Loading ...
Theo dấu chân Bác
Tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
T4, 24/02/2021 - 09:02
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và thực hiện những đức tính cần - kiệm - liêm - chính. Tháng 6-1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh là Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949 để giải thích rõ nội dung 4 đức tính này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lao động tăng gia sản xuất cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Gần 70 năm đã trôi qua, nhưng những nội dung Bác đã đề cập trong tác phẩm đó vẫn luôn nóng hổi tính thời sự và có giá trị thiết thực. Mở đầu bài viết, Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc”. “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Thiếu một mùa thì không thành trời Thiếu một phương thì không thành đất Thiếu một đức thì không thành người”. Trong bài báo “Thế nào là Cần”, Bác đã giải thích rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ”. “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Trong bài báo Bác chỉ rõ: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Kế hoạch lại đi đôi với phân công”; “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ”. “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần... Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Do vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”. Trong bài báo Thế nào là Kiệm, Người phân tích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.” Trong bài báo Người đã chỉ rõ mối quan hệ giữa Cần và Kiệm. Đồng thời giải thích cách thức tiết kiệm bằng cách nào, và phân tích thêm: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?  Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa". Kết thúc bài báo, Người kết luận kết quả của tiết kiệm là: “Kết quả CẦN cộng với kết quả KIỆM là: bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả chữ CẦN chữ KIỆM to lớn như vậy đó. Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”. Trong bài báo Thế nào là Liêm, Bác phân tích “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…”. “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. "Quan tham vì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Trong bài báo: Thế nào là Chính, Người đã giải thích: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn. CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH là tác phẩm rất có giá trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phong trào thi đua yêu nước không chỉ lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong thực hiện cuộc vận động "Học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Ðảng ta phát động. Không phải ngẫu nhiên trong Sáu điều Bác dạy CAND, điều đầu tiên Người căn dặn các chiến sĩ Công an: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi đó là yêu cầu đối với chính mình, là xuất phát điểm, là phạm trù gốc, đồng thời cũng là cơ sở để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác.  
http://cand.com.vn/Cong-an/Tac-pham-Can-kiem-liem-chinh-cua-Chu-tich-Ho-Chi-Minh-481336/
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website