Từ mối quan tâm đặc biệt của Bác
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sỹ - những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Sự quan tâm đặc biệt ấy được thể hiện từ những lời nói, những bức thư cho tới những nghĩa cử đầy xúc động Người dành cho các thương binh liệt sỹ. “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh… Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy…” - Lời Người trong bức thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” ngày 27/7/1947 đã lý giải vì sao Người mong muốn có riêng một ngày để “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, yêu mến thương binh”. Nhiều năm sau đó, cho đến tận những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, dường như trong Người luôn thường trực nỗi đau đáu: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả... Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”. Người tâm niệm “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người cũng nhấn mạnh: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc…”, “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ của Đảng ta, của dân ta… Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do…”.
Không chỉ là những lời nói. Một câu chuyện trong rất nhiều những nghĩa cử ân tình mà Bác đã dành cho các thương bệnh binh: Chuyện kể rằng, mùa hè, Bác không dùng quạt máy nhiều mà vẫn quen dùng quạt giấy, quạt lá cọ. Mấy đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Lúc này ở nước ta chưa cơ quan nào có máy điều hòa nhiệt độ. Ai cũng mừng, từ nay Bác không còn phải phe phẩy cái quạt nữa. Bác đi công tác một tuần nữa mới về, các anh phục vụ quyết định lắp máy điều hòa vào phòng Bác, khi Bác về sẽ xin phép sau. Hôm Bác về, anh em phấp phỏng, hồi hộp chờ đợi ý kiến của Bác về máy điều hòa. Ban đầu, không thấy Bác tỏ thái độ gì, anh em phục vụ nhìn nhau có vẻ yên tâm. Đến đầu giờ làm việc buổi chiều, Bác gọi anh Vũ Kỳ đến và ân cần bảo: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú đem đến trại điều dưỡng thương binh. Hôm đến thăm thấy thương binh ở nóng lắm…”.
Tới ân tình “Bữa ăn chín cũng như mười/Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh”
Chỉ chưa đầy ba tháng sau Ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Có thể coi đây là Văn bản pháp quy đầu tiên của nước Việt Nam mới về việc đền ơn, chăm sóc người có công.
Tiếp đó, vào tháng 6 cùng năm, tại Đại Từ (Bắc Thái), Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền đã họp, ra Nghị quyết thống nhất chọn 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ”. Tháng 7/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 223/CT-TW, quy định ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” của cả nước…
“Bữa ăn chín cũng như mười/Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh”. Hai câu thơ giản dị nhưng chân thành của người cán bộ cách mạng Lê Tất Đắc cũng chính là tấm chân tình đã lan tỏa rộng khắp trên dải đất hình chữ S suốt nhiều thập kỷ qua. Hàng triệu triệu người Việt vốn mang trong mình truyền thống nhân ái, nghĩa tình đã cùng nhau đồng tâm, hiệp lực trong cuộc vận động “Đền ơn, đáp nghĩa”, biết tri ân và đền đáp công lao, cống hiến của hàng triệu thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Đã có vô vàn những câu chuyện đầy cảm động xung quanh những nghĩa cử tri ân đầy ân tình ấy. Câu chuyện về người phụ nữ đã lập nên cơ sở nuôi dưỡng thương binh được coi là đầu tiên tại Việt Nam là một trong những câu chuyện như thế.
Theo nhiều tài liệu, cuối năm 1946, Phòng Thương binh thuộc Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đóng trụ sở tại gia đình bà Bá Huy (tức Nguyễn Thị Đích) thuộc thôn Bẫu Châu xã Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên). Cả trăm thương binh của Trung đoàn Thủ đô được chuyển về, chỗ ăn, chỗ ở và chữa bệnh đều gặp rất nhiều khó khăn. Chính bà Bá Huy đã hiến 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu và huy động dân làng làm 10 gian nhà bằng tre, gỗ, sắm sửa dụng cụ, tiện nghi để lập An dưỡng đường số 1. Đây chính là trại thương binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nghe báo cáo về nghĩa cử của bà đối với thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cảm kích và gửi thư khen bà Bá Huy đúng vào dịp 27/7/1947. Thư có đoạn viết: “Thưa bà. Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất, ruộng, trâu bò, thóc lúa, và tiền bạc để lập một An dưỡng đường cho thương binh. Tôi rất lấy làm vui lòng. Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và khen ngợi bà. Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các thân hào và toàn thể nam, nữ đồng bào ở vùng đó đã giúp công, đã giúp của với bà, để lập lên An dưỡng đường Bà Bá Huy”.
Từ “tấm gương” An dưỡng đường số 1, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất với Hội Liên hiệp phụ nữ thành lập các “Hội mẹ chiến sỹ”, “Hội ủng hộ thương binh”, chăm sóc giúp đỡ bộ đội, thương binh bằng tấm lòng cao cả, nhân ái của các mẹ, các chị. Tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “đón thương binh về làng” với phương châm “Bữa ăn chín cũng như mười/ Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh”. Người đề xuất hình thức đón thương binh về làng, để giúp lâu dài chứ không phải bằng cách góp gạo nuôi thương binh. Người còn chỉ ra cách làm rất linh hoạt như: mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể, đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới, tổ chức cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi để nuôi thương binh... Anh em thương binh tùy sức mà làm những công việc nhẹ như học may, đan lát, hớt tóc, làm bàn giấy... Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội.
- THẦY KHANG NUÔI ĐẾN 18 TUỔI CÁC CON THOÁT NẠN TRONG VỤ LŨ QUÉT LÀNG NỦ
- XÚC ĐỘNG BỨC TRANH LỚP 2A GỬI BẢO – CẬU BÉ LÀNG NỦ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC,HÀ NỘI
- NHỮNG BỮA TRƯA DINH DƯỠNG TẠI HƠN CHỤC ĐIỂM TRƯỜNG TỈNH HÀ GIANG
- VỤ SẠT LỞ 18 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH: TRƯỞNG THÔN CHẠY BỘ 10 KM BÁO TIN
- HÀNG TRĂM SẢN PHẨM THỦ CÔNG DO CÁC CỤ U90 TỰ TAY LÀM ĐƯỢC BÀY BÁN ĐỂ DÙNG TIỀN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BÃO LŨ
- BỮA ĂN CÓ ĐỦ THỊT, RAU CỦA HỌC SINH LÀNG NỦ SAU NHỮNG NGÀY MƯA LŨ THIẾU THỰC PHẨM
- BỮA ĂN CỦA HỌC TRÒ SAO LẠI ÍT THỊT HƠN MỌI NGÀY ?
- MỘT LỚP MẦM NON CÓ 18 BẠN THÌ 10 BẠN MẤT
- “NĂM 2022 CON CÒN ĐỦ BỐ MẸ VÀ EM GÁI.NĂM 2024 CHỈ CÒN MỘT MÌNH CON!…”
- 70 ANH EM XỨ THANH LÊN LÀO CAI SỬA XE MIỄN PHÍ CHO BÀ CON