Loading ...
6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Để xứng đáng là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
T3, 20/12/2022 - 08:12
Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chính trị) là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Với chức năng đó, hoạt động của trường chính trị đã hàm chứa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong một môi trường đặc thù - môi trường giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Trường chính trị không chỉ là nơi truyền bá lý luận chính trị, mà còn là nơi định hướng tư tưởng, củng cố lòng tin, nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, bồi đắp và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương.

Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, với sự chỉ đạo của các tỉnh ủy/thành ủy, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp, cách thức nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các trường đã từng bước chú trọng lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong từng bài giảng của giảng viên; mở chuyên mục hoặc xây dựng các tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên website, trang tin điện tử của nhà trường. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, tăng cường viết bài đăng tải trên các kênh truyền thông như: tạp chí, sách, báo, bản tin, tham gia đấu tranh trên không gian mạng theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 địa phương. Bên cạnh đó, các trường chính trị đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Nghị quyết Trung ương khóa XII, khoá XIII... nhằm góp phần nâng cao nhận thức, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, giảng viên các trường chính trị chưa thật sự có nhận thức và thái độ đúng đắn về tính cấp thiết, tầm quan trọng và nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là chưa nhận diện đúng và trúng đối với các quan điểm sai trái, thù địch của các tổ chức, cá nhân chống đối, cơ hội chính trị. Do vậy đội ngũ này chưa có những hoạt động tương xứng nhằm tham gia tích cực, thiết thực và hiệu quả vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong bối cảnh mới, trước sự chống phá ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, để xứng đáng là những "chiến sỹ tiên phong" trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở các địa phương.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, lôi cuốn, hấp dẫn, như: thông qua trao đổi trong các buổi sinh hoạt chuyên môn; các buổi sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường (công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,…), tổ chức tọa đàm, hội thảo, viết bài chính luận, thuyết trình… về nhận diện âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch và đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị.

Đảng ta luôn coi rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch phản động luôn lợi dụng mọi sơ hở, yếu kém, lợi dụng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để lôi kéo, tuyên truyền, nhằm làm suy yếu nội bộ từ bên trong, làm cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì yêu cầu rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên các trường chính trị càng quan trọng hơn bao giờ hết, bởi nếu không có bản lĩnh chính trị, không có niềm tin son sắt vào Đảng, Nhà nước thì chỉ một phút lung lay, ngả nghiêng, mơ hồ, băn khoăn,… của giảng viên lý luận chính trị là họ có thể truyền tải đến học viên sự nghi ngờ, chao đảo, mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, cơ quan, chế độ,… Do đó, yêu cầu quan trọng, tiên quyết trong bối cảnh mới hiện nay là mỗi cán bộ, giảng viên các trường chính trị phải trau dồi, hun đúc lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng, không dao động về tư tưởng, chính trị, không ngả nghiêng, mơ hồ, dao động trong đấu tranh, để họ luôn nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường; tận trung với nước, tận hiếu với dân, quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Đây là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của các trường chính trị, cũng như của từng chi bộ, tổ đảng, từng đảng viên trong nhà trường. Để làm được điều đó, cần triển khai nghiêm túc việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 15/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về 19 điều đảng viên không được làm, các quy định về nêu gương, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc trong Đảng… để “phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”[1].

Thứ ba, chú trọng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị.

Việc thường xuyên, tăng cường, chú trọng học tập lý luận chính trị có đóng góp rất lớn trong việc tăng cường nhận thức, thái độ và từ đó có hành vi đúng đắn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nêu rõ một trong chín biểu hiện của suy thoái về chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Bởi vậy, việc thường xuyên học tập lý luận chính trị, làm tốt công tác chính trị - tư tưởng là vấn đề luôn luôn phải đặt lên hàng đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. “Công tác chính trị - tư tưởng có nhiệm vụ làm cho thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm nhuần trong Đảng và giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; nâng cao ý chí phấn đấu, xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường xã hội chủ nghĩa”[2].

Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW tại các trường chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đi đôi với kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng hiệu quả thực hiện.

Quá trình học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết trong cuộc sống phải được thường xuyên chú trọng, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, đi liền với xây dựng chương trình hành động của tổ chức, cá nhân và có kiểm tra, giám sát. Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai ở các trường chính trị. Tuy nhiên, việc quán triệt nghị quyết không phải một lần là xong. Mỗi giai đoạn, chương trình kế hoạch hành động cần được đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị, thực tiễn cuộc sống đặt ra. 

Các trường chính trị cần có kế hoạch chi tiết cụ thể về việc lồng ghép, tích hợp công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chương trình nghiên cứu khoa học hàng năm theo tiến trình, lộ trình, nhiệm vụ cụ thể. Những trường chưa xây dựng chuyên mục, chưa đăng tải các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên website hoặc cổng thông tin điện tử của nhà trường, cần khẩn trương triển khai, có quy chế cụ thể yêu cầu bắt buộc các giảng viên lý luận chính trị phải có bài đăng trên website, cổng thông tin, các bản tin, tạp chí của nhà trường, của các cơ quan Đảng, đoàn thể,… có quy định cụ thể về tính điểm thi đua đối với những giảng viên có bài đăng tải.

Các trường chính trị cần có những quy chế, quy định cụ thể, lồng ghép vào nội dung thi đua, đánh giá đối với cán bộ, giảng viên các trường chính trị về việc tham gia viết bài tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách cụ thể để mỗi cán bộ, giảng viên các trường chính trị tự giác, trách nhiệm, hứng thú trong việc tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin tuyên truyền. Trên cơ sở đó, tích cực tham gia vào việc tham mưu, tư vấn xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia góp ý, phản biện vào các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp từ Trung ương đến địa phương, qua đó, góp phần vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần có chế độ khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng người, đúng việc. Đối với những cá nhân vi phạm (đăng thông tin trên mạng dưới bất kể hình thức gì, kể cả trang cá nhân, có nội dung sai lệch, chia sẻ thông tin sai trái, lệch lạc, phản động,…) cần có hình thức xử lý nghiên khắc, đủ sức răn đe.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên được tham gia học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị như: Trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các lớp bổ sung kiến thức chuyên ngành, lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

 

 

 

 

 

 

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2011, t.5, tr.538.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VI) tại Đại hội VII, Nxb. Sự thật, H., 1991, tr.18.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website