Nghỉ hưu nhưng không nghỉ ngơi, các y, bác sĩ tóc bạc trắng ở TP.HCM vẫn hằng ngày đến phòng khám để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những người khó khăn khiến nhiều cư dân mạng ngưỡng mộ.
Không nhớ lần thứ mấy đến phòng khám, bà Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã trở thành "bệnh quen" của các y, bác sĩ (BS) về hưu. Trước khi biết đến phòng khám, bà Hoa thường đo huyết áp tại nhà thuốc tây hoặc đến bệnh viện (BV) khám rồi mua thuốc. "Bệnh tuổi già dai dẳng, huyết áp, thoái hóa cột sống, đau nhức xương khớp, tôi cứ đến đây khám để nhận thuốc, thấy bớt hẳn. Các BS thân thiện nên mình không ngại ngần gì", bà Hoa kể.
Ông Trịnh Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.3 (Q.Gò Vấp), cho biết năm 1995, phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, phòng khám từ thiện được thành lập với sự tham gia của các nhiều y, BS BV Quân y 175 nghỉ hưu. Qua đó, phòng khám và phát thuốc giúp những người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính, không có lương hưu hoặc mức thu nhập thấp. Thời gian đầu, phòng khám ở địa chỉ 134 Lê Lợi, năm 2013 chuyển sang địa chỉ mới tại số 42 đường số 2.
Phòng khám hiện có 4 BS, 13 điều dưỡng chia ca làm việc từ sáng thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Hằng năm, mỗi thành viên Hội ủng hộ 20.000 đồng/người để mua thuốc cho phòng khám. Ngoài ra, Hội vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ thuốc điều trị bệnh.
"Từ năm 2017 đến năm 2022, phòng khám đã thực hiện khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 22.168 lượt bệnh nhân, trong đó châm cứu y học dân tộc cho 5.852 lượt bệnh nhân và 155 lượt xoa bóp bấm huyệt. Thời gian dịch Covid-19, các y, BS tại đây cũng tham gia tư vấn điều trị F0 tại nhà, hỗ trợ các điểm cách ly, tiêm chủng. Đáng quý nhất là tinh thần lo cho dân của các y, BS", ông Hải chia sẻ.
Là người gắn bó từ ngày đầu thành lập đến nay, BS Phạm Hùng Kỳ (80 tuổi) mái tóc bạc phơ cho biết mỗi sáng phòng khám phục vụ cho hơn 20 người bệnh, sau dịch, số người đến khám giảm hơn đôi chút.
Trong căn nhà chừng 50 m2, phòng khám có dãy ghế để người đến khám ngồi nghỉ ngơi, chờ đến lượt, 1 bàn đo huyết áp, 1 bàn khám bệnh, cấp thuốc, 1 phòng để châm cứu, bấm huyệt và 2 tủ thuốc dán bảng phân loại công dụng rõ ràng. BS Kỳ tâm sự: "Các y, BS nghỉ hưu đến đây làm như đam mê, niềm vui mỗi ngày, cứ còn sức khỏe là còn làm".
Theo y sĩ Phạm Thị Hòa (72 tuổi), bệnh nhân chủ yếu là người dân trên địa bàn P.3, ngoài ra có người dân từ các quận, huyện khác hay từ Bình Dương lên khám bệnh. Trong đó, phần đông bệnh nhân trên 60 tuổi. "Nhiều hoàn cảnh đến khám thấy tội, có người đói đi không nổi, chúng tôi hỗ trợ tiền để họ ăn sáng rồi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Những bệnh thường gặp nhiều nhất là huyết áp, tim mạch, khớp, tiểu đường, gout… Ai đến cũng được khám, cấp thuốc miễn phí, quay lại bao nhiêu lần cũng miễn phí", y sĩ Hòa nói.
Y sĩ Vũ Thị Bình (70 tuổi) cho biết thêm, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường luôn kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ thuốc điều trị. Ngay chính các y, BS ở phòng khám cũng thường vận động thuốc trong khu dân cư của mình. 5 năm gần đây, hơn 500 lượt cá nhân, tổ chức đã đến tặng thuốc với số lượng và nhiều loại thuốc khác nhau trị giá hàng trăm triệu đồng để giúp phòng khám tiếp tục phục vụ bà con.
- THẦY KHANG NUÔI ĐẾN 18 TUỔI CÁC CON THOÁT NẠN TRONG VỤ LŨ QUÉT LÀNG NỦ
- XÚC ĐỘNG BỨC TRANH LỚP 2A GỬI BẢO – CẬU BÉ LÀNG NỦ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC,HÀ NỘI
- NHỮNG BỮA TRƯA DINH DƯỠNG TẠI HƠN CHỤC ĐIỂM TRƯỜNG TỈNH HÀ GIANG
- VỤ SẠT LỞ 18 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH: TRƯỞNG THÔN CHẠY BỘ 10 KM BÁO TIN
- HÀNG TRĂM SẢN PHẨM THỦ CÔNG DO CÁC CỤ U90 TỰ TAY LÀM ĐƯỢC BÀY BÁN ĐỂ DÙNG TIỀN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BÃO LŨ
- BỮA ĂN CÓ ĐỦ THỊT, RAU CỦA HỌC SINH LÀNG NỦ SAU NHỮNG NGÀY MƯA LŨ THIẾU THỰC PHẨM
- BỮA ĂN CỦA HỌC TRÒ SAO LẠI ÍT THỊT HƠN MỌI NGÀY ?
- MỘT LỚP MẦM NON CÓ 18 BẠN THÌ 10 BẠN MẤT
- “NĂM 2022 CON CÒN ĐỦ BỐ MẸ VÀ EM GÁI.NĂM 2024 CHỈ CÒN MỘT MÌNH CON!…”
- 70 ANH EM XỨ THANH LÊN LÀO CAI SỬA XE MIỄN PHÍ CHO BÀ CON