6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
10 NĂM BỀN BỈ PHÒNG, CHỐNG “GIẶC NỘI XÂM”
T6, 13/01/2023 - 10:01
Cách đây tròn 10 năm, không khí đón Xuân Quý Mùi 2013 của các địa phương trên mọi miền Tổ quốc khá vui vẻ so với năm trước đó bởi kinh tế đất nước trong năm Nhâm Ngọ 2012 tăng trưởng khá cao, đời sống của nhân dân sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI đã được cải thiện đáng kể. Thế nhưng người dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng bởi “quốc nạn tham nhũng” chưa được đầy lùi. Chính vì vậy, vào giáp Tết Nguyên đán Quý Mùi, khi nhận được thông tin, Bộ Chính trị có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, nhân dân khắp cả nước đều phấn khởi. Quyết định này được ban hành ngày 1-2-2013, tức ngày 21 tháng chạp năm Nhâm Ngọ. Ba ngày sau, tức ngày 4-2-2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên đầu tiên (phiên thứ Nhất), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mở đầu phiên họp, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, gồm 16 thành viên. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 5 Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước); Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có 9 nhiệm vụ: Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hằng năm và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục. Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp. Chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng còn có trách nhiệm chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; việc xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc giải quyết; báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền.
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban Chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.
Đồng chí Tổng Bí thư lưu ý: Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau. Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được.
Mười năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp hơn hai chục lần. Mỗi lần họp, quân và dân cả nước lại trông mong, chờ đợi những quyết sách lớn, làm tăng thêm niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Năm 2022 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung thêm nhiệm vụ là phòng, chống tiêu cực. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thành lập xong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Dù các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị có ra sức xuyên tạc sự thật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Nhân dân đang kỳ vọng vào năm mới 2023, công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” của chúng ta sẽ thu được kết quả cao hơn, đánh dấu mốc 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng./.
CÁC TIN TỨC KHÁC
- Chương trình sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác – Lòng ta trong sáng hơn”, Trao giải Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ hai, năm 2024
- “MƯU SINH RA KẾ, THẾ ĐẺ RA THỜI. ĐÁNH BẰNG MƯU KẾ, THẮNG BẰNG THỜI THẾ”
- TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM VÀ NƯỚC CHND TRUNG HOA VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA QUAN HỆ ĐỐI TÁC HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN, THÚC ĐẨY XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
- CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 – BƯỚC NGOẶT VĨ ĐẠI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XX
- BỆNH HOANG TƯỞNG TỪ GIÁO DỤC KHAI PHÓNG..!!!
- HỌC BÁC “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM”
- Hội nghị thông tin chuyên đề Quý III năm 2024
- GIÁ TRỊ CỦA HOÀ BÌNH
- COI TRỌNG LIÊM SỈ, BIẾT GIỮ THỂ DIỆN VÀ UY TÍN TRƯỚC DÂN LÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
- MÙA THU ĐỘC LẬP
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
VIDEO SỰ KIỆN
MUSIC
Tiện ích
Liên kết website