Loading ...
Hoạt động quốc tế thanh niên
Ba dấu mốc đổi mới tư duy về hội nhập quốc tế
T4, 24/05/2017 - 10:05

Về lý thuyết, cũng như thực tế phần nào cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế vừa là quá trình song hành vừa là kết quả có tính tất yếu khách quan của toàn cầu hóa về kinh tế. Hội nhập quốc tế nói chung cũng như vậy, vừa là quá trình, vừa là kết quả của toàn cầu hóa các mối quan hệ.

Nhưng hội nhập quốc tế là gì, khái niệm và nội hàm của nó ra sao, cho đến nay, vẫn còn có nhiều cách hiểu và cách định nghĩa khác nhau. Đó là do cách tiếp cận vấn đề không giống nhau, hoặc nhìn riêng từng lĩnh vực hay nhìn trong tổng thể. Cũng có thể là do cách nhìn nhận bản chất của hội nhập và lợi ích của hội nhập thuộc về ai, cho ai nhiều hơn.

Bài viết này không đi sâu vào học thuật, chỉ muốn nêu lên đôi nét về nhận thức và chính sách của Đảng ta có liên quan đến hội nhập kinh tế, nhất là trong gần 30 năm đổi mới.

Trước hết, xin nói qua về thời kỳ trước đổi mới.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vào nửa sau của thế kỷ XX, thế giới chia làm hai phe, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Đã cùng tồn tại hai hệ thống chính trị – xã hội đối lập nhau, đi liền với nó là hai hệ thống kinh tế, hai thị trường biệt lập nhau. Như là quy luật của sự phát triển, sự liên kết kinh tế trở thành xu thế mạnh mẽ trong cả hai hệ thống, mạnh nhất là trong hệ thống tư bản chủ nghĩa với nhiều tổ chức kinh tế có tính khu vực và liên lục địa. Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đã ra đời Hội đồng Tương trợ kinh tế, một tổ chức liên kết, thực hiện sự phân công lao động quốc tế, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước trong hệ thống, đứng đầu là Liên Xô. Việt Nam tham gia Hội đồng với tư cách thành viên bình đẳng. Nhưng thực lực kinh tế của ta kém, lại phải dốc sức vào hai cuộc chiến tranh cứu nước, nên có nhiều hạn chế trong tham gia phân công lao động quốc tế, chủ yếu là nhận sự hợp tác và giúp đỡ của các nước anh em.

Thời đó, từ intégration (tiếng Pháp) hay intêgraxia (tiếng Nga) được dịch ra tiếng Việt là nhất thể hóa mà nhất thể hóa thì dễ hiểu là nhiều nước hóa thành một. Sau đổi thành hòa nhập, nhưng hòa nhập lại dễ hiểu là trộn lẫn, hòa tan. Cho nên đã có những cuộc tranh luận như “đổi mới” hay “đổi màu”,”hòa nhập” hay “hòa tan”?

Sau sự tan vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, những nước xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn tiếp tục con đường của mình nhưng không tồn tại với tư cách một hệ thống thế giới. Có sự thay đổi lớn trong các mối quan hệ giữa các nước trên toàn cầu.

Chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhìn lại gần 30 năm qua, đi liền với đổi mới tư duy lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng ta đổi mới tư duy trên cả lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta thấy có ba dấu mốc đổi mới tư duy quan trọng.

Dấu mốc thứ nhất là Đại hội VI (1986), tiếp theo là Đại hội VII (1991) của Đảng. Đại hội VI mở đầu thời kỳ đổi mới. Đại hội VII đề ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Có thể nói, Đại hội VI và  Đại hội VII, bằng đường lối đúng đắn của mình, đã mở ra bước đột phá đầu tiên đưa nước ta vào con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhưng chúng ta cũng cần thấy hai Đại hội VI và VII đều họp trong tình hình hệ thống xã hội chủ nghĩa vẫn còn tồn tại. Cho nên, trong các văn kiện của cả hai Đại hội, cụm từ “hội nhập kinh tế quốc tế” chưa được chính thức sử dụng. Nhiệm vụ đặt ra mới là “mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”. Và nhiệm vụ này cũng chỉ được đặt trong phần chính sách kinh tế chứ không phải trong phần chính sách đối ngoại như ở các Đại hội sau.

 Đại hội VI nêu: “Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là mở rộng quan hệ phân công, hợp tác toàn diện với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa; đồng thời tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển… Và: “Trong toàn bộ công tác kinh tế đối ngoại, khâu quan trọng nhất là đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu”.

Ở thời điểm Đại hội VI, ta hiểu vì sao Liên Xô và cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa vẫn là điểm nhấn chủ yếu trong hoạt động kinh tế đối ngoại của ta.

Đại hội VII chủ trương: “Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại”. Huy động tiềm năng của nền kinh tế, phát huy lợi thế so sánh tương đối, vừa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống trong nước, vừa hướng mạnh về xuất khẩu. Tiếp tục coi trọng các thị trường truyền thống, đồng thời nhanh chóng thâm nhập thị trường mới, mở rộng thị trường khu vực…

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII nêu thêm: Song song với việc khai thác các nguồn lực trong nước, cần tạo các điều kiện để thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn vốn và công nghệ của nước ngoài. Thực hiện các chính sách rộng rãi để thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.

Dấu mốc thứ hai là Đại hội VIII (1996), tiếp đó là Đại hội IX (2001) và Đại hội X (2006).

Từ chủ trương đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại của hai đại hội trước, ba đại hội này đã trực tiếp dùng khái niệm hội nhập kinh tế quốc tế. Về mức độ, đã từ hội nhập tiến lên chủ động hội nhập rồi chủ động và tích cực hội nhập, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn…

Đại hội VIII chủ trương: Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với  tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi…

Về kinh tế đối ngoại, Đại hội chủ trương: Chủ động tham gia cộng đồng thương mại thế giới, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp.

Đại hội IX  khẳng định: Chủ đông hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.

Đại hội X phát triển thêm một bước: Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tiễn 20 năm đổi mới, Đại hội lần này rút ra bài học lớn: Phát huy cao độ nội lực, đồng thời hết sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Đại hội chủ trương đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực, song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Cụ thể là: Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thúc đẩy hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN và các nước châu Á – Thái Bình Dương… Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược…

Dấu mốc thứ ba là Đại hội XI (2011). Đại hội chủ trương: Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Chuyển từ “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” là một bước phát triển tư duy quan trọng.

Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như: chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Về mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập trong các lĩnh vực khác, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013, về hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”.

Chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đã được triển khai mạnh mẽ trong bốn năm qua đến hết nhiệm kỳ Đại hội XI, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ hơn từ Đại hội XII trở đi.

CÁC TIN TỨC KHÁC
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
MUSIC
Tiện ích

Liên kết website