Từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của đất nước trong suốt 24 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đi tiên phong, nêu cao nguyên tắc đạo đức và là một tấm gương đạo đức mẫu mực sáng ngời.
Nhà báo Mỹ David Halbertam đã viết: “Hồ Chí Minh là một trong những hình tượng đặc biệt của thời đại này: ông có chất của Gandhi, Lênin nhưng rất Việt Nam. Ông Hồ là một người Việt Nam lịch lãm, khiêm nhường, nói năng nhẹ nhàng, châm biếm hài hước và luôn mặc bộ quần áo giản dị nhất, kiểu phục trang làm ông không xa lạ với những người nông dân nghèo. Càng ở cương vị cao hơn, ông càng giản dị và trong sạch hơn, dường như ông luôn luôn giữ được những giá trị trường tồn của người Việt Nam”(1).
Ảnh: Bữa cơm tại chân đèo Re (Định Hóa - Thái Nguyên, tháng 10 năm 1948) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng Lê Đức Thọ.
Thời kỳ về nước hoạt động cách mạng ở Pắc Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh phải ăn cháo bẹ, rau măng. Khi đi công tác, ngoài những đồ đạc cần thiết mang theo, Người cho làm món “thịt rang Việt Minh” theo công thức một thịt - một muối - một ớt. Như vậy, đi tới đâu, chỉ cần thổi cơm, tìm thêm rau xanh nấu canh, rồi đưa “thịt” của nhà ra ăn. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội làm việc ở Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ăn cơm gạo đỏ, muối vừng với anh em văn phòng, bảo vệ, lái xe.
Tháng 9-1945, sau khi kêu gọi đồng bào cả nước “sẻ cơm, nhường áo” để cứu giúp dân nghèo, Người cũng cương quyết gương mẫu thực hiện 10 ngày nhịn ăn 1 bữa.
Tháng 6-1946 sang thăm Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp, các đồng chí cùng đi ngạc nhiên vì giữa Paris hoa lệ mà Người vẫn giữ những thói quen bình dân như ở trong nước. Trở về nước trên chiến hạm Dumont d’Urville của Pháp trong gần một tháng, một nhân viên được cử tới phục vụ Người đã sửng sốt báo cáo với hạm trưởng rằng: Ngài Chủ tịch nói cứ để Ngài tự giặt lấy quần áo! Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi người rằng nước ta còn nghèo, nên sống giản dị, tiết kiệm là thói quen tốt, cần rèn luyện thường xuyên.
Sự giản dị, phong thái ung dung ấy của Người bắt nguồn từ một thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Nó kết hợp nhuần nhị những nét cao đẹp của tính cách truyền thống dân tộc với đạo đức cộng sản, nó có sức thu hút mạnh mẽ tình cảm tất cả mọi người.
Quay lại chiến khu Việt Bắc, suốt những năm dài kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nhà tre mái lá, lán trại với các vật dụng là bàn ghế gỗ, ống tre đựng tài liệu, máy chữ, vài cuốn sách, bút giấy, hòn đá cuội luyện gân tay... Di chuyển đến địa điểm nào, Người cũng động viên các đồng chí cùng trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ở trong Phủ toàn quyền cũ bề thế, sang trọng mà chọn cho mình ngôi nhà của một thợ điện, nơi mà mùa hè mặt sân xi-măng xung quanh khiến nhiệt độ trong nhà khá cao, rất nóng nực. Trung ương đề nghị xây nhà. Mấy năm sau, Người quyết định làm một căn nhà nhỏ như kiểu nhà đồng bào miền núi mà Người đã từng ở trong những năm kháng chiến.
Năm 1958, ngôi nhà sàn bằng gỗ dổi hoàn thành, xung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Tầng trên chỉ có những đồ dùng rất quen thuộc: chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, trên bàn để đèn, lọ hoa, chiếc máy thu thanh, cái quạt nan, mấy quyển sách. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương xứ Nghệ. Trong cái ao nhỏ trước nhà sàn, Người nuôi cá, vừa cải tạo môi trường sống trong lành, cải thiện đời sống, vừa là một cách thư dãn sau giờ làm việc.
Nhà sàn của Người tạo ra nét bình dị gần gũi với mọi người dân Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc. Không chỉ nơi ở đơn sơ, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thật giản dị. Đôi dép cao su làm từ lốp xe cũ đã góp phần tạo nên huyền thoại về một vị Chủ tịch nước dân chủ nhất thế giới như báo chí Ấn Độ từng ca ngợi. Rồi bộ quần áo lụa nâu, bộ quần áo kaki đều có vết vá. Chỉ khi đi nước ngoài, Người mới đồng ý may bộ quần áo dạ đen.
Bữa ăn thường ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Phủ Chủ tịch cũng chỉ có một bát canh, một món xào hoặc thịt luộc, cá quả hoặc cá bống kho gừng và cà dầm tương hoặc đường, ớt. Thức ăn không bao giờ để thừa và đặc biệt là sau bữa ăn, Người thường tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa trên bàn để các đồng chí phục vụ đỡ vất vả. Có lần, đồng chí phục vụ đưa lên đĩa cá anh vũ - một loại cá quý thường chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì).
Bác bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại đi vắng! Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”. Thấy Bác khen, anh em gửi tiếp cá đến nhưng thấy món cá hôm trước lại xuất hiện, Người không hài lòng: “Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến?” rồi kiên quyết không ăn nữa(2).
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh ung dung, tự tại trước ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, tháng 4 năm 1960.
Tại một phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê bình thẳng thắn: “Tôi đề nghị các vị Bộ trưởng rèn luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ. Chính phủ ta tuy đã cố gắng nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trong khi người công nhân, người nông dân, người chiến sỹ hy sinh làm tròn nhiệm vụ của mình, còn chúng ta những người lãnh đạo có khi lại làm chưa hết nhiệm vụ của mình”(3).
Chính vì vậy nên trong khoảng thời gian từ 1954-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 900 chuyến đi thực tế cơ sở. Khi đi thăm các địa phương, Người thường nhắc anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, hễ lúc nào thuận tiện thì dừng lại ăn. Người nói với anh em đi cùng: Người ta dọn ra một bữa sang. Bác cháu mình có khi chẳng ăn và chẳng ăn hết. Nhưng rồi để lại cái tiếng Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người làm mất thời gian...
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm khi thăm các địa phương, đơn vị là để nắm tình hình thực tế và góp ý, nhắc nhở về các công việc, chứ không phải xuống dự tiệc tùng, gây tốn kém. Có tỉnh mặc dù đã được báo trước là Người có mang cơm theo nhưng vẫn sắm sửa cỗ bàn thịnh soạn và Người đã phê bình rất nghiêm khắc.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cương quyết đề nghị nhà bếp cho ăn cơm độn ngô 50% như tất cả nhân dân. Hằng ngày, Thông tấn xã Việt Nam đều đưa bản tin lên, sau khi xem xong, Người giữ lại những bản tin cần thiết, còn lại chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch để anh em làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy nháp. Ngày 10-5-1969, Người đã viết toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ Tin tham khảo đặc biệt số ra ngày 3-5-1969.
Phong cách sống bình dân, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là cần kiệm, là tấm lòng sẻ chia và tinh thần đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào mà còn thể hiện nhiều ý nghĩa nhân văn rất cao đẹp. Năm 1959, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nghỉ hè một tháng. Trước khi về nước, Người đã gửi lại thủ quỹ Đảng Cộng sản Liên Xô một bức thư kèm theo 5.000 rúp mà bên bạn biếu Người và đồng chí thư ký để tiêu vặt nhưng Người đã không sử dụng!
Mùa hè năm 1967, khi biết tình hình các chiến sĩ trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình thiếu nước uống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bảo đồng chí thư ký rút khoản tiền tiết kiệm của Người (bao gồm tiền lương, tiền nhuận bút bài viết) được hơn 25.000 đồng (lúc đó tương đương khoảng 60 lạng vàng) chuyển cho Bộ Tư lệnh phòng không để mua nước ngọt cho các chiến sĩ trực chiến trên toàn miền Bắc.
Ngày 15-7-1969, Charles Fournio, nhà báo Pháp cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và kể lại: “Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào dịp 19-5-1970), Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này, chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện và thư viện”(4).
Tại kỳ họp Quốc hội khóa II lần thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao vàng. Tuy rất xúc động nhưng Người nhất quyết từ chối vì: Tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội. Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Lênin cao quý nhất của Nhà nước Xôviết nhưng Bác cũng từ chối, hẹn chờ đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất.
Cho đến lúc đi xa, trên ngực áo Người vẫn không một tấm huân chương. Và bởi thế: “Cuộc đời Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”(5).
-----------------------------------------------------
1, Ho - David Halberstam. NXB Random New York 1971
2, Hồ Chí Minh, con người và phong cách. NXB Lao động 1999, tr 52
3, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. NXB Chính trị quốc gia 2009. Tập X, tr 157
4, Hồ Chí Minh - một người châu Á của mọi thời đại. NXB Chính trị quốc gia 2010, tr 728
5, Hồ Chí Minh - tiểu sử. NXB Lý luận chính trị 2006, tr 728.
- THẦY KHANG NUÔI ĐẾN 18 TUỔI CÁC CON THOÁT NẠN TRONG VỤ LŨ QUÉT LÀNG NỦ
- XÚC ĐỘNG BỨC TRANH LỚP 2A GỬI BẢO – CẬU BÉ LÀNG NỦ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC,HÀ NỘI
- NHỮNG BỮA TRƯA DINH DƯỠNG TẠI HƠN CHỤC ĐIỂM TRƯỜNG TỈNH HÀ GIANG
- VỤ SẠT LỞ 18 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH: TRƯỞNG THÔN CHẠY BỘ 10 KM BÁO TIN
- HÀNG TRĂM SẢN PHẨM THỦ CÔNG DO CÁC CỤ U90 TỰ TAY LÀM ĐƯỢC BÀY BÁN ĐỂ DÙNG TIỀN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BÃO LŨ
- BỮA ĂN CÓ ĐỦ THỊT, RAU CỦA HỌC SINH LÀNG NỦ SAU NHỮNG NGÀY MƯA LŨ THIẾU THỰC PHẨM
- BỮA ĂN CỦA HỌC TRÒ SAO LẠI ÍT THỊT HƠN MỌI NGÀY ?
- MỘT LỚP MẦM NON CÓ 18 BẠN THÌ 10 BẠN MẤT
- “NĂM 2022 CON CÒN ĐỦ BỐ MẸ VÀ EM GÁI.NĂM 2024 CHỈ CÒN MỘT MÌNH CON!…”
- 70 ANH EM XỨ THANH LÊN LÀO CAI SỬA XE MIỄN PHÍ CHO BÀ CON