Loading ...
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MinhMỗi ngày một tin tốt
Đinh Hữu Dư – Hãy là cánh chim bay cao trên trời mây Yên Bái
T7, 14/10/2017 - 15:10
Ba ngày qua, không chỉ những cán bộ, phóng viên dưới mái nhà Thông tấn xã Việt Nam mà cả nhiều đồng nghiệp trong làng báo trĩu nặng niềm đau khi nghe tin dữ. Trưa 11/10, trong lúc đang đưa tin về tình hình mưa lũ địa phận cầu Thia tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, phóng viên Đinh Hữu Dư, thuộc Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái, đã bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Liên tiếp những bản tin thời sự trên các trang báo điện tử, trên các kênh truyền hình và phát thanh, hay ở những dòng trạng thái trên mạng xã hội, ai cũng cầu mong một điều kỳ diệu đến với Dư.

Nhưng phép lạ không xảy ra. Chiều 13/10, Dư đã được tìm thấy ở cách khu vực xảy ra sự cố gần 100km.

Phóng viên Đinh Hữu Dư, sinh năm 1988 tại một làng quê ở Tân Trung, Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Em tốt nghiệp K27, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hệ chính quy, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trường đại học, rồi tiếp tục hoàn thành bằng Thạc sỹ báo chí. Trúng tuyển kỳ thi tuyển phóng viên của TTXVN năm 2016, em nhận nhiệm vụ tới công tác tại Yên Bái từ ngày 1/10/2016.

Sự ra đi của chàng phóng viên nhiệt huyết Đinh Hữu Dư khiến cho tất cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng và đau đớn. Lâu lắm rồi, nước mắt mới rơi nhiều như thế! Kể cả những người chưa hề gặp cậu trai trẻ mới làm việc được hơn một năm tại cơ quan, cũng không khỏi rưng rưng lệ. Còn những người đã biết em, đã từng làm việc với em, hoặc chỉ có dịp đôi lần trò chuyện với Dư, đều cảm thấy như mất đi một người thân yêu trong gia đình.

Không ai tin nổi người bạn, người em với nụ cười dễ mến ngày nào đã không bao giờ trở về nữa. Chúng tôi không còn được gặp lại người đồng nghiệp dù ít tuổi nghề nhưng luôn sẵn sàng ở tuyến đầu, độc giả không còn được đọc những bài viết xúc động, xem những thước hình em quay với bút danh Giang Phong quen thuộc.

Câu chuyện của chàng phóng viên trẻ măng Đinh Hữu Dư với những người cầm bút là câu chuyện sẽ được kể mãi không dứt về hy vọng, về sự dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo.

Đinh Hữu Dư ơi, dù không thể hoàn tất giấc mơ giản dị của riêng mình, thì với chúng tôi, em vẫn là cánh chim bay cao trên trời mây Yên Bái, một cánh chim lướt như cơn gió vượt sông núi như bút danh em hay dùng. Em sẽ mãi nhắc chúng tôi phải biết sống và cống hiến hết mình như em đã từng như thế.

Buổi sáng định mịnh và chiếc mũ giữa dòng nước lũ
Ba ngày trôi qua kể từ khi Đinh Hữu Dư - phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN gặp nạn trong quá trình tác nghiệp, đưa tin về tình trạng mưa lũ tại khu vực cầu Thia (huyện Văn Chấn, Yên Bái), bạn bè, đồng nghiệp vẫn không khỏi bàng hoàng.
“Tim tôi như thắt lại khi biết Dư bị lũ cuốn đi. Từ khoảnh khắc ấy, tôi vẫn luôn không ngừng hy vọng về một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thế nhưng, điều ước đã không thành hiện thực! Sự giận dữ của thiên nhiên đã cướp đi sinh mạng của người em, người đồng nghiệp thân thiết của tôi. Xót xa khi đối diện với sự thật, em sẽ vĩnh viễn không về, không bao giờ cùng rong ruổi với tôi trên đường tác nghiệp; nhưng cảm thấy được an ủi phần nào vì em đã không phải nằm cô quạnh, lạnh lẽo một nơi nơi bùn đất ấy nữa. Em sẽ được đưa về với gia đình, quê hương, trở về với vòng tay cha mẹ,” Phạm Thế Duyệt - phóng viên cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái trải lòng.
 
 
Chiếc mũ dập dềnh trên sóng nước

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phạm Thế Duyệt không giấu được sự xúc động. Nhiều lần, giọng anh nghẹn lại. Những khoảng lặng kéo dài đan xen giữa câu chuyện. Duyệt đang cố trấn tĩnh bản thân.

“Chưa bao giờ tôi có thể hình dung, anh em tôi sẽ không bao giờ có thể gặp lại nhau, để cùng say sưa trong những câu chuyện nghề, chuyện đời,” anh thổn thức.

