Mỗi ngày một tin tốt
(Gương người tốt việc tốt) Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật
T5, 05/10/2023 - 09:10
13 năm công tác tại Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô Đào Thị Huế dành trọn tình yêu thương cho những học trò khuyết tật.
Đến Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng trong một ngày mùa thu, lúc đó, 16 học sinh lớp 2C - khối khuyết tật trí tuệ đang cùng cô Huế tập thể dục trong góc sân. “Nào Thái, Đạt, My… các con tập trung, để tay lên vai bạn, gióng hàng cho cô”, tiếng cô Huế nhẹ nhàng nhắc nhở học trò.
Rồi chính cô đến tận nơi học trò cầm tay các con để lên vai bạn. Nhưng, cô giáo chỉnh đến cuối hàng thì đầu hàng lại “đâu đóng đấy”. Cô Huế phân trần: “Trò lớp em là vậy chị ạ. Nhưng được ra sân vận động cũng giúp các con khoẻ khoắn, tăng khả năng tập trung, giao lưu cùng cô và các bạn”.
Sau giờ tập thể dục, cô trò về lớp cùng học về ngôi nhà hạnh phúc. Mô hình ngôi nhà được vẽ bằng phấn trắng trên nền bảng đen với các thẻ hình giúp các con tưởng tượng ra tổ ấm của mình, nơi đó có: Ông, bà, cha, mẹ và các anh, chị em. Lớp học nhỏ, khuôn viên gọn gàng với 16 học trò nhưng cô Huế luôn tay, luôn miệng phải nhắc nhở các con về nề nếp, rồi lại uốn trò ngồi yên nghe cô giảng.
Có bạn phản xạ nhanh khi cô hỏi bài nhưng dù 7-8 tuổi nói vẫn chưa tròn vành, rõ nghĩa; có bạn hiểu câu hỏi của cô nhưng không diễn đạt được thành lời và có những trò không tương tác với cô bằng ánh mắt mà chỉ bập bẹ câu trả lời vu vơ.
Tuy vậy, cô Huế vẫn ân cần cầm tay hướng dẫn cho trò, tương tác với các em bằng ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thương. Với trò, các con có thể hiểu hoặc chưa kịp hiểu lời cô giảng, nhưng đều cảm nhận được tình yêu thương, sự tận tình của cô giáo. Cô Huế như người mẹ hiền thứ 2 của các con ở trường.
Cô Huế chia sẻ, lớp cô chủ nhiệm gồm các em học sinh khuyết tật trí tuệ như: Tự kỉ, tăng động, down. Các em được phân vào lớp dựa theo tiêu chí về trình độ nhận thức, sau mới đến độ tuổi nhưng đảm bảo không chênh lệch quá nhiều. Một lớp 16 trò, thông thường sĩ số đó là quá ít, nhưng với những lớp học sinh khuyết tật lại là đông. Một lớp gồm nhiều học sinh với các dạng tật khác nhau, vì thế giáo viên khá vất vả.
Dù khó khăn, vất vả nhưng cô Huế luôn nhìn về tương lai với những suy nghĩ tích cực. Cô yêu nghề và yêu học sinh dưới mái trường mình đang công tác. Với cô, trường là ngôi nhà thứ 2, nơi ấy cô có đàn con thơ cần được nâng niu, vỗ về.
CÁC TIN TỨC KHÁC
- THẦY KHANG NUÔI ĐẾN 18 TUỔI CÁC CON THOÁT NẠN TRONG VỤ LŨ QUÉT LÀNG NỦ
- XÚC ĐỘNG BỨC TRANH LỚP 2A GỬI BẢO – CẬU BÉ LÀNG NỦ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC,HÀ NỘI
- NHỮNG BỮA TRƯA DINH DƯỠNG TẠI HƠN CHỤC ĐIỂM TRƯỜNG TỈNH HÀ GIANG
- VỤ SẠT LỞ 18 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH: TRƯỞNG THÔN CHẠY BỘ 10 KM BÁO TIN
- HÀNG TRĂM SẢN PHẨM THỦ CÔNG DO CÁC CỤ U90 TỰ TAY LÀM ĐƯỢC BÀY BÁN ĐỂ DÙNG TIỀN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BÃO LŨ
- BỮA ĂN CÓ ĐỦ THỊT, RAU CỦA HỌC SINH LÀNG NỦ SAU NHỮNG NGÀY MƯA LŨ THIẾU THỰC PHẨM
- BỮA ĂN CỦA HỌC TRÒ SAO LẠI ÍT THỊT HƠN MỌI NGÀY ?
- MỘT LỚP MẦM NON CÓ 18 BẠN THÌ 10 BẠN MẤT
- “NĂM 2022 CON CÒN ĐỦ BỐ MẸ VÀ EM GÁI.NĂM 2024 CHỈ CÒN MỘT MÌNH CON!…”
- 70 ANH EM XỨ THANH LÊN LÀO CAI SỬA XE MIỄN PHÍ CHO BÀ CON
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
VIDEO SỰ KIỆN
MUSIC
Tiện ích
Liên kết website