Với niềm đam mê chế tạo các sản phẩm công nghệ, sinh viên Nguyễn Xuân Đạt đã sáng chế ra nhiều sản phẩm kỹ thuật như xe tự hành, xe dò đường, thùng rác thông minh, hệ thống chăm sóc cây trồng tự động… Trong số đó, hệ thống chăm sóc cây trồng tự động là sản phẩm được đánh giá cao và mang nhiều giá trị thực tiễn. Sản phẩm này giúp ích cho người nông dân trong việc chăm sóc và tưới tiêu cây trồng; đồng thời có thể tự động thay đổi nhiệt độ - độ ẩm, điều chỉnh lượng hấp thụ ánh sáng mặt trời sao cho phù hợp với từng loại và từng thời điểm tăng trưởng của cây trồng.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, em Nguyễn Xuân Đạt vui vẻ cho biết: “Gia đình em có trồng nhiều loại rau và mỗi ngày ba mẹ em phải chăm sóc, tưới tiêu rất vất vả và tốn thời gian. Nhìn thấy những khó khăn của gia đình cũng như của những người nông dân khác, em đã nghĩ đến việc chế tạo một thiết bị để có thể tự động làm hết mọi việc như tưới tiêu, cung cấp ánh sáng, theo dõi nhiệt độ và độ ẩm của cây trồng. Sau 2 tuần mày mò nghiên cứu chế tạo, em đã chế tạo thành công hệ thống chăm sóc cây tự động này”.
Hệ thống bao gồm 5 phần: Bộ cảm biến độ ẩm đất, cảm biến mưa, khối cảm biến nhiệt độ - độ ẩm môi trường, khối module thiết lập thời gian, khối xử lý và điều khiển.
Bộ phận cảm biến độ ẩm đất được gắn vào phần đất gần rễ cây để đo độ ẩm của đất. Khi độ ẩm quá thấp so với độ ẩm chuẩn đã thiết lập của từng loại cây thì hệ thống sẽ tự động phun tưới nước cho cây. Nhưng nếu trời mưa và độ ẩm của đất đã đạt chuẩn, hệ thống mái che sẽ ngay lập tức kéo ra để ngăn không cho nước mưa vào gây ngập úng. Tương tự, khi khối cảm biến nhiệt độ - độ ẩm môi trường gửi thông số nhiệt độ quá cao (>37 độ C), mái che cũng sẽ tự động kéo ra để ngăn cho cây không bị khô héo. Tuy nhiên, có những ngày trời nhiều mây u ám, bộ phận cảm biến nhiệt độ - độ ẩm sẽ gửi thông báo đến bộ phận điều khiển để hệ thống tự động bật đèn Led để tạo ánh sáng cho cây quang hợp.
Bên cạnh đó, hệ thống còn giúp người dùng có thể cài đặt thời gian tưới nước, tăng hoặc giảm thời gian quang hợp để phù hợp với từng giai đoạn phát triển và từng loại cây trồng. Từ đó, cây trồng có thể phát triển một cách thuận lợi mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết bên ngoài, đảm bảo cây trồng phát triển tối đa và mang lại năng suất cao.
Dù chỉ mất 2 tuần để hoàn thiện sản phẩm nhưng Đạt cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. “Khó khăn lớn nhất là mỗi loại cây trồng có giai đoạn phát triển, độ ẩm đất, độ P - H, thời gian quang hợp khác nhau để phát triển tốt nhất. Do đó, để phát triển một thiết bị phù hợp với mọi loại cây trồng, em cần tìm hiểu sâu hơn về các loài thực vật từ nhiều nguồn sách, vở, Internet để tạo ra cơ sở dữ liệu chuẩn. Cùng với đó, là sinh viên nên vấn đề kinh phí cũng là một khó khăn đối với em”, Xuân Đạt chia sẻ.
Ảnh: Sinh viên Nguyễn Xuân Đạt giới thiệu về sản phẩm của mình tại ngày hội giới thiệu sản phẩm sáng tạo sinh viên VietHanIT.
Tại ngày hội giới thiệu sản phẩm sáng tạo của trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn vừa qua, hệ thống chăm sóc cây trồng của Đạt đã gây ấn tượng với ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc công ty Visnam. Ông Hùng cho biết: “Với hệ thống này, nếu có thể phát triển sẽ giúp thành phố Đà Nẵng giảm nhân công trong việc tưới cây xanh trên địa bàn. Tôi đánh giá cao về ý tưởng này và sẽ đầu tư 20 triệu để em Đạt hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường”.
Về việc phát triển sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, Đạt hồ hởi tiết lộ: “Trong thời gian tới, em sẽ nghiên cứu phát triển sản phẩm điều khiển trên ứng dụng smartphone. Chỉ với chiếc điện thoại, người dùng có thể dễ dàng thiết lập và theo dõi mọi thông số về thời gian tưới tiêu, bón phân, cung cấp ánh sáng quang hợp, độ ẩm, độ P - H…của cây trồng. Hy vọng sản phẩm này sẽ đến tay những người nông dân để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”.
- CUỘC THI P-STARTUP 2022 TÌM RA CÁC Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP XUẤT SẮC
- Diễn đàn Thanh niên với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Lai Châu
- CHƯƠNG TRÌNH TOẠ ĐÀM “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP”
- Lớp tập huấn chuyển giao hướng dẫn sử dụng chế phẩm EMIC trong canh tác nông nghiệp hữu cơ
- HỘI THẢO “GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH KHỞI NGHIỆP TRONG THANH NIÊN GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)”
- Thứ Bảy tình nguyện: Tuổi trẻ Bộ Tư pháp tổ chức “Hành trình tri ân – hành trình pháp luật” năm 2020
- CHUNG KẾT CUỘC THI Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO 2019
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học “Một số vấn đề về Khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay”.
- Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Thực trạng khởi nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số rào cản pháp lý cần tháo gỡ”
- Tọa đàm: Những giải pháp khắc phục rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp