Bé Hoàng Minh Uyên, 19 tháng tuổi, bị xơ gan giai đoạn cuối, vượt cửa tử nhờ ghép lá gan được bà ngoại hiến tặng.
Uyên sinh năm 2022, tại Đăk Lăk, được phát hiện bị teo mật bẩm sinh lúc hơn 2 tháng tuổi. Teo mật bẩm sinh là bệnh hiếm, chưa thể sàng lọc, triệu chứng lâm sàng là phân nhạt màu liên tục, vàng da tăng dần. Trẻ bị teo mật phải phẫu thuật trước ba tháng tuổi. Trường hợp không được mổ, bệnh nhi chỉ sống khoảng 2-3 năm.
Tháng 3/2023, bé vào Bệnh viện Nhi đồng 2, được chẩn đoán xơ gan mật tiến triển do teo mật bẩm sinh, tình trạng nặng. Chị Đặng Thị Thảo, 28 tuổi, mẹ bé, hoang mang bởi không có kiến thức về bệnh, không đủ điều kiện kinh tế để chữa trị cho con.
Sau cuộc phẫu thuật Kasai điều trị teo đường mật bẩm sinh, Uyên phải nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng, thường xuyên sốt cao, sưng phù tay chân, mệt nên quấy khóc cả ngày lẫn đêm, bụng chướng, thể trạng yếu ớt. Người mẹ xin chuyển con ra Bệnh viện Nhi Trung ương, cố tìm tia hy vọng cuối cùng. Các bác sĩ tại đây nói bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, vàng da, gan lách to, suy gan nặng, nguy cơ tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.
Kinh phí dự kiến 500 triệu đồng, là con số người mẹ "nằm mơ cũng không hình dung được". Từ ngày con bị bệnh, chị Thảo nghỉ làm, không có thu nhập, cũng không nhận được tiền hỗ trợ từ người chồng đã ly hôn. Tình cảnh bế tắc, người mẹ suy sụp, nhiều đêm thức trắng. Mọi người khuyên chị từ bỏ, "không có đứa này thì có đứa khác", "nhiều tiền vậy để lo đứa khác còn hơn", nhưng người mẹ quyết tâm cứu con bằng mọi giá.
Một khó khăn khác là gan của chị Thảo không tương thích với con. Kết quả xét nghiệm cho thấy gan của bà ngoại lại đủ điều kiện để ghép cho cháu. Ca mổ ghép kéo dài nhiều tiếng, diễn ra vào tháng 4. Trong khi Uyên được đưa vào phòng mổ, bà ngoại nằm ở phòng cách ly, sẵn sàng hiến gan. "Đó là khoảng thời gian dài nhất cuộc đời tôi", chị Thảo nhớ lại, thêm rằng khi ấy đã cầu nguyện vừa trấn an bản thân, vừa chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Cuối cùng, phòng mổ tắt đèn, bác sĩ bước ra thông báo ca ghép thành công, em bé vượt cửa tử.
Ghép gan là một trong kỹ thuật phức tạp nhất của chuyên ngành tiêu hóa - gan mật, mang lại cơ hội sống cho nhiều người mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Năm 2022, toàn cầu ghi nhận hơn 37.000 ca ghép, trong đó đa phần ghép từ người cho chết. Kỹ thuật ghép gan từ người cho sống phổ biến ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia cho biết phần lớn ca ghép gan ở nước ta đều từ người cho sống, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm đạt 75%, tương đương các nước.
4 tháng sau ca ghép, bé Uyên có thể vui chơi, chạy nhảy nhưng cần thời gian để sức khỏe trở lại bình thường. Bé phải tái khám định kỳ, đối mặt nguy cơ nhiễm trùng do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Chị Thảo bán căn nhà ở Đăk Lăk, chuyển về quê ở Nam Định sống để tiện thăm khám và theo dõi sức khỏe cho Uyên. Trải qua biến cố, người mẹ mong con có cuộc sống bình an, hạnh phúc.
- THẦY KHANG NUÔI ĐẾN 18 TUỔI CÁC CON THOÁT NẠN TRONG VỤ LŨ QUÉT LÀNG NỦ
- XÚC ĐỘNG BỨC TRANH LỚP 2A GỬI BẢO – CẬU BÉ LÀNG NỦ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC,HÀ NỘI
- NHỮNG BỮA TRƯA DINH DƯỠNG TẠI HƠN CHỤC ĐIỂM TRƯỜNG TỈNH HÀ GIANG
- VỤ SẠT LỞ 18 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH: TRƯỞNG THÔN CHẠY BỘ 10 KM BÁO TIN
- HÀNG TRĂM SẢN PHẨM THỦ CÔNG DO CÁC CỤ U90 TỰ TAY LÀM ĐƯỢC BÀY BÁN ĐỂ DÙNG TIỀN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BÃO LŨ
- BỮA ĂN CÓ ĐỦ THỊT, RAU CỦA HỌC SINH LÀNG NỦ SAU NHỮNG NGÀY MƯA LŨ THIẾU THỰC PHẨM
- BỮA ĂN CỦA HỌC TRÒ SAO LẠI ÍT THỊT HƠN MỌI NGÀY ?
- MỘT LỚP MẦM NON CÓ 18 BẠN THÌ 10 BẠN MẤT
- “NĂM 2022 CON CÒN ĐỦ BỐ MẸ VÀ EM GÁI.NĂM 2024 CHỈ CÒN MỘT MÌNH CON!…”
- 70 ANH EM XỨ THANH LÊN LÀO CAI SỬA XE MIỄN PHÍ CHO BÀ CON