Loading ...
6 bài học lý luận chính trị - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TRÁNH BỊ KÍCH ĐỘNG BỞI CHỦ NGHĨA CỰC ĐOAN
T6, 11/08/2023 - 10:08

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay tư tưởng dân tộc hẹp hòi là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ bài ngoại, tự phụ, định kiến, kỳ thị, thù ghét, ngờ vực dân tộc khác, sẵn sàng gây thiệt hại cho dân tộc khác. Trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan dễ dẫn đến xu hướng biệt lập, cục bộ, vị kỷ, chống lại xu hướng hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế, thậm chí có thể thúc đẩy xu hướng chiến tranh, xâm lược. Do đó, nó cản trở sự giao thoa và hợp tác quốc tế, làm suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.

Tại mỗi quốc gia, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tư tưởng dân tộc hẹp hòi đề cao lợi ích cục bộ của mỗi tộc người, chia rẽ tình đoàn kết, thống nhất trong nội bộ quốc gia. Ví dụ như tại Việt Nam, có thể thấy có những âm mưu kích động các đồng bào dân tộc ít người như Mông, Khmer từ bỏ lợi ích chung của dân tộc Việt Nam để đòi thành lập “nhà nước riêng”... Mục đích của việc kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi là chia cắt đất nước ta thành nhiều vùng, miền, khu vực tự trị của đồng bào dân tộc thiểu số và không phụ thuộc vào Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay vào đó sẽ là lực lượng chính trị phản động nắm giữ. Được các thế lực thù địch thúc đẩy, tạo điều kiện, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan không từ bỏ phương tiện và thủ đoạn nào. Lúc đầu, họ sẽ đòi phục hồi các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rồi cao hơn là gây bạo loạn, lật đổ, đòi dân tộc tự trị, cuối cùng là đòi ly khai lập quốc gia riêng.

Mưu đồ đó nếu được thực hiện thành công thì sẽ gây bất ổn chính trị-xã hội, thậm chí tạo nguy cơ xung đột, làm suy yếu dân tộc Việt Nam dưới góc độ quốc gia-dân tộc và ảnh hưởng bất lợi đến sự tồn tại và phát triển của 54 dân tộc anh em. Như vậy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tư tưởng dân tộc hẹp hòi không chỉ gây bất lợi cho sự phát triển của dân tộc với ý nghĩa là một quốc gia mà còn bất lợi cho sự tồn tại, phát triển đối với các dân tộc với ý nghĩa là các tộc người.

Lợi ích quốc gia-dân tộc là các mục tiêu mà Việt Nam luôn theo đuổi để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mình, bao gồm: Giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chế độ chính trị; bảo đảm an ninh và an toàn cho người dân; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm các điều kiện cho quốc gia phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao... Thế nhưng, những lợi ích này chỉ có thể đạt được trọn vẹn trong một môi trường hòa bình, ổn định.

Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với những sự kiện lịch sử, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục luôn làm nổi bật tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; ngợi ca truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; ghi nhận, tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc thông tin, tuyên truyền về các vấn đề trên luôn thận trọng, bảo đảm đúng quan điểm của Đảng và tôn trọng lịch sử, không lấy lịch sử để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn được tập trung thực hiện kiên quyết, kiên trì nhưng theo đúng nguyên tắc là bảo đảm lợi ích của quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; góp phần giữ gìn, thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh.

Với vị trí địa chính trị đặc biệt cùng sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, Việt Nam đang trở thành quốc gia quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, mỗi động thái ngoại giao của Việt Nam đều thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là trong bối cảnh thế giới đang lâm vào khủng hoảng địa chính trị, các cường quốc phân cực mạnh mẽ. Khi các cường quốc gia tăng sức ép để lôi kéo đồng minh, những quốc gia nhỏ hơn phải chịu rất nhiều áp lực về việc chọn phe. Chỉ những quốc gia với tiềm lực nhất định, khéo léo và bản lĩnh mới có thể cân bằng tình thế để bảo đảm lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhân dân đã phải đổ nhiều máu xương đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước thì không một ai có thể quên đi quá khứ đau thương, càng không bao giờ được lơ là, mất cảnh giác. Tuy nhiên, cũng chính vì thế, chúng ta càng cần trân quý và gìn giữ mỗi trường hòa bình, ổn định để dựng xây đất nước. Chỉ có thể thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” trong điều kiện hòa bình, hợp tác, đoàn kết các dân tộc anh em để phát triển. Kiểu thông tin theo thuyết âm mưu của các trang tin và tổ chức chống cộng là muốn kích động sự hiềm khích dân tộc, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, nhằm làm rối ren tình hình chính trị và đẩy Việt Nam vào tình thế khó khăn. Bởi thế, mỗi người cần tỉnh táo để nhận rõ âm mưu thâm độc, dã tâm phá hoại quan hệ quốc tế, ngăn cản sự phát triển của đất nước ta.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website