tác phong công tác, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Qua đó, tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch của mỗi người trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là sức đề kháng trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập, sự cám dỗ và lối sống thực dụng...

Hai là, trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường, phải tự giác thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”, các quy định của Ban Bí thư khóa XI và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc nêu gương của CB, ĐV… Qua đó, mỗi người hằng ngày đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: Vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, tư tưởng cánh hẩu, lợi ích nhóm... 

Ba là, nêu cao trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Nội dung rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương đạo đức cách mạng của mỗi người tùy vị trí công tác và trách nhiệm được giao phải thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy thi đua, tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực khác.

Bốn là, khắc phục tình trạng “các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát… Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu. 

Đồng thời, qua đó đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ CB, ĐV với 27 biểu hiện (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong CB, ĐV, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của CB, ĐV và nhân dân vào Đảng và chế độ.

TS VĂN THỊ THANH MAI (Ban Tuyên giáo Trung ương)

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website