Loading ...
Theo dấu chân Bác
Sáu điều Bác Hồ dạy – Di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh
T5, 19/08/2021 - 08:08
Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Công an nhân dân Việt Nam, Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng người công an cách mạng; trong đó Sáu điều Bác Hồ dạy là lời chỉ dẫn vô cùng quý báu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân gần 70 năm qua.

Sáu điều Bác Hồ dạy - Lời chỉ dẫn quý báu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian, công sức chỉ bảo xây dựng, giáo dục và rèn luyện lực lượng Công an nhân dân trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Người đã để lại nhiều lời căn dặn, những chỉ dẫn vô cùng quý báu đối với Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có Sáu điều dạy của Người được chỉ rõ trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII cách đây gần 70 năm (ngày 11-3-1948):

“Tư cách người Công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Nội dung Sáu điều Bác dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Đồng thời là những phẩm chất không thể thiếu của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an; là nhân tố quyết định để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Có thể khẳng định, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là một chỉnh thể thống nhất, hàm chứa những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý, thể hiện sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và tự mình nêu gương thực hành, mãi mãi là di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. “Tư cách người công an cách mệnh” thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; là chuẩn mực đạo đức, lối sống, là tiêu chí phấn đấu, rèn luyện, phương châm hành động, biện pháp công tác của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Đồng thời, Sáu điều Bác dạy Công an nhân dân đã khái quát lên hình mẫu người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân với những phẩm chất cao quý: có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn; sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui lẽ sống của mình. Đó chính là động lực, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để mỗi cán bộ, chiến sĩ dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Sáu điều Bác dạy đã trở thành lời huấn thị chung, là di sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với toàn lực lượng và mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Đồng thời, là mong muốn thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam.

Gần 70 năm quán triệt, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, lực lượng Công an nhân dân đã từng bước phát triển và ngày càng trưởng thành về mọi mặt, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Gần 70 năm lực lượng Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy

Ngay từ năm 1948, toàn văn bức thư của Bác đã được đăng trên các số báo của Nha Công an Trung ương. Ngày 19-5-1948, tại Rừng Thông, Đông Sơn - nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ty Công an Thanh Hóa đã tổ chức cắm trại, mở đợt sinh hoạt chính trị tổng kiểm thảo theo Sáu điều Bác Hồ dạy. Từ đây, phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đã hình thành và phát triển sâu rộng trong toàn quốc, là nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, góp phần quan trọng làm nên những chiến công, thành tích vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.

Nhận thức rõ giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn trong Sáu điều Bác Hồ dạy, Đảng Đoàn Bộ Nội vụ (nay là Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an) luôn quan tâm chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân đẩy mạnh học tập và thực hiện theo Sáu điều Bác Hồ dạy, coi đây là nội dung phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ để tự hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cũng đã chỉ rõ, ở đâu và khi nào, việc quán triệt, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy có hiệu quả thì ở đó và khi đó an ninh, trật tự được bảo đảm, Công an được nhân dân tin yêu, cấp ủy, chính quyền tin cậy.

Trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, thực hiện Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 25-6-1980 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cuộc vận động “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành các chỉ thị, như: Chỉ thị số 04/CT-BNV ngày 25-5-1983 phát động “Phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều dạy của Bác Hồ kính yêu đối với Công an nhân dân”; Chỉ thị số 03/CT-BNV ngày 02-6-1984 về việc “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với Công an nhân dân”… nhằm đẩy mạnh phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với Công an nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, liên tục phát động phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng lực lượng, đơn vị, gắn chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn tự soi mình vào từng lời dạy của Bác để liên hệ, kiểm điểm nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, biến nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn xác định công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Do vậy, để thúc đẩy phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân lên một tầm cao mới, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 214/CT-BNV ngày 04-5-1994 về “Tiếp tục học tập và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trong tình hình mới”; Chỉ thị số 10/CT-BNV ngày 04-9-1996 về học tập và thực hiện bài viết của Cố vấn Phạm Văn Đồng “Công an nhân dân đoàn kết phấn đấu thực hiện những lời dạy của Bác Hồ”; Chỉ thị số 12/CT-BNV ngày 26-8-1997 về “Kỷ niệm 50 năm lực lượng Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 01-11-2002 về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy từ năm 2003 đến năm 2008”; Chỉ thị số 05/CT-BCA-X11 ngày 19-8-2013 về “Đẩy mạnh phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, giai đoạn 2013 - 2018”... để chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Các chỉ thị này đã chỉ rõ chủ trương, hình thức và biện pháp thực hiện để đưa phong trào đi vào nền nếp, có chiều sâu, gắn với thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, là động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy họ hăng hái làm việc, thi đua lập nhiều chiến công, thành tích.

Như vậy, gần 70 năm lực lượng Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, “Tư cách người công an cách mệnh” đã và đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả công tác công an, nhất là trong xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời góp phần xây dựng, củng cố và khẳng định bản chất chính trị của Công an nhân dân Việt Nam: Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; “công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website