Loading ...
Hoạt động của các cơ sở
Hội thảo “Hoạt động khởi nghiệp – những khía cạnh pháp lý”
T4, 07/11/2018 - 15:11
Ngày 01/11, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo “Hoạt động khởi nghiệp – những khía cạnh pháp lý”. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và đồng chí Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo ông Ngô Thanh Xuyên (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp), từ “khởi nghiệp” lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị định số 02/2010/NĐ-CP quy định về khuyến nông. Sau đó, từ này liên tục được nhắc đến trong các văn bản, Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là từ đầu năm 2016 cho tới nay. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa đưa ra quy định giải thích thế nào là “khởi nghiệp”. Đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 thì lại giải thích cụm từ “doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”.

Mặc dù có thể được hiểu từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau nhưng Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách quan tâm đến khởi nghiệp. Đặc biệt, năm 2016 được Chính phủ xác định là “Năm quốc gia khởi nghiệp” để trong 2 năm 2017-2018 trở thành thời điểm chín muồi cho khởi nghiệp và sự ra đời của rất nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau.

Có điều, các thống kê gần đây đều phản ánh một bức tranh khá u buồn với tình hình phát triển của các start-up Việt. Theo ThS Nguyễn Quang Huy (Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội), trong số các start-up mới ra đời chỉ có 3% là thực sự thành công, thỏa mãn được một trong các tiêu chí: được định giá từ 10 triệu USD trở lên, doanh thu từ 2 triệu USD, có từ 100 nhân viên, đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán được công ty với giá tốt. Như vậy, số lượng start-up thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các start-up chết yểu.

Đáng chú ý các startup thành công hiện nay 100% đều học hỏi ý tưởng và bản địa hóa từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài. Trào lưu bê startup nước ngoài về rồi cắt gọt đi cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam cũng đặc biệt phổ biến.

Lý giải về thực trạng trên, Giám đốc Công ty Luật LAWPRO Đoàn Thu Nga (một trong những Cố vấn Chương trình khởi nghiệp quốc gia, cũng là một start-up) nhận định: Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khi bắt đầu thường không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào để thực thi, làm thế nào để được hưởng ưu đãi khi khởi nghiệp. “Các doanh nghiệp khởi nghiệp đều gặp phải vướng mắc trong khâu, hồ sơ đăng ký không có sự hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức; thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; khâu xử lý hồ sơ của chuyên viên còn chậm dẫn đến chậm ngày trả kết quả, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp” – bà Nga nói.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vướng mắc về quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về huy động vốn, nghĩa vụ thuế... cũng được bà Nga chỉ ra. Chẳng hạn, đối với quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện nay chúng ta có tất cả 5.719 điều kiện kinh doanh, thuộc 243 ngành nghề được quy định bởi Luật Đầu tư. “Những người đam mê kinh doanh họ sẽ mong muốn khởi nghiệp và khi khởi nghiệp họ chỉ quan tâm tới khách hàng và vốn nên phần lớn là họ sẽ phó thác cho các đơn vị dịch vụ thủ tục để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh cho họ và khi thực hiện thủ tục bước 1 xong thì họ cũng lãng quên đi việc phải đáp ứng tiếp các điều kiện sau đó để đủ điều kiện thực thi, bắt đầu đưa doanh nghiệp của mình vào triển khai thực tế kinh doanh” – bà Nga chia sẻ.

Bà Nga dẫn chứng: “Có hơn 60% các doanh nghiệp mà chúng tôi hỗ trợ hoặc là phải tham gia vào xử lý giải quyết tranh chấp với họ hoặc phải làm việc với các cơ quan quản lý thị trường đến khi hàng hóa bị tịch thu, khi bị các cơ quan quản lý nhà nước “sờ gáy” thì lúc đó họ mới biết mình cần phải làm gì”. Một vấn đề nữa là huy động vốn thì rào cản lớn nhất trong khía cạnh này là Việt Nam chưa có quy trình pháp lý hay quy định nào về việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào và rút vốn ra khỏi các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đồng tình, bà Ngô Thu Trang (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp) cho hay, còn tồn tại một số rào cản pháp luật liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Cụ thể, còn khoảng trống pháp lý hay các quy định pháp luật đã có nhưng chưa rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau; vấn đề thực thi các quy định chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho chủ thể khởi nghiệp còn gặp phải một số vướng mắc, hạn chế.

Đồng chủ trì Hội thảo, ông Hồ Quang Huy cũng nêu lên thực tế khi phối hợp với Trung ương Đoàn khảo sát về thanh niên với hoạt động khởi nghiệp. Theo đó đã nhận thấy có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử, một doanh nghiệp khởi nghiệp trong một lĩnh vực nào đó, được các quỹ đầu tư thiên thần hỗ trợ thì doanh nghiệp đang hoạt động trước đẩy có thể lo ngại nên đã “đâm” đơn khởi nghiệp ra Tòa. Lúc này, các quỹ đầu tư thiên thần thường chọn giải pháp rút lui và rủi ro cho doanh nghiệp khởi nghiệp là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, ông Huy vẫn nhấn mạnh sự cần thiết hình thành các quỹ đầu tư tư nhân, không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Và quan trọng nữa là phải tham khảo được bài học hay, chọn mô hình phù hợp với Việt Nam khi nhiều nước trên thế giới đã “khởi nghiệp” thành công. Bà Đoàn Thu Nga thì quan niệm, để giải quyết được những vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nên có một Cổng thông tin pháp lý cho họ. Cổng này sẽ tập hợp toàn bộ các văn bản pháp lý cho bất cứ một ai mong muốn gia nhập vào giới kinh doanh, giúp các start-up có thể dễ dàng biết mình cần làm gì, thực thi như thế nào, nhận ưu đãi ra sao... Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, đội ngũ cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; cần tự hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh…

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website