Công tác chuyển đổi số của thành phố ngày càng được tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Mô hình quản lý giao thông thông minh
Theo nội dung Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, lĩnh vực giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu để tập trung đầu tư cho chuyển đổi số. Đến nay, Sở Giao thông vận tải thành phố đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đáng chú ý, đơn vị này đã xây dựng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trên cơ sở nâng cấp, tận dụng hệ thống hạ tầng hiện hữu. Trung tâm có quy mô 400 m2 hoạt động liên tục trên cơ sở áp dụng các mô hình hoạt động của các trung tâm quản lý điều hành giao thông hiện đại trên thế giới (TOPIS của Hàn Quốc, hệ thống quản lý iTransport của Singapore...). Hiện, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang thực hiện các chức năng chính của hệ thống giao thông thông minh bao gồm: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giám sát, theo dõi tình hình giao thông; cung cấp thông tin giao thông trực tuyến; phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; mô phỏng dự báo giao thông.
Cụ thể, với chức năng điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông, thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường trên địa bàn thành phố, các thông số của dòng giao thông được chuyển về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm ở các tuyến đường trung tâm thành phố theo các kịch bản “làn sóng xanh” và các kịch bản tương ứng với từng thời điểm. Chức năng mô phỏng dự báo giao thông đã được Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đưa vào hoạt động từ năm 2019. Mô hình mô phỏng dự báo tình hình giao thông toàn thành phố, phục vụ công tác định hướng, xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch, đánh giá tác động các dự án ngành giao thông, các dự án đầu tư xây dựng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng cũng được kiểm tra, đánh giá tác động thông qua mô hình mô phỏng trước khi quyết định triển khai thực hiện…
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông đô thị, đơn vị tập trung khai thác hiệu quả Trung tâm Quản lý điều hành giao thông phục vụ công tác quản lý điều hành giao thông đô thị trên địa bàn thành phố. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị từng bước trở thành Trung tâm dữ liệu (Data Center) ngành giao thông vận tải bảo đảm khả năng lưu trữ, thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải thành phố đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới với mục tiêu tối ưu hóa hệ thống giao thông đô thị. Trong đó, sử dụng công nghệ cảm biến đo đếm lưu lượng thế hệ mới, kết hợp với mô phỏng bản sao kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa luồng giao thông trên các tuyến đường đô thị, từ đó tối ưu hóa thời lượng và chu kỳ đèn tín hiệu giao thông đáp ứng theo từng thời điểm trong ngày.
Chuyển đổi số là động lực phát triển bền vững
Theo Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố phấn đấu trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...
Đến năm 2030, thành phố phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% số hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% số hồ sơ công việc ở cấp quận, huyện và 95% số hồ sơ công việc ở cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội, giảm 40% số thủ tục hành chính; tăng 40% số dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu thuộc nhóm hai địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 9%; phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G…
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, thành phố tập trung tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tập trung phát triển hạ tầng số, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu thành phố có ít nhất hai trung tâm dữ liệu có năng lực tính toán cao và được kết nối đồng bộ để phục vụ các hệ thống thông tin của thành phố tin cậy, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây.
Phát biểu tại Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thông qua những hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số sẽ mang lại kết quả truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố về công cuộc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hiệu quả kinh tế số, đóng góp chung cho phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.