6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
HRW PHỚT LỜ SỰ THẬT, TIẾP TỤC VU CÁO TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM
T2, 26/02/2024 - 09:02
Vừa qua, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) công bố báo cáo tổng kết toàn cầu về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023, trong đó tiếp tục có đánh giá mang tính vu cáo, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, làm méo mó, sai lệch thực tiễn, ảnh hưởng vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, CŨ MÒN
Báo cáo này cho rằng, năm 2023, Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự. Chính quyền Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và tổ chức nhân quyền độc lập, đồng thời xóa bỏ các nhóm tôn giáo độc lập; giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Họ vu cáo, thành viên của các nhóm này bị “đấu tố” trước công chúng, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn, ngược đãi và bị bỏ tù sau những phiên tòa xét xử bất công... Từ đó, báo cáo này phán xét “nhân quyền của Việt Nam tồi tệ về hầu hết mọi mặt”, vu cáo “nhà cầm quyền hạn chế ngặt nghèo các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận và truyền thông, nhóm họp, lập hội”. Báo cáo còn cho rằng, các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bắt giữ tùy tiện, biệt giam.
Hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm các tòa án, thiếu tính độc lập, áp đặt cho những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội dân sự những án tù dài hạn dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia...
Phủ nhận những cáo buộc sai trái này, ngày 25/1/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là tổ chức Theo dõi Nhân quyền với những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo”. Tuy nhiên, HRW không tiếp thu chỉnh lý mà vẫn thể hiện thái độ định kiến. Vừa qua, ông Robertson, Phó Giám đốc châu Á của HRW tiếp tục vu cáo: “Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hay quyền tự do lập hội đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống. Chính phủ đã đi thụt lùi quá xa về nhân quyền, không theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn”!
Hằng năm, HRW đều đưa ra các báo cáo về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới. Vốn giữ quan điểm định kiến đối với thể chế chính trị ở Việt Nam, nhiều năm qua, tổ chức này luôn có báo cáo, đánh giá bịa đặt, vu cáo theo kiểu cũ mèm, nhai đi nhai lại những nội dung này. Trước đó, ngày 26/5/2023, tổ chức này đã gửi đến Liên hiệp châu Âu một “tờ trình” về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, yêu cầu EU gây sức ép để chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị. Hay ngày 8/6/2023 (trước cuộc đối thoại nhân quyền Liên hiệp châu Âu - Việt Nam tại Hà Nội), tổ chức HRW đã vu cáo, kêu gọi châu Âu gây áp lực để buộc Việt Nam chấm dứt các hành động “vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”. Tổ chức này cũng liên tục lên tiếng đòi hủy bỏ một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự mà họ cho rằng, đó là công cụ “để đàn áp các quyền dân sự, chính trị, hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”.
HRW BỊ TẨY CHAY NGAY TẠI MỸ
Tổ chức HRW được thành lập năm 1988, là tổ chức phi chính phủ, bị chi phối bởi sự bảo trợ, nguồn kinh phí hoạt động của nhiều nước phương Tây. Tiêu chuẩn đánh giá về nhân quyền của tổ chức này phù hợp với các chính sách và lợi ích của những chính phủ đã chi tiền để HRW hoạt động nên thiếu tính độc lập và không thể thoát khỏi quan điểm chính trị và lập trường của nhiều nước phương Tây. Các báo cáo, phúc trình về nhân quyền của tổ chức này thường bị bộ ngoại giao của nhiều nước cho rằng sai sự thật, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt, gây ra phản ứng tiêu cực tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Liên bang Nga đã nhiều lần chỉ trích HRW về những động thái tuyên truyền xuyên tạc, kích động tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước này. Chính phủ Trung Quốc không ít lần áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với HRW. Thái Lan cấm cửa trang web của HRW hoạt động vì cho rằng thường xuyên đội lốt “theo dõi nhân quyền” để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát những nội dung thông tin sai lệch, kích động, vi phạm các quy định về an ninh quốc gia. Singapore cũng bác bỏ chỉ trích của tổ chức phi chính phủ này về Luật tin tức giả vào năm 2019. HRW còn bị nhiều quốc gia như Cuba, Srilanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... chỉ trích, phản đối những nội dung báo cáo của HRW đã can thiệp, làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho việc bảo đảm nhân quyền ở các nước này. Đánh giá về