Loading ...
Theo dấu chân Bác
Cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng!
T2, 20/08/2018 - 08:08
“Phái anh tham ô đi thanh tra tham ô thì không được. Phái người lười đi thanh tra công việc người khác thì cũng không được. Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý như vậy khi huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ I, ngày 19/4/1957.
 
Cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng!
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 1961

Thanh tra là công tác rất quan trọng

Giới nghiên cứu nhận định: Thanh tra là một khâu quan trọng và không thể thiếu được trong công tác quản lý Nhà nước, trong việc điều hành của người lãnh đạo. Qua thanh tra, kiểm tra mới thấy rõ những thiếu sót, yếu kém, những điểm chưa phù hợp, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, đánh giá được năng lực điều hành và quản lý của người lãnh đạo và đánh giá một cách đúng đắn nơi nào, cá nhân nào làm tốt hoặc làm chưa tốt, qua đó biểu dương và uốn nắn kịp thời.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện ngành Thanh tra Việt Nam, rất quan tâm đến công tác thanh tra. Theo Bác, thanh tra là công tác rất quan trọng. Bởi vì, “cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa uốn nắn nếu làm sai hoặc làm chậm”.

 

Vẫn có một số ít cán bộ cần phải tự thanh tra mình và sửa chữa những khuyết điểm như: Kèn cựa địa vị, chưa thật đoàn kết. Đối với công việc thì chưa đi sâu, đi sát, thậm chí có khi ra oai dọa dẫm những người bị kiểm tra...
Tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ IV, tháng 2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh (ghi lại bản chuẩn bị của Bác): “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng. Nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”.

 

Huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ I, ngày 19/4/1957, Bác nêu rõ: “Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện nghị quyết, chỉ thị thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn, còn giúp đỡ họ làm cho đúng với nghị quyết, chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải chỉ điều tra, nghiên cứu việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị đã được đến đâu mà còn phải theo dõi cho đến khi công việc đó được làm xong, làm tốt. Trong lúc này, có những cán bộ, đảng viên vì việc này, việc khác mà kén, cán bộ thanh tra cũng phải xét kịp thời, chóng chừng nào hay chừng ấy. Đối với nhân dân việc kêu nài, có lúc không kêu nài đi nữa, cán bộ thanh tra cũng phải đi thăm dò ý kiến của nhân dân”.  

Người còn dạy: “Về công tác xét và giải quyết các việc khiếu nại, tố cáo, nhiệm vụ của các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”. (Huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, ngày 5/3/1960).

Được làm cán bộ thanh tra là một vinh dự, vì thế, phải có đạo đức

Để có được một chính quyền mạnh mẽ của nhân dân không thể không xây dựng nên những người tốt để làm nên những việc tốt trong chính quyền. Mà, nói như GS Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) thì, những người tốt trong công tác thanh tra sẽ góp phần xây dựng nên những người tốt trong chính quyền cách mạng. Họ cùng nhau làm nên những việc tốt để đảm bảo cho nhân quyền và dân quyền không bị vi phạm. Đó chính là một quá trình phát triển biện chứng trong mối quan hệ giữa thanh tra Chính phủ và nhân dân.

Tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, ngày 5/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thực trạng “vừa qua, có nhiều cán bộ thanh tra đã tận tụy, cố gắng công tác. Đó là vì đã nhận rõ tính chất quan trọng và vinh dự của công tác thanh tra. Nhưng, cũng còn một số cán bộ chưa yên tâm công tác, cho làm công tác thanh tra là không tiến bộ, thắc mắc về tiền đồ, đứng núi này trông núi nọ, muốn xin đi công tác khác. Thế là không hiểu rõ nhiệm vụ quan trọng của mình, không hiểu vinh dự của mình, là mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân”.

Hay như, tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ IV, tháng 2/1961, bên cạnh việc ghi nhận (ghi lại bản chuẩn bị của Bác) “nói chung, các đồng chí cán bộ của ngành… đều phấn khởi công tác, làm tròn nhiệm vụ, quyết tâm học tập, luôn cố gắng đi sâu vào nghiệp vụ, đi sát với nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn: Vẫn có một số ít cán bộ cần phải tự thanh tra mình và sửa chữa những khuyết điểm như: Kèn cựa địa vị, chưa thật đoàn kết. Đối với công việc thì chưa đi sâu, đi sát, thậm chí có khi ra oai dọa dẫm những người bị kiểm tra...

Bởi đánh giá thanh tra là công tác rất quan trọng, cho nên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thái độ của cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan: Chớ do ý muốn mà suy đoán chủ quan của mình. Chống quan liêu: Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, ở địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ. Phải cẩn thận, khách quan, điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, chịu khó.

Bác khẳng định: Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự? Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng. Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói, cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt.

Phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng. Rèn luyện đạo đức cách mạng có khó không? Khó - Người thừa nhận! Nhưng, cố học tập sửa đổi, cố phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm dần dần. Công việc của cán bộ thanh tra đòi hỏi cái đó hơn cán bộ khác.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt, thì đó là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ”. Vì thế, Bác nhắc nhở: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 73 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để xứng đáng “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.

Nguồn: thanhtra.com.vn
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website