Loading ...
Theo dấu chân Bác
‘Phò chính’, ‘Trừ tà’
CN, 18/07/2021 - 09:07
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với nhiều bút danh khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố gần 2.000 bài báo. Bài báo đầu tiên của Người đăng trên tờ Nhân Đạo (L’Humanite’) của Đảng Cộng sản Pháp, ngày 18/6/1919 có tiêu đề “Quyền của các dân tộc thuộc địa”.
Tiếp đó là bài “Vấn đề người bản xứ”, ký tên Nguyễn Ái Quốc, ngày 2/8 cùng năm 1919. Bài báo cuối cùng của Người đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969,  “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”. Trước đó không lâu, cũng trên báo Nhân Dân, Người viết bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, đăng ngày 1/6/1969. 1. Từ bài báo đầu tiên cho tới bài báo cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xuất phát từ nhân dân, từ những người lao động cần lao bị áp bức, bóc lột cho tới các cháu thiếu niên nhi đồng- tựu trung lại tất cả là vì quyền lợi của đất nước, của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt cho báo chí. Người coi báo chí là công cụ của cách mạng, người làm báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Những bài báo của Người, những lời căn dặn của Người với báo chí luôn giản dị, dễ hiểu. Thời gian càng lùi xa, nhìn lại người ta càng nhận ra sự vĩ đại của Người ẩn trong những điều vô cùng giản dị. Mà vốn dĩ chân lý là sự giản dị, sự thật thì không cần phải điểm tô. Trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống thực đân Pháp, năm 1949, tại chiến khu Việt Bắc, lớp học viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng được mở ra và vinh dự nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Người chỉ ra 4 việc của người làm báo: Một là, gần gũi quần chúng để viết cho thực, cho hay. Hai là, mỗi nhà báo ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của họ. Ba là, khi viết xong tự mình đọc lại ba - bốn lần để sửa chữa cẩn thận, tốt hơn nữa là nhờ người khác đọc để lấy ý kiến. Và bốn là nhà báo phải luôn luôn học hỏi để tiến bộ. Tại Đại hội II của Hội Nhà báo Việt Nam (họp trong các ngày 16 và 17-4-1959) tại Hà Nội, đến dự phát biểu, Người nói rất giản dị và chân thành: “Là một người có duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo”. Rồi người căn dặn, “viết về chính trị phải nắm cho chắc, không khô khan và tránh hai cái tệ: Một là rập khuôn, hai là dùng nhiều chữ nước ngoài. Còn viết về văn nghệ thường là ba hoa, dây cà dây muống, và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền”. Ngày 7/2/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam. Tại đây, Người đặt vấn đề: “Mỗi khi viết một bài báo thì phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”. Đó chính là nguyên lý cơ bản của báo chí cách mạng, một nền báo chí tiến bộ, vì nhân dân đất nước, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp. Nguyên lý ấy không thay đổi theo thời gian. 2. Coi trọng báo chí với tư cách là đội quân tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo cách mạng phải luôn xác định rõ viết báo là để phục vụ nhân dân, đất nước; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trong Thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, (thư đề ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. “Phò chính” là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. “Trừ tà” là lên án cái xấu cái ác, chống lại sự bất công, phi nghĩa. Mà muốn làm được điều đó thì phải đứng về phía nhân dân, từ nhân dân mà nhìn nhận, đánh giá vấn đề, sự việc. Tuân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những thế hệ nhà báo Việt Nam chân chính luôn “lao tâm khổ tứ” để phát hiện, nhân lên những gương sáng, người tốt trong xã hội; đồng thời dũng cảm lên án, đấu tranh với những thói hư tật xấu, những tiêu cực kéo lùi sự phát triển xã hội. Thời gian qua, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được Đảng phát động, lãnh đạo đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của mọi tầng lớp, trong đó có đội ngũ những người làm báo. Rất nhiều vụ tiêu cực đã được các nhà báo phanh phui. Trong cuộc đấu tranh ấy, sự hiểm nguy rình rập, bởi tham nhũng tồn tại một cách dai dẳng, xảo quyệt và tàn độc. Không dũng cảm, không trung thực sẽ không thể đưa tham nhũng ra ánh sáng. Trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”, vai trò của báo chí là rất quan trọng, hiệu quả. Điều đó được xã hội ghi nhận. Và, cuộc đấu tranh đó vẫn đang tiếp diễn, bất chấp gian khổ khó khăn. Một thực tế đang diễn ra khá gay gắt trong làng báo, đó là làm gì để bắt nhịp cuộc sống trong khi cuộc cách mạng công nghệ như vũ bão. Thuận lợi đến với nhà báo không nhỏ, nhưng thách thức cũng rất lớn. Nếu không được trang bị kiến thức nền tảng tốt, không bắt nhịp với sự phát triển công nghệ, bị cuộc sống bỏ rơi, và điều đó cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu. Nhưng điều quan trọng hơn trong vòng xoáy đó, chính là bản lĩnh của người cầm bút. Những ngày qua, dư luận xã hội hết sức bất bình với một số vụ gây rối, tụ tập đông người biểu tình, đập phá công sở, đốt xe của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Rõ nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 10/6, tại Bình Thuận. Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin vô cùng độc hại, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống đối chế độ, dưới vỏ bọc phản đối Dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Những kẻ cầm đầu gây rối, lộ mặt hay giấu mặt, thì cũng đều lợi dụng triệt để mạng xã hội để kêu gọi, xúi giục, hướng dẫn, tổ chức đám đông. Họ đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân, kích động, xúi bẩy người dân biểu tình một cách sai trái. Không thể nói đó là hành động tự phát mà phải khẳng định những cuộc biểu tình dẫn tới bạo loạn đó đã được kẻ xấu hà hơi tiếp sức. Những đống đá để sẵn bên đường xui người dân ném vào người thực thi công vụ, vào trụ sở cơ quan công quyền. Những “bom xăng” tự chế đốt cháy xe của cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Hàng vạn áp-phích, biểu ngữ chung một nội dung chống chế độ. Hàng loạt tờ truyền đơn kêu gọi công nhân đình công, xuống đường... Tất cả không thể do người dân lành tự nghĩ ra, mà có sự tổ chức bài bản của những kẻ giấu mặt. Trong những ngày nóng bỏng đó, những người làm báo chân chính đã vào cuộc. Vào cuộc một cách quyết liệt vì sự bình yên của đất nước, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Hàng loạt bài báo đã vạch trần bộ mặt thật của những kẻ nấp dưới vỏ bọc “tuần hành ôn hòa”, đã chỉ rõ và lên án quyết liệt hành động bạo loạn, vi phạm pháp luật. Cùng với những cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ an toàn trên không gian mạng, các cơ quan báo chí đã vào cuộc từ đầu, quyết liệt, rõ ràng quan điểm. Đó là không chấp nhận những hành động kích động lòng yêu nước của nhân dân để biểu tình, bạo loạn hòng chống phá, lật đổ chế độ. Sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí đã yên lòng dân, khiến những kẻ chống đối đầy tà tâm không còn dám kích động người dân chống phá chính quyền. Rồi đây những kẻ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm, trong đó có sự đóng góp lớn của báo chí. Nói điều đó để thấy, thế hệ những người làm báo hôm nay đã tiếp bước thế hệ những người làm báo chân chính trước đó. Nếu trong chiến  tranh, những người làm báo cầm bút và cầm súng không ngại gian khổ hiểm nguy, kể cả hy sinh thân mình cho độc lập, tự do, thống nhất đất  nước; thì hôm nay chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh để giữ gìn thành quả cách mạng, giữ gìn đất nước độc lập tự do có được nhờ biết bao xương máu của cha anh. Tuy nhiên, trong niềm tự hào đó, cũng cần thấy những yếu kém của đội ngũ người làm báo, khắc phục để tiệm cận với sự hoàn thiện. Đó là vẫn còn số ít người làm báo né tránh những vấn đề nóng của xã hội, không đủ bản lĩnh đứng về phía sự thật, đứng về quyền lợi của nhân dân, đất nước, của chế độ. Họ chọn cho mình những đề tài dễ dãi chính là cách ẩn núp, thoái thác trách nhiệm công dân và nghĩa vụ của người làm báo. Lại cũng có người bị những “viên đạn tiền” xuyên thủng, viết sai sự thật, chỉ với mục đích “vinh thân phì gia”. Việc một số nhà báo bị kỷ luật, kể cả xử lý hình sự cho thấy việc tu dưỡng đạo đức của người làm báo phải được đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn. Cũng như sự lựa chọn, sàng lọc đội ngũ là hết sức cần thiết. Những ngày này, báo giới cả nước hân hoan đón chào kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018). Nhớ lại những lời dạy của Bác Hồ, noi gương thế hệ các nhà báo chân chính đi trước, những người làm báo hôm nay thêm một dịp để nghĩ về mình, nghĩ về nghề, cũng là nghĩ về nhân dân, đất nước. Học tập, tu dưỡng, rèn luyện nghề cũng như rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút là một quá trình nối tiếp nhau không có điểm đầu mà cũng không có điểm kết thúc. Dũng cảm “phò chính”, “trừ tà” để chúng ta có thể tự hào nói rằng, chũng tôi là những người làm báo vì nhân dân, đất nước.
Trong Thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, (ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Phò chính là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. Trừ tà là lên án cái xấu cái ác, chống lại sự bất công, phi nghĩa.
Nguồn: daidoanket.vn
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website