Loading ...
6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Phản bác luận điệu chia rẽ đoàn kết dân tộc
T4, 22/11/2023 - 20:11
Trong khi mọi người dân khắp nơi phấn khởi, chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thì một số đối tượng, trang mạng phát tán các luận điệu xuyên tạc, chống phá chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước, đi ngược truyền thống đoàn kết của dân tộc ta. Việc vạch trần các âm mưu, hoạt động chống phá này là cần thiết vì cái chân, cái thiện và cả sự lành mạnh của xã hội.
 
1. Đọc vị âm mưu, hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc
Thủ đoạn của các đối tượng chống phá chính sách đại đoàn kết dân tộc không có gì mới. Chúng tạo ra hoặc triệt để khai thác mọi sơ hở có thể để tiến hành âm mưu chống phá về vấn đề tôn giáo, dân tộc trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là các địa bàn mà các dân tộc thiểu số đang sinh sống nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới gây bạo loạn, ly khai. Chúng thêu dệt thông tin sai sự thật, thổi phồng sự việc sai sót nhỏ dưới vỏ bọc “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”, nhất là vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí; khơi lại và xuyên tạc một số vấn đề lịch sử, những khó khăn xuất hiện trong đời sống của đồng bào ở một số nơi; thổi phồng thiếu sót sơ hở trong công tác lãnh đạo, quản lý, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở miền núi, dân tộc của Đảng, Nhà nước ở một số địa bàn.
 
Chúng thường lựa chọn thời điểm nước ta tổ chức các sự kiện trọng đại, kỷ niệm các ngày lễ lớn như kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), gần đây là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11)… để xuyên tạc các vấn đề tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam. Chúng tìm cách bôi nhọ hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cố tạo ra những nhận thức sai lệch để thuyết phục, lôi kéo các tổ chức quốc tế, thậm chí chính phủ một số nước can thiệp, gây sức ép, tạo điều kiện cho các đối tượng gia tăng hoạt động chống phá dưới các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”… Chúng bịa đặt, hư cấu tạo cảnh người dân ăn đói mặc rách để quay phim chụp ảnh, phát tán trên mạng xã hội thu hút người xem, tạo dư luận xấu về Đảng, Nhà nước. Bên cạnh là sự hỗ trợ, tiếp sức của các tổ chức quốc tế thiếu cái nhìn khách quan thiện chí như RFA, VOA, HRW (Tổ chức Theo dõi nhân quyền), AI (Tổ chức Ân xá quốc tế)…
 
Các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối ở trong nước gia tăng kích động biểu tình, tạo điểm nóng chính trị để gây sự chú ý của dư luận thế giới. Không chỉ kích động tư tưởng ly khai, tự trị riêng cho dân tộc mình tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, chúng còn xới lại các vụ việc nổi cộm (như vụ Đồng Tâm ở TP Hà Nội, vụ Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh…) nhằm gây nghi ngờ trong nội bộ, tạo cớ gây dư luận thế giới hiểu sai sự thật để kêu gọi sự can thiệp…
 
2. Thực tế sinh động của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hằng năm đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần cộng đồng dân cư, trở thành diễn đàn, sinh hoạt dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng đời sống văn minh, ấm no ở cả thành thị và nông thôn.
 
Thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức thi đua giữa các xóm, tổ dân phố, hội nhóm nhân dân, xây dựng các công trình dân sinh, tạo việc làm, thành lập các tổ hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, xóa đói nghèo… Ngày hội đã tạo điều kiện cho việc phát huy dân chủ trực tiếp, là một kênh cho cấp ủy, chính quyền nắm bắt nguyện vọng, phản ánh của người dân để nâng cao hiệu lực hiệu quả lãnh đạo, quản lý…
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, coi trọng và phát huy lực lượng nơi dân. Người đã nêu ra luận điểm có tính chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Trong Di chúc để lại, điều đầu tiên Người dặn dò rằng “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đại đoàn kết toàn dân có nghĩa là phải tập hợp được tất cả mọi người dân vào một khối và do đó cần có lực lượng nòng cốt, đây chính là cơ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập và hoạt động. Hiến pháp 2013 quy định: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (Điều 5); “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 11, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Ngày 18/11 hằng năm là Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”.
 
Mục tiêu của cách mạng nước ta là: Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới… Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ngày 8/10/2023 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: Từ khi có Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là đường lối chiến lược của Đảng; là nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng.
 
Với lịch sử ngàn đời của dân tộc, với thực tiễn xây dựng và thực thi chính sách phát huy dân chủ, kỷ cương, đại đoàn kết dân tộc thì không kẻ nào có thể xuyên tạc được chính sách và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam./.
 
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website