Theo lời kể của Phạm Thế Duyệt, sáng 11/10, nghe tin lũ về, nước lên cao tại khu vực thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), anh cùng đồng nghiệp Đinh Hữu Dư lập tức di chuyển bằng xe máy từ thành phố Yên Bái vào thị xã Nghĩa Lộ để đưa tin, cập nhật và phản ánh tình hình.

“Chúng tôi xuất phát lúc 10 giờ. Sau khoảng hai tiếng đồng hồ chạy xe liên tục, chúng tôi có mặt ở hiện trường. Khi ấy, trời mưa rất to, nước sầm sập táp vào mặt, cảm giác rát và tầm nhìn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo như phân công công việc ban đầu, tôi sẽ chụp ảnh hiện trường, Dư sẽ quay phim, ghi lại hình ảnh khi lũ về,” Duyệt nói.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt anh những hình ảnh buồn đau. Hai phóng viên của TTXVN chọn cầu Thia - cây cầu gồm 5 nhịp nối huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái làm vị trí đứng tác nghiệp.

Và khi đó, dòng nước lũ cuộn xiết, đục ngầu, ào ào dội về.

“Khoảng 12 giờ trưa 11/10, tôi sử dụng ống tele để chụp ảnh. Tuy nhiên, do trời mưa lớn, ống kính nhanh chóng bị nhòe. Tôi nói với Dư (lúc ấy đang quay phim trên cầu) rằng, tôi vào chỗ có mái che để thay ống kính, sau đó sẽ quay lại ngay. Thật chẳng ngờ, đó là những giấy cuối cùng chúng tôi đứng sát vai bên nhau, những câu nói cuối cùng nhắn nhủ với nhau. Chuyến tác nghiệp định mệnh!,” Phạm Thế Duyệt nhớ lại, giọng nghẹn ngào.

Khi đang thay ống kính, bỗng dưng, Duyệt nghe tiếng nước gầm thét ầm ào. Theo phản xạ tự nhiên của một phóng viên đưa tin thời sự, anh lập tức quay lại phía cầu. Đứng ở phía thành cầu, khi đang giơ máy lên chụp, bỗng dưng anh thấy một nhịp cầu bị dòng nước dữ đánh sập, nổi trôi dưới dòng nước hình ảnh một chiếc mũ bảo hiểm - đó là chiếc mũ của Đinh Hữu Dư.

Choáng váng. Thất thần. Duyệt như không tin vào mắt mình. Định thần lại, anh nhận ra, nhịp cầu gãy kia là nơi đồng nghiệp của anh vừa đứng ghi hình. Vậy là Dư đã bị ngã xuống và cuốn vào dòng nước chảy xiết. Chiếc mũ bảo hiểm ẩn hiện giữa sóng nước. Nó cứ mờ dần, nhỏ dần theo dòng chảy.

“Dư đâu rồi?! Tim tôi như thắt lại. Tôi như không tin vào mắt mình. Cảm giác bàng hoàng tâm can, bất lực nhìn theo phía chiếc mũ mà không thể với tay ra để níu giữ Dư lại. Kể từ khoảnh khắc ấy, tôi vẫn mong một phép màu sẽ xảy ra. Em sẽ được một ai đó kéo vào bờ…,” phóng viên Phạm Thế Duyệt chia sẻ.

Anh bảo, trước đây, khi nghe tin một ai đó mất tích trong bão lũ, anh luôn cảm thấy rất đau lòng. Thế nhưng, trong thời khắc định mệnh trưa 11/10 ấy, khi tận mắt chứng kiến người đồng nghiệp, người em thân thiết của mình bị cuốn theo dòng nước dữ, anh thực sự thấm thía cảm giác mất mát, đớn đau.

Hình ảnh chiếc mũ bảo hiểm dập dềnh trên dòng nước ấy cứ chập chờn, ám ảnh trong tâm trí Duyệt. “Lúc nào, tôi cũng như thấy Dư đang ở trước mặt mình. Em cười hiền từ, mải miết làm việc trong cơn mưa tầm tã,” Duyệt tâm sự.

Về đi Dư

Ngay sau khi nhận được thông tin, chiều 11/10, lãnh đạo cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội đã khẩn trương thành lập tổ công tác đặc biệt trực tiếp lên Yên Bái, phân công cán bộ về liên hệ và đón thân nhân gia đình phóng viên Đinh Hữu Dư từ Ninh Bình đến hiện trường nơi phóng viên mất tích để triển khai các hoạt động tìm kiếm.

TTXVN và tỉnh Yên Bái phối hợp chặt chẽ, huy động các lực lượng chia làm 7 mũi tìm kiếm các nạn nhân bị lũ cuốn trôi mất tích; đồng thời tiến hành những phương án phù hợp đối với các tình huống xảy ra.

Từ hiện trường tìm kiếm cứu nạn, phóng viên Phạm Thế Duyệt cho biết, tổ công tác cho rằng, phóng viên Đinh Hữu Dư bị nước cuốn đi, sau đó có thể mắc kẹt vào những bụi tre lớn xung quanh khu vực. Bởi vậy, cơ quan đã trực tiếp thuê người dân địa phương chặt tre, tìm kiếm theo hướng này.