HRW, ông Geoffrey Corn - Giáo sư luật tại Đại học Luật Nam Texas Houston, thành viên Trung tâm Quốc phòng & Chiến lược của Viện Do Thái về an ninh quốc gia Hoa Kỳ (JINSA), trụ sở tại Washangton, có bài viết “Báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền có nhiều sai sót” đăng trên trang Jinsa của viện nghiên cứu này. Bài viết đã vạch trần những báo cáo sai trái của HRW và khẳng định: “HRW đã không sở hữu những sự thật, mang nặng tính suy đoán và nhiều sai sót”. Cũng bẽ bàng thay, ngay tại nơi đóng trụ sở, HRW không chỉ bị lên án mà còn bị kêu gọi, yêu cầu đóng cửa từ lâu. Tháng 5/2014, một lá thư kêu gọi đóng cửa HRW bởi hơn 130 học giả, hầu hết từ Mỹ đã chỉ trích rằng: HRW thường đưa ra những báo cáo chứa đầy quan điểm thiên vị và bằng chứng sai lệch; phớt lờ các trường hợp cảnh sát đánh chết người Mỹ gốc Phi ở Mỹ hoặc hành vi ngược đãi khét tiếng đối với những người bị giam giữ tại trại tạm giam Vịnh Guantanamo... Bức thư này chỉ rõ, nhiều thành viên của HRW là cựu nhân viên CIA và cựu quan chức của chính phủ nhiều nước phương Tây.
VIỆT NAM QUAN TÂM BẢO VỆ, THỰC THI QUYỀN CON NGƯỜI
Nhân quyền trước hết là quyền sống, quyền tồn tại, quyền phát triển và các quyền cơ bản khác của con người. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người.
Về phương diện chính trị, pháp lý, tính đến hết 2023, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập hầu hết công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người, gia nhập 25 công ước của ILO như: Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về các kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW)... So với nhiều nước, Việt Nam là thành viên trách nhiệm, tích cực, tiến bộ về quyền con người. Ngay cả Mỹ hiện nay vẫn là nước chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em 1989, Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966. Trong khi đó, Việt Nam cam kết, thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện, bảo vệ, bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết. Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 14, Hiến pháp năm 2013).
Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, hoạt động tư pháp trong nhiều năm qua và năm 2023 với mục tiêu bảo vệ công lý, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, công bằng, dân chủ, văn minh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, việc bắt, giam giữ, cải tạo được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, minh bạch, hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa,bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cũng được thực hiện một cách tích cực trong triển khai các chương trình, mục tiêu, chính sách quốc gia; quyền về việc làm, thu nhập, quyền sở hữu, an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe, quyền được học tập, giáo dục, quyền được tham gia vào đời sống văn hóa được bảo đảm. Trên lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam tôn trọng, công nhận tự do tôn giáo, tín ngưỡng, cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự...
Với những thành tựu, thực tiễn tiến bộ như trên thì không thể vu cáo tiêu cực về quyền con người ở Việt Nam. Thành tựu, uy tín trong bảo vệ quyền con người của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chính vì vậy, với số phiếu cao, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ thứ 2 (2023-2025) của Liên hợp quốc và những đóng góc trách nhiệm, tích cực của Việt Nam đã và đang được Liên Hợp quốc, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vậy mà HRW cố tình như không biết, vẫn nhai lại điệp khúc sai trái, bịa đặt.
Nguồn: Báo CAND
CÁC TIN TỨC KHÁC
- Chương trình sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác – Lòng ta trong sáng hơn”, Trao giải Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ hai, năm 2024
- “MƯU SINH RA KẾ, THẾ ĐẺ RA THỜI. ĐÁNH BẰNG MƯU KẾ, THẮNG BẰNG THỜI THẾ”
- TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM VÀ NƯỚC CHND TRUNG HOA VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA QUAN HỆ ĐỐI TÁC HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN, THÚC ĐẨY XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
- CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 – BƯỚC NGOẶT VĨ ĐẠI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XX
- BỆNH HOANG TƯỞNG TỪ GIÁO DỤC KHAI PHÓNG..!!!
- HỌC BÁC “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM”
- Hội nghị thông tin chuyên đề Quý III năm 2024
- GIÁ TRỊ CỦA HOÀ BÌNH
- COI TRỌNG LIÊM SỈ, BIẾT GIỮ THỂ DIỆN VÀ UY TÍN TRƯỚC DÂN LÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
- MÙA THU ĐỘC LẬP
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
VIDEO SỰ KIỆN
MUSIC
Tiện ích
Liên kết website