Loading ...
Chuyển đổi số
TIN TỨC CHUYỂN ĐỔI SỐ: CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG NGÀY CÀNG MẠNH MẼ, THIẾT THỰC
CN, 28/05/2023 - 18:05

 Đây là nhận định chung được giới chuyên gia, DN tài chính, ngân hàng đưa ra tại hội thảo Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng và Fintech-dữ liệu cá nhân, do Tập đoàn dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức ngày 26/5 tại TP HCM.

Lĩnh vực Tài chính-ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, thời gian gần đây, Việt Nam đã có những chuyển biến rất nhanh trong việc số hóa các cơ sở dữ liệu, ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở nước ta được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Theo thống kê, hiện ở Việt Nam có trên 30% dân số sử dụng app để giao dịch ngân hàng, chỉ đứng sau Trung Quốc (trên 41%). Có được kết quả này là nhờ 3 trụ cột quan trọng gồm: hạ tầng công nghệ - viễn thông, hạ tầng số của nước ta được đầu tư và hết sức coi trọng. Điều này minh chứng cho sự nhạy bén của Chính phủ đối với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, khuôn khổ pháp luật, chính sách trong lĩnh vực này cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, liên tục đổi mới trong nhiều năm qua, đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển lĩnh vực này trong tương lai. Ông Ngoạn dự báo, thời gian tới, làn sóng chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Các ngân hàng sẽ ưu tiên và đẩy mạnh triển khai các chương trình chuyển đổi số. Đồng thời, mô hình kinh tế chia sẻ, sự liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra nhiều loại hình mới, dịch vụ mới cho người tiêu dùng. Trong đó, Fintech - dữ liệu cá nhân tiếp tục có nhiều không gian phát triển và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khởi nghiệp.

Tăng cường các giải pháp an toàn hệ thống và dữ liệu

Đánh giá về cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, trong 2 thập kỷ qua, công nghệ số bùng nổ và phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế cả nước nói chung. Tuy nhiên, chuyển đổi số càng sâu thì lượng dữ liệu càng lớn, đòi hỏi tốc độ xử lý càng cao và đảm bảo an toàn dữ liệu cũng cần được quan tâm.

Ông Đường cũng lưu ý, các dữ liệu cá nhân là thông tin có giá trị nhất, quyết định thành công của hầu hết các dịch vụ trực tuyến, nhưng cũng là đích nhắm đến, mục tiêu săn lùng của tội phạm công nghệ tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó, 75% lừa đảo tài chính, 25% lừa leo thang đánh cắp dữ liệu cá nhân để lừa đảo tài chính hoặc mục đích xấu khác.

Để đảm bảo an toàn dữ liệu, các chuyên gia cũng khuyến nghị người dùng cần có ý thức và kiến thức để bảo vệ, giữ gìn thông tin cá nhân. Đồng thời, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật; ban hành quy định, chính sách an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đào tạo, nâng cao nhận thức cho nhân viên và khách hàng; tập trung đầu tư các giải pháp an toàn hệ thống và bảo vệ dữ liệu.

TP HCM nghiên cứu xây dựng “Phố Fintech”

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, chủ đề của chương trình lần này rất phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay và định hướng phát triển của TP HCM. Đặc biệt là hướng tới mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và nghiên cứu xây dựng “Phố Fintech” theo mô hình trung tâm tài chính Phố Wall của New York (Hoa Kỳ).

Ông Thắng cũng cho biết, Nghị quyết 31/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 TP HCM trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ (KHCN) của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á… Đến 2040, kinh tế số sẽ đóng góp 40% GRDP của TP HCM, từ mức 15,38% hiện tại.

Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền TP đã ban hành nhiều chính sách, tập trung vào KHCN và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là 2 lĩnh vực trọng tâm cho sự phát triển kinh tế xã hội dựa trên việc nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hiệu quả cho hoạt động phát triển DN; tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo DN công nghệ tại các trường đại học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu Công viên phần mềm Quang Trung để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, TP cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như: chương trình chuyển đổi số, đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh; chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghệ thông tin-truyền thông; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đề án phát triển thương mại điện tử, logistics trên địa bàn… Riêng năm 2023, với chủ đề là năm “Dữ liệu số”, TP HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng chiến lược phát triển dữ liệu số; quản trị dữ liệu số, trong đó, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: dữ liệu đất đai, đô thị; dữ liệu thông tin người dân và dữ liệu phát triển tài chính-DN. 

 

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website