Sau những giờ phút kinh hoàng của lũ dữ, khu vực ấy trở lại với dáng vẻ yên ả như thường nhật. Sự tan hoang, xác xơ ám ảnh tâm trí những người có mặt ở đây. Ánh mắt ai cũng đầy vẻ khắc khoải, đau đáu hướng về phía nhịp cầu gãy - nơi Dư gặp nạn, với một niềm hy vọng khôn nguôi.

Từ Hà Nội, Đoàn Thanh niên TTXVN cùng hàng chục đồng nghiệp các báo khác cũng phát động phong trào quyên góp, ủng hộ để chia sẻ sự khó khăn, mất mát của gia đình Đinh Hữu Dư trong công tác tìm kiếm.

Thế nhưng, cuối giờ chiều 13/10, thông tin chính thức đã tìm thấy thi thể người phóng viên xấu số được thông báo. Người thân, đồng nghiệp và bạn bè anh một lần nữa lặng đi, khóc nghẹn.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Họ có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy.

Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và hơn 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Máu của các anh, các chị thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt. Những thông tin mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường từ các vùng nóng bỏng đạn bom đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.” (trích bài viết “Thông tấn xã Việt Nam - 70 năm trưởng thành cùng đất nước”)

Đến lượt mình, Đinh Hữu Dư lại tiếp tục viết tiếp vào bản hùng ca bi tráng của TTXVN trong thời bình.

Không một cán bộ, phóng viên nào của TTXVN có thể tin được khi đất nước không còn tiếng súng, vẫn có một đồng nghiệp của họ ngã xuống.

Và em còn quá trẻ, Dư ơi...

Viết tiếp hành trình Đinh Hữu Dư
“Về Dư nhé, muôn triệu lòng lửa đốt
Về để còn viết nốt những giấc mơ…”
Trong suốt cuộc đời làm báo ngắn ngủi, Đinh Hữu Dư luôn đau đáu với cái đói, cái nghèo trên mảnh đất Yên Bái nơi em làm việc.
Nhớ về người đồng nghiệp, phóng viên Phan Hải Tùng Lâm chia sẻ: “Trong các đề tài, anh thường ưu tiên cho trẻ em, nhất là lũ trẻ vùng cao. Anh mong cây bút của mình có thể đem lại thêm quần áo ấm, thêm sách vở và thêm những ngôi trường cho lũ trẻ.”
Chính vì đau đáu thế, nên đầu năm 2017, Đinh Hữu Dư là một trong những người đứng lên phát động một phong trào quyên góp sách cũ tặng trẻ em vùng cao của những huyện khó khăn như Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Theo nhà báo Thu Trang (Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam), Dư còn có ý định thành lập thư viện sách cho trẻ em vùng cao Yên Bái nên “mỗi lần về Hà Nội lại khệ nệ vác đi một đống sách, cứ một mình, một mình làm mọi thứ.”

Dự định của Dư chưa kịp thành hiện thực thì người phóng viên tử tế ấy đã vĩnh viễn nằm lại với trời mây Yên Bái. Bạn bè, đồng nghiệp chỉ còn kịp bàng hoàng nhắc lại giấc mơ của anh trong chua xót.

Thế nhưng một điều chắc chắn là hành trình của Dư sẽ không dừng lại ở cầu Thia Nghĩa Lộ. Hành trình của em sẽ được chính những người ở lại nối tiếp. Như Tùng Lâm khẳng định: “Tôi tin chắc, phong trào ấy sẽ hoàn thành, những cuốn sách ấy sẽ tới tận tay lũ trẻ, bằng cách này hay cách khác…”

Đinh Hữu Dư nằm lại khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình trên mặt trận thông tin. Em vĩnh viễn nằm xuống để dòng tin được chảy mãi…

Viết đến đây, tôi nhớ đến một bút danh mà Dư hay dùng, đồng thời cũng là tên hiệu em dùng trên Facebook: Giang Phong – cái bút danh như ám vận vào số phận vốn gắn bó với sông núi của người phóng viên bạc mệnh đất Hoa Lư. Tôi lại chợt nghĩ: Giờ phút này, chàng trai trẻ phóng khoáng từng mang khát vọng bay bổng với núi và sông của Tổ quốc ấy đã thanh thản hoá thành một cánh chim tung cánh giữa trời mây Yên Bái.

Và, tôi có một niềm tin đến ngây ngô rằng: Cánh chim Giang Phong của Dư sẽ không bao giờ mỏi, và tiếp tục dõi theo mảnh đất anh từng gắn bó và yêu thương.

Đã đến lúc em tự do bay với giấc mơ riêng của mình rồi, Dư ạ. Việc em chưa làm, những người ở lại sẽ chung tay để nối tiếp hành trình mang tên Đinh Hữu Dư…

Nguồn: tienphong.vn
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website