Loading ...
Chuyển đổi số
Tích hợp, cung cấp 80% thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội trên Cổng dịch vụ công quốc gia
T4, 09/08/2023 - 10:08

Trong năm 2023, mục tiêu đặt ra là 80% thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

 

 

Xây dựng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 1177/QĐ-bảo hiểm xã hội kèm theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ ngày 12/5/2023 của Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tăng cường thực hiện "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án 06).

Mục đích của Chương trình nhằm khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, phát huy vai trò tích cực, chủ động trong triển khai Đề án 06, tiếp tục tập trung trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của toàn ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ; xây dựng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Văn bản nêu rõ, trong năm 2023, 100% bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thành lập tổ công tác, ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2023 và các năm tiếp theo; duy trì giao ban Tổ công tác tối thiểu 1 lần/tháng để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06.

100% công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành được phổ biến, quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện Đề án 06 được nêu tại Nghị quyết này; kịp thời phổ biến chủ trương, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Tổ công tác của Chính phủ triển khai Đề án 06 để thống nhất trong triển khai thực hiện.

100% công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường số, kỹ năng sử dụng phần mềm nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp vị trí công tác.

Phấn đấu 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được số hóa theo quy định.

Cùng với đó, không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú. 50% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Phấn đấu 100% người tham gia có số định danh cá nhân, căn cước công dân, được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý và được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mở rộng giao dịch với các ngân hàng đủ điều kiện kết nối khi thực hiện các thủ tục thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 80% thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 80% bộ phận "Một cửa" các cấp triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc dựa trên thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trong giai đoạn 2024-2025, tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được trong năm 2023 và hướng đến đạt được các mục tiêu sau. Cụ thể là:

100% Bộ phận "Một cửa" của bảo hiểm xã hội các cấp triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc dựa trên thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

100% thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong giai đoạn 2024-2025:
100% Bộ phận "Một cửa" của bảo hiểm xã hội các cấp triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc dựa trên thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Tiếp tục nghiên cứu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý, phân tích, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo.

Trong giai đoạn 2025-2030, tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2024-2025 và hướng đến đạt được các mục tiêu sau. Đó là:

Hoàn thiện các quy định, hướng dẫn của ngành; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số.

 

Duy trì, mở rộng hạ tầng thông tin, các phần mềm, ứng dụng, dữ liệu liên quan đến người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Hoàn thiện, mở rộng các công cụ phân tích dữ liệu đa chiều, trực quan hóa, tổng hợp, thống kê, báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định hoặc đề xuất thay đổi chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, dữ liệu về bảo hiểm xã hội trong quản lý, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân; Tiếp tục tổ chức triển khai công tác đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực số; tập trung đào tạo lực lượng hiện tại, tuyển dụng mới (khi cần thiết) chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai phá dữ liệu sử dụng các công nghệ BigData, AI.

7 nhiệm vụ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để thực hiện các chỉ tiêu nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06.

Thứ hai, hoàn thiện quy định, hướng dẫn, nâng cấp phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin.

Thứ ba, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động về thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số.

Thứ tư, kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao trình độ, bố trí nhân sự thực hiện Đề án 06.

Thứ năm, tăng cường cải cách hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ sáu, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

Thứ bảy, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ước đến hết tháng 8/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước sẽ đạt khoảng 17,26 triệu người, đạt 92,1% kế hoạch giao, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong số này, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 15,81 triệu lao động, đạt 93,4% kế hoạch giao, tăng 60 nghìn người so với tháng 7/2023, tăng 168 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Một vài địa phương ghi nhận số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng so với năm 2022 như: Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Ngãi,...

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên toàn quốc là 1,45 triệu người, đạt 79,7% kế hoạch giao, tăng 37 nghìn người so với tháng 7/2023. Cụ thể, một số địa phương đang phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tốt như: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh,...

Số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,647 triệu người, đạt 98,4% kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ là 92,6% dân số. Có một số địa phương như: Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, Nam Định, Gia Lai.... gia tăng số tham gia bảo hiểm y tế so với năm 2022.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website