Loading ...
6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam
T2, 12/12/2022 - 11:12
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tập hợp 29 bài viết chọn lọc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước, trong và sau Đại hội XIII là một công trình khoa học có tầm lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc, luận giải một cách khoa học, thuyết phục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, làm rõ tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thực tiễn Việt Nam và thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải việc “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(1)

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội với mục tiêu cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện; là một chế độ xã hội mà con người được tự do, không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội thực sự vì con người.

Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”(2). “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”(3). “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”(4), “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(5). Đây chính là những khát vọng, mong ước tốt đẹp không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại. Từ đó Tổng Bí thư khẳng định lại những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng đã được Đảng ta nêu rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2021).

Thứ hai, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều này!

Thứ ba, hiện nay, chủ nghĩa tư bản, nhất là ở một số nước tư bản phát triển đang đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học và công nghệ; có sự điều chỉnh nhất định về sở hữu, an sinh xã hội… làm cho diện mạo của chủ nghĩa tư bản khác nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó nên đây là một mô hình phát triển không bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Tổng Bí thư cho rằng: “Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó”(7). Bởi lẽ, đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội,“Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa”(8).

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những phúc lợi xã hội đối với người lao động mà chủ nghĩa tư bản đang thực hiện không phải là mục đích tự thân của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà trên cơ sở trình độ lực lượng sản xuất phát triển cao và là kết quả đấu tranh kiên trì, bền bỉ qua rất nhiều năm của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản phát triển. Hệ thống chính trị của các nước tư bản chỉ phục vụ cho lợi ích của thiểu số người đang nắm giữ tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội chứ không phải bảo vệ lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân lao động như họ luôn rêu rao: “Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn”(9). Bản chất của nền dân chủ tư sản “vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”(10). Chắc chắn đây không phải là chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam mong đợi, càng không phải là tương lai của nhân loại. Nhân dân Việt Nam cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người!.

Thứ tư, thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước là minh chứng rõ nhất cho tính đúng đắn của công cuộc đổi mới, của con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, có thể nói, “xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây”(11). Rõ ràng “những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”(12).

Từ những luận chứng trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đây là chân lý đã được thử thách và kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, nhất là qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã khẳng định con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là đúng đắn, củng cố niềm tin, sự kiên định của dân tộc ta vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

--------------------------------------------------------

(1) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.23.

(2) (3) (4) (9) (10) Sđd, tr.21.

(5) Sđd, tr.21-22.

(6) Sđd, tr.24.

(7) Sđd, tr.19.

(8) Sđd, tr.20.

(11) (12) Sđd, tr.33.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website