Những quan điểm còn nguyên giá trị
Trong các bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích một cách sâu sắc những vấn đề liên quan đến thi đua yêu nước, từ bản chất thi đua, nội dung thi đua, cách thức thi đua, mức thi đua, ý nghĩa thi đua, lực lượng thi đua, động lực thi đua, bản chất của thi đua, tính chất của thi đua yêu nước. Đồng thời, bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập trong phong trào thi đua yêu nước.
Nội dung cốt lõi, cũng như bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc cách mạng, thực hiện tốt hơn công việc hàng ngày. Tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên xuất phát và biểu hiện trên vấn đề cơ bản là: Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất sâu sắc về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và tầm quan trọng của thi đua yêu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ yêu cầu về tính thực tiễn, cụ thể, thiết thực của thi đua yêu nước phải được thực hành vào công việc yêu nước mà thực chất là làm tốt hơn những công việc hàng ngày.
Mục đích của thi đua yêu nước là làm cho nước nhà nhanh giành được độc lập, tự do, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng của phong trào thi đua yêu nước là toàn thể nhân dân “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái trai; bất kỳ giàu nghèo, lớn, nhỏ đều phải trở nên một người chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó phong trào thi đua yêu nước cần phát huy sức mạnh của toàn dân, tạo được sự tham gia tích cực của nhân dân, làm cho thi đua yêu nước trở thành phong trào hành động cách mạng của nhân dân, của mọi tầng lớp xã hội. Người chỉ rõ: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to”.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định lực lượng có sức mạnh vô địch trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đó là do nhân dân. Thi đua yêu nước có trở thành phong trào cách mạng hay không, có mang lại lợi ích thiết thực cho cách mạng hay không phụ thuộc vào quần chúng nhân dân, không có sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, không được nhân dân tự giác, tự nguyện tham gia thì thi đua yêu nước không thể tồn tại và phát triển.
Thi đua, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Chính vì vậy, Người vừa khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, vừa quan tâm đến công tác, khen thưởng, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương người tốt, việc tốt. Người cho rằng, muốn tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, trước hết phải hiểu rõ bản chất, mục đích, nội dung, cách thức, mức độ và ý nghĩa của thi đua. Nội dung thi đua phải gắn với nhiệm vụ của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng, đó là thi đua tăng gia sản xuất, thi đua thực hành tiết kiệm… thi đua khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cách thức thi đua phải phong phú, đa dạng nhằm gom góp sáng kiến, rút ra kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Mức độ thi đua là phải nâng cao dần mãi mãi.
Như vậy, thi đua yêu nước theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều là việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Mục đích và ý nghĩa của thi đua rất rộng lớn và sâu sắc: “Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới. Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới”. Đồng thời, Người yêu cầu, trong phong trào thi đua yêu nước “phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội; ý thức làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng đất nước; chịu đựng mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ”.
Ảnh minh họa |
Phong trào thi đua yếu kém là do có khuyết điểm trong công tác tổ chức lãnh đạo
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định phương hướng, lựa chọn nội dung thi đua phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, động viên cổ vũ mọi người tích cực làm tốt những công việc làm hàng ngày. Người nhắc nhở: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Khi nội dung thi đua được xác định, phải đề ra mục tiêu, mức độ phấn đấu thật sự khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và luôn yêu cầu cao để mọi người cùng phấn đấu. Theo Người: “Mức thi đua phải tiến dần dần và tiến mãi mãi... Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”, có sự chỉ đạo thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng. Người chỉ ra những nơi phong trào thi đua yếu kém là do có khuyết điểm trong công tác tổ chức lãnh đạo phong trào. Người nhắc nhở: “Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng”. Người luôn yêu cầu cán bộ phải thật sự mẫu mực, luôn gương mẫu trong phong trào thi đua, thực sự là tấm gương sáng để cấp dưới và quần chúng noi theo.
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của tổ chức đảng các cấp, sự gương mẫu và sâu sát, tỉ mỉ của đội ngũ cán bộ, để thi đua có chất lượng và hiệu quả cao, cần phải có kế hoạch khoa học, với nhiều biện pháp tổ chức thực hiện chu đáo, chặt chẽ. Đồng thời, phải có quyết tâm cao, tránh đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.
Nói về vai trò của thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, phong trào thi đua càng phát triển tốt đẹp, tất nhiên càng nảy nở nhiều cá nhân, tập thể tiên tiến, điển hình cho phong trào; đề cao sáng kiến của quần chúng và phổ biến rộng rãi; Người nhắc nhở: “Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những con sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”.
- ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH KHỐI CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH VỀ NGUỒN NĂM 2023
- Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới hiện nay
- Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
- Xây dựng Đảng về đạo đức theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Chữa “bệnh quan liêu” của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về giá trị con người Việt Nam
- Có dân là có tất cả
- Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí theo Di chúc
- Xây dựng Nông thôn mới theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đổi mới, hội nhập và phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh