Loading ...
6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bác bỏ luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về “dân thụ hưởng”
T5, 30/11/2023 - 19:11

Chủ trương “dân thụ hưởng” là một điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Điều đó, khẳng định sự nhất quán từ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên đều hướng tới mục đích cao cả là vì hạnh phúc của nhân dân; nhân dân thực sự được hưởng mọi thành quả của sự nghiệp cách mạng. Song hòng chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ra sức bóp méo, xuyên tạc chủ trương này. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng hết sức nguy hiểm, cần kiên quyết vạch trần, bác bỏ.

 

Kế thừa quan điểm các kỳ đại hội trước và tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung “dân thụ hưởng” vào phương châm thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, đó là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”1. Đây không chỉ là sự hoàn thiện chủ trương của Đảng trong thực hành dân chủ, tạo cơ sở chính trị, pháp lý thuận lợi để tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng cường, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, mà còn là sự cụ thể, hiện thực hóa, khẳng định mục tiêu quan trọng tối thượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lựa chọn là vì lợi ích của nhân dân: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, v.v. Song với mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc rằng chủ trương “dân thụ hưởng” của Đảng, Nhà nước ta chỉ là hình thức, là khẩu hiệu suông, là “chiêu trò” mị dân, lợi dụng dân để củng cố địa vị của giai cấp và thu lợi cho mình. Đặc biệt, lợi dụng tình hình đời sống một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; nhất là khi Đảng, Nhà nước ta quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã phanh phui, đưa ra xét xử một số vụ án lớn, trong đó có một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các thế lực chĩa mũi rêu rao: chỉ “quan mới được hưởng thụ”, còn dân vạn đời vẫn chỉ nghèo khổ mà thôi; rằng, khẩu hiệu mà Đảng Cộng sản nêu ra chỉ lừa bịp, mị dân, ru ngủ dân để rồi cai trị dân, bao nhiêu quyền hành, bao nhiêu lợi ích quan đều hưởng hết. Thậm chí có kẻ còn “ác khẩu” cho rằng cần sửa lại chủ trương “dân thụ hưởng” thành “quan thụ hưởng”, v.v. Chúng ta không lạ gì những luận điệu, chiêu trò này của các thế lực thù địch; đó hoàn toàn là sự suy diễn, quy chụp thiếu khách quan, lấy hiện tượng quy bản chất, “gắp lửa bỏ tay người”; mục đích của họ không có gì khác là phủ nhận tất cả những nỗ lực và thành quả đạt được mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang dày công gây dựng, nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là những thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã hoàn toàn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc này.

 

“Dân thụ hưởng” là mục tiêu cao cả của cách mạng Việt Nam, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân; kế thừa truyền thống của dân tộc và từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân, quần chúng vừa là động lực, vừa là chủ thể thực hiện và thụ hưởng chính thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì vậy “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách,... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”2. Quan điểm đó được thể hiện sâu sắc trong tư tưởng, đạo đức, phong cách, mọi việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều vì dân, vì nước: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”3. Người cũng yêu cầu Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phải làm cho các giá trị về tự do, độc lập không chỉ là khẩu hiệu cách mạng, mà phải được hiện thực hóa trên thực tế để nhân dân, đồng bào mình được thụ hưởng những giá trị to lớn của nền độc lập, của thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa, đó là: tự do, hạnh phúc, cơm ăn, áo mặc, cơ hội được học hành, phát triển toàn diện cá nhân, v.v. Thấm nhuần tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương châm “dân thụ hưởng” luôn được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”4. Kế thừa quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội, Đại hội đã bổ sung, hoàn thiện, yêu cầu phải thực hiện tốt phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Chủ trương này không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và các nguồn lực trong nhân dân trong tiến trình hiện thực hóa các chủ trương, quyết sách của Đảng vào cuộc sống. Không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng, mà chủ trương “dân thụ hưởng” còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Ngay ở Điều 1, Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, đã khẳng định: “... Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, v.v. Điều này khẳng định, “dân thụ hưởng” là mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã và đang từng ngày, từng giờ được hiện thực hóa ở Việt Nam. Nó không phải là khẩu hiệu suông!

 

“Dân thụ hưởng” được bảo đảm trên thực tế. Sự hưởng thụ của người dân Việt Nam là toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... song có thể thấy rõ nhất là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Mặc dù là nước đang phát triển có xuất phát điểm rất thấp từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Các chỉ số cơ bản thể hiện quyền lợi và sự thụ hưởng của người dân đều tăng dần qua từng năm: năm 2021, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao (đạt mức 0,703), nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển; chỉ số hạnh phúc (các tiêu chí được đánh giá, gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng) của nước ta cũng liên tục tăng tới 12 bậc, từ vị trí 77 năm 2022 lên vị trí 65/150 quốc gia trong năm 2023. Liên hợp quốc đánh giá và công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021, đạt 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Mức sống tăng lên, sức khỏe của người dân được cải thiện nên tuổi thọ trung bình tăng qua các năm, chỉ số sức khỏe cả nước tăng từ 0,822 (năm 2016) lên 0,826 (năm 2020); chỉ số giáo dục Việt Nam tăng từ 0,618 (năm 2016) lên 0,640 (năm 2020); chỉ số thu nhập tăng 0,624 (năm 2016) lên 0,664 (năm 2020). Tạp chí thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD của Mỹ đánh giá chất lượng sống của Việt Nam được cải thiện đáng kể: có tổng số điểm là 78,49 và xếp hạng 62/165 quốc gia (năm 2021), v.v. Điều đó cho thấy đời sống của người dân Việt Nam đang đi lên một cách bền vững, thực chất. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng phát triển kinh tế vì mục tiêu con người, thực hiện nhất quán quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế vì con người; xây dựng thiết chế chính trị, hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý đất nước, xã hội là để mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Đồng thời, thực hiện tốt đường lối đối ngoại, quốc phòng, an ninh để mỗi người dân Việt Nam đang hàng ngày, hàng giờ được thực sự thụ hưởng môi trường hòa bình, ổn định, yên tâm lao động sản xuất và thừa hưởng chính thành quả lao động của mình. Đặc biệt, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh (đặc biệt là đại dịch Covid-19) khiến đời sống vô cùng khó khăn thì Đảng, Nhà nước đều kịp thời có các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ; các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn xã hội đều đoàn kết, giang tay giúp đỡ. Mục đích cuối cùng là để mọi người dân Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau, đều bình đẳng tận hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí minh: “dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”5, v.v.

 

Thực tiễn trên là con số biết nói, được các quốc gia, tổ chức uy tín thế giới; ngay cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận. Đó là minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất về sự hiện thực hóa quan điểm, chủ trương “dân thụ hưởng” của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, khẳng định chủ trương “dân thụ hưởng” không dừng lại trên lý thuyết, trong nghị quyết, hay khẩu hiệu để hô hào, mà được thể hiện sinh động, thuyết phục trong hiện thực đời sống mỗi người dân Việt Nam; không thủ đoạn xảo trá nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website