Loading ...
Chuyển đổi số
TIN TỨC CHUYỂN ĐỔI SỐ: CHÍNH PHỦ SẼ LÀ “NGƯỜI TIÊU DÙNG LỚN” CỦA SẢN PHẨM SỐ VIỆT NAM
T6, 26/05/2023 - 09:05

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ đồng hành và là người tiêu thụ lớn của các doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số.

 

Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (DX Summit 2023), diễn ra ngày 24 -25 /5 ở Hà Nội, bàn về khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh. Theo Phó Thủ tướng, đây là chủ đề "hết sức phù hợp để hưởng ứng năm quốc gia về dữ liệu số", đóng góp vào sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.

 

Chia sẻ với các doanh nghiệp tham gia sự kiện, ông Trần Hồng Hà đánh giá về mặt chủ trương, chiến lược chuyển đổi số, Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện, cụ thể là vấn đề thể chế hóa pháp luật có chỗ còn "chưa kịp thời". Ông lấy ví dụ về vấn đề như tiêu chuẩn, định mức, chính sách khuyến khích, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ hạ tầng, quy hoạch chưa được thể chế hóa. "Chúng tôi nhận thức được thiếu sót này và đang tích cực làm những việc đó. Chúng tôi sẽ khắc phục sớm", ông nói.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại DX Summit 2023 sáng 24/5. Ảnh: Minh Sơn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại DX Summit 2023 sáng 24/5. 

 

Phó Thủ tướng cũng mong muốn doanh nghiệp sẽ đánh giá các nỗ lực của Chính phủ trong chuyển đổi số, thẳng thắn đề xuất những việc Chính phủ phải làm nhanh hơn, kịp thời hơn, toàn diện hơn.

 

"Về phía Chính phủ, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, là người tiêu thụ lớn của các doanh nghiệp, để Chính phủ có thể chuyển đổi số nhanh nhất, đủ sức mạnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đóng góp vào vị thế Việt Nam thông qua các sứ giả chuyển đổi số, qua sản phẩm chuyển đổi số Make in Vietnam", ông cho biết.

 

 

Liên quan đến dữ liệu số, ông cho rằng đây là tài nguyên "còn hơn cả vàng" vì là tài nguyên vô tận, sáng tạo từ tư duy con người, và thay thế cho tài nguyên thiên nhiên để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Dẫn thống kê của Liên Hợp Quốc xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2022, ông Trần Hồng Hà đánh giá đây là kết quả "không quá đáng ngưỡng mộ, nhưng có thể chấp nhận".

 

Ông đề nghị "mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì mới có tài nguyên số", bởi chuyển đổi số là việc không thể một người, một tổ chức hay một quốc gia có thể làm được. Phó Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ sửa nghị định 73 về đầu tư công nghệ thông tin, bổ sung luật công nghệ thông tin, viễn thông, giao dịch điện tử, với tiêu chí lấy người dân làm trung tâm.

 

Trước mong muốn phát huy sức mạnh của tài nguyên dữ liệu số, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) đề xuất Việt Nam cần chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược này được ông giải thích là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu.

 

"Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam", ông nói.

 

Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa tại sự kiện sáng 24/5. Ảnh: Minh Sơn

Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa tại sự kiện sáng 24/5. 

 

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang ở năm thứ ba thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Các chuyên gia nhận định tình hình chuyển đổi số trong nước đang bước vào giai đoạn "tạo ra những kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội". Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số gọi năm 2023 là Năm dữ liệu số quốc gia, tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.

 

Tuy nhiên, kho dữ liệu của Việt Nam hiện nay được đánh giá còn rời rạc, cục bộ, chưa thống nhất. Tình trạng này xuất phát từ việc nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động chia sẻ, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tích hợp dữ liệu.

 

Các chuyên gia tại DX Summit 2023 khẳng định muốn tạo lập được dữ liệu số phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia. Muốn khai thác dữ liệu số hiệu quả, tạo ra giá trị mới cần có những mô hình, kế hoạch hợp tác cụ thể để chia sẻ và cùng khai thác dữ liệu số.

 

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI, cho biết dữ liệu được xác định là nguồn tài nguyên quý không kém tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, than và đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy mô hình kinh tế số. "Việc tạo và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi, cũng như tạo nên sự khác biệt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả, cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để hình thành cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin", ông Sơn nói.

 

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Misa Lê Hồng Quang, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là trách nhiệm chung của Chính phủ, các đơn vị trung gian kết nối và các tổ chức, cá nhân đóng góp dữ liệu. Ông đề xuất cần cho phép doanh nghiệp, người dân, nếu đạt điều kiện sẽ được phép khai thác CSDL quốc gia vì "dữ liệu chỉ có giá trị khi được khai thác".

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc FPT Information System, đưa ra ba giải pháp cho tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu, gồm xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được dịch vụ do chính phủ và doanh nghiệp cung cấp; thành lập cơ quan chuyên trách quốc gia về hợp tác công tư cho ngành CNTT; và nghiên cứu thